Kinh doanh taxi ở Hà Tĩnh: Chất lượng làm nên sự bền vững

(Baohatinh.vn) - Thực tế hoạt động kinh doanh taxi hiện nay đang thể hiện sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa chủ doanh nghiệp (DN) và người lao động. Đây cũng chính là bài toán căn bản mà các hãng taxi phải giải quyết nhằm siết chặt quản lý chất lượng để hoạt động kinh doanh vận tải hành khách phát triển hài hòa, bền vững.

>> Kinh doanh taxi ở Hà Tĩnh: Tài xế không chuyên, bát nháo thương quyền!

Khi “chủ - thợ” liên kết lỏng lẻo

Từ những hạn chế trong công tác tuyển dụng đội ngũ lái xe và tình trạng hoạt động “bát nháo” của xe thương quyền đã nảy sinh bất cập trong mối quan hệ giữa chủ DN kinh doanh taxi và người lái. Do đặc thù phải di chuyển thường xuyên, không có mặt tập trung tại công ty nên việc quản lý nhân viên chủ yếu dựa vào thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên xe. Hơn nữa, nhiều tài xế coi công việc này là việc thời vụ, không xác định gắn bó lâu dài nên không hình thành ý thức phải làm việc, cống hiến hết mình cho lợi ích của DN.

kinh doanh taxi o ha tinh chat luong lam nen su ben vung

Mở cửa cho khách, một hành động đẹp ngày càng hiếm của các tài xế taxi.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Công ty CP Vận tải và Du lịch MeKong Hà Tĩnh chia sẻ: “So với các loại hình kinh doanh vận tải khác thì kinh doanh taxi có những hạn chế nhất định. Số lượng lái xe biến động thường xuyên đã gây khó khăn trong công tác quản lý và ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của DN. Sau 2 năm hoạt động tại thị trường Hà Tĩnh, tỷ lệ tài xế đến và đi là ngang ngửa nhau, có những người chỉ làm việc một vài tháng, sau khi làm hư hỏng tài sản của công ty đã “bỏ của chạy lấy người”.

Cũng theo ông Thành, với các hãng taxi, tài xế là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, là “đại sứ thương hiệu”, tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ tài xế taxi ý thức chấp hành kỷ luật lao động, pháp luật về giao thông và văn hóa kinh doanh rất kém, đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của DN.

Mặc dù, các hãng đã tổ chức tập huấn kiến thức, trang bị kỹ năng cơ bản cho mỗi lái xe khi bắt đầu nhận việc, tuy nhiên, điều đó dường như là không đủ để nâng cao ý thức cho họ. Trong suốt quá trình làm việc, công tác tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, văn hóa kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức; do lao động biến động thường xuyên nên vai trò của các đoàn thể như đoàn thanh niên, công đoàn không được phát huy một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, với sự “bát nháo” của loại xe thương quyền, các DN gần như không quản lý hoạt động của đội ngũ lái xe này.

Mối liên kết lỏng lẻo, DN khai thác thương hiệu tối đa, tài xế chăm lo “cày cuốc, tăng thu nhập” nên chất lượng dịch vụ, hoạt động vận chuyển hành khách của các hãng taxi bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống.

Theo A. – từng làm giám đốc điều hành cho 1 hãng taxi tại Hà Tĩnh, các hãng taxi đặt ra “lệnh” (định mức doanh số tài xế phải nộp mỗi ngày để được hưởng % - P.V) nhằm khai thác tốt nhất thời gian vận hành của xe và người lái. Để đủ tiền “lệnh” (thường khoảng 500.000 đồng, riêng hãng taxi Mai Linh từ 600.000 đồng trở lên), nhiều tài xế đã phải tìm mọi cách để đạt doanh số. Khi không đủ, lái xe phải “ghi nợ” với DN (sẽ bị trừ %) hoặc bỏ tiền túi để đóng lệnh. Đó là một áp lực không hề nhỏ, nhất là với những người mới vào nghề. Cũng chính vì thế, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành “lốt” (điểm báo khách), “vớt” khách giữa các hãng taxi hay trong chính 1 hãng vẫn thường xảy ra.

Quản lý chất lượng phải đặt lên hàng đầu

Trao đổi về hoạt động của các DN vận tải taxi, ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, về cơ bản, các hãng taxi trên địa bàn đáp ứng các quy định về hoạt động vận tải như trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, đồng hồ tính giờ, chạy đúng lộ trình… Tuy nhiên, số lượng xe thương quyền quá nhiều đã gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, trước đây, việc tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, lái xe do Sở GTVT đảm nhận thì nay đã được giao cho các hãng trực tiếp thực hiện. Điều này cũng làm nảy sinh những bất cập vì không phải hãng nào cũng triển khai một cách nghiêm túc, triệt để và đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ”.

Theo quan điểm của Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Việt Thắng, để nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của các hãng taxi, các DN phải làm tốt công tác tuyển dụng đầu vào, đào tạo, quản lý và thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động. Bên cạnh đó, cần có các quy định chặt chẽ về thuê - mua tài chính để hạn chế số lượng xe thương quyền, nâng quy định tối thiểu số lượng xe của DN để đảm bảo quy mô, tính chuyên nghiệp của các hãng taxi.

Trong hoạt động kinh doanh, nếu quá chạy theo doanh thu mà lơ là công tác quản lý chất lượng thì hậu quả phải trả sẽ hết sức nặng nề. Taxi - một loại hình kinh doanh liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của khách hàng - muốn phát triển bền vững, càng phải tuân thủ quy luật đó.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast