Khẩn trương ứng phó, tránh lũ chồng do mưa lớn và xả lũ gây ra

(Baohatinh.vn) - Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thủy nông, công ty thủy điện chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, nhất là tránh hiện tượng lũ chồng lũ do mưa lớn, xả lũ hồ chứa gây ra.

>> Mưa lớn, nhiều địa phương ở Hương Khê tái ngập lụt

Do chịu ảnh hưởng không khí lạnh, toàn tỉnh có mưa, đặc biệt một số nơi mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ 7h ngày 29/10 đến 7h ngày 31/10/2016 tại Linh Cảm đạt 66,6mm; Sơn Diệm 97mm, Sơn Kim 119,5mm; Chu Lễ 250mm; Hòa Duyệt 95mm; Cẩm Nhượng 336mm; Hà Tĩnh 118,7mm; Kỳ Anh 453mm; Hoành Sơn 336,6mm; Hương Khê 293,4mm; Kẻ Gỗ 213mm; Sông Rác 399mm; mực nước lũ trên các sông đang tiếp tục lên nhanh.

khan truong ung pho tranh lu chong do mua lon va xa lu gay ra

Nhiều địa phương ở Hương Khê tái ngập lụt do mưa lớn kết hợp xả lũ Thủy điện Hố Hô

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh từ đêm 31/10 đến và ngày 01/11 mưa lớn tiếp tục sẽ xảy ra trên diện rộng, lũ các sông tiếp tục lên. Trong khi đó, trên địa bàn vừa trải qua một đợt mưa lũ lớn từ ngày 14-16/10 gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; đặc biệt, hiện nay các hồ đập trên địa bàn đã tích đầy nước, nếu không có giải pháp điều tiết xả lũ phù hợp thì nguy cơ mất an toàn cho công trình và ảnh hưởng đến dân sinh rất lớn.

Thực hiện Công điện số 33/CĐ-TW hồi 08 giờ ngày 31/10/2016 của BCĐ Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên các bản tin, dự báo của Trung ương và của tỉnh, thời gian và lưu lượng xả lũ các hồ chứa, hồ thủy điện, thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân được biết, nhất là đối với các vùng ven sông, suối, vùng hạ lưu các hồ chứa nước, hồ thủy điện, vùng thấp trũng; kiểm tra và có phương án đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, hồ thủy điện; thực hiện tốt công tác bốn tại chỗ, để có phương án chủ động phòng, tránh và ứng phó hiệu quả.

Tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, để có kế hoạch triển khai phương án chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, đề phòng khi có mưa, lũ lớn xảy ra.

BCH PCTT và TKCN các công trình trọng điểm Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên; Sông Rác, Kim Sơn và thượng Sông Trí; các Nhà máy Thủy điện: Hố Hô và Hương Sơn thường xuyên kiểm tra, chỉ huy và điều hành thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư vùng hạ du hồ chứa, hồ thủy điện; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa, hồ thủy điện theo dõi sát tình hình diễn biến mưa, lũ và ngập lụt phía hạ du công trình để chủ động điều tiết, hạ thấp mực nước trong hồ vừa đảm bảo an toàn cho các công trình, vừa giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du, tránh trường hợp lũ chồng lũ do mưa lớn và xả lũ gây ra; chỉ đạo BCH PCTT và TKCN các địa phương tổ chức huy động lực lượng, vật tư, phương tiện và mọi nguồn lực thực hiện phương án Phòng, chống thiên tai và sơ tán dân ở vùng hạ du đến nơi an toàn khi thiên tai xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Trưởng các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến mưa, lũ, đặc biệt là kiểm tra mức độ an toàn và phương án PCLB của các hồ chứa, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

BCHQS tỉnh, BCH BĐBP tỉnh, Công an tỉnh duy trì lực lượng thường trực, có phương án bố trí nhân lực, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm xung yếu, để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Sở GTVT có phương án tổ chức kiểm tra, canh gác, hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường giao thông bị ngập, bến đò dọc, đò ngang, các ngầm qua sông suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân do bất cẩn.

Sở TN&MT chỉ đạo Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình mưa, lũ; phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Tĩnh kịp thời đưa tin cho các địa phương, các ngành và Nhân dân được biết để chủ động phòng tránh có hiệu quả.

Sở TT&TT có phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt để phục vụ tốt cho công tác chỉ huy, điều hành của tỉnh đến tận các địa phương và công trình trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với BCH PCTT và TKCN tỉnh, BCH PCTT và TKCN các công trình trọng điểm của tỉnh thực hiện việc truyền tin về điều tiết xả tràn của các hồ chứa để các cấp, các ngành và Nhân dân được biết chủ động phòng, tránh.

Các Sở: Công Thương, Y tế, Tài chính chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, kinh phí để kịp thời hỗ trợ cho Nhân dân tại các vùng có nguy cơ bị lũ chia cắt, vùng ngập sâu. Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình chuẩn bị mọi phương án để chủ động phòng, tránh và ứng phó có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn thường xuyên thông báo diễn biến thiên tai cho các sở, ban, ngành; địa phương và Nhân dân biết chủ động phòng, tránh. Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các công trình trọng điểm, các Tiểu ban tổ chức thường trực 24h/24h để theo dõi, cập nhật các thông tin về diễn biến của mưa lũ để chủ động đối phó và báo cáo kịp thời mọi diễn biến về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Giao Sở NN&PTNT (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) chủ trì, phối hợp Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa, lũ; đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa, lũ; kịp thời báo cáo và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách có thể xảy ra.

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast