Các địa phương triển khai biện pháp đối phó bão số 4

Trước dự báo cơn bão số 4 có khả năng đổ bộ vào địa bàn tỉnh ta, từ tối 25/9, các địa phương đã tập trung triển khai các giải pháp khẩn trương đối phó với mưa bão.

Lộc Hà: 324 tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn

Để chủ động phòng chống bão số 4, BCH PCLB huyện Lộc Hà đã chỉ đạo các địa phương kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ấn an toàn. Đã có 300 tàu thuyền trên địa bàn toàn huyện trú ẩn tại âu thuyền; 79 ngư dân trên 15 tàu đánh cá đang trên đường về tránh bão (dự kiến chiều nay (26/9) sẽ cập cảng); 52 người trên 9 tàu đã kịp thời vào vào tránh bão ở đảo Bạch Long Vĩ.

Nhân viên BQL Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim - Lộc Hà) kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn
Nhân viên BQL Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim - Lộc Hà) kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn

Được biết, ngay từ tối 25/9, lãnh đạo huyện đã về các xã đốc thúc việc thực hiện các phương án phòng chống bão lụt. Đặc biệt là chỉ đạo bà con tập trung thu hoạch lúa hè thu, triển khai các phương án chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, tổ chức các phương án di dân; kiểm tra các biện pháp an toàn đê điều, chỉ đạo tiêu thoát các trục tiêu chính để đề phòng ngập úng.

Cẩm Xuyên: Cấm tất cả tàu thuyền ra khơi, kiên quyết không để người ở lại trên tàu

Trước diễn biến của cơn bão số 4, sáng 26/9, Sở NN&PTNT cùng BCH PCLB huyện Cẩm Xuyên đã họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó.

Đến 7h sáng 26/9, BCH PCLB huyện Cẩm Xuyên phối hợp với Bộ đội biên phòng kêu gọi 964 tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, đồng thời tiếp tục kêu gọi tẩt cả tàu thuyền về nơi trú ẩn trước 17h ngày 26/9; nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra khơi, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền; rà soát số lượng các hộ dân cư đang sống ở các vùng xung yếu ven biển, ven cửa sông và chủ động kế hoạch sơ tán dân.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và huyện Cẩm Xuyên kiểm tra công trường cống lấy nước số 2 dưới đập phụ Kẻ Gỗ
Lãnh đạo Sở NN&PTNT và huyện Cẩm Xuyên kiểm tra công trường cống lấy nước số 2 dưới đập phụ Kẻ Gỗ

Huyện Cẩm Xuyên cũng triển khai các phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập và vận hành điều tiết hồ chứa đúng quy trình kỹ thuật, chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”.

Điều quan tâm nhất hiện nay là lúa hè thu. Đến thời điểm này, huyện Cẩm Xuyên đã thu hoạch gần 5 ngàn ha lúa trên tổng số 8.325 lúa hè thu. Diện tích còn lại cơ bản đã chín. Để đảm bảo lúa không bị ngập úng do mưa bão, mặc dù trời đang mưa nhưng ở những nơi có nguy cơ đổ rạp bà con nhân dân đang nhanh chóng thu hoạch.

Cùng đó, huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp với Trung đoàn 841 – Bộ Chỉ huy Quân sự huyện huy động trên 100 chiến sỹ tranh thủ mọi thời gian khẩn trương thu hoạch các trà lúa hè thu đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, gặt đến đâu phải có biện pháp phơi sấy đến đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ ẩm mốc xảy ra.

TP. Hà Tĩnh: Cho học sinh cấp 3 nghỉ học để phụ giúp gia đình thu hoạch lúa hè thu

Sáng 26/9, UBND TP. Hà Tĩnh đã họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó bão số 4. Theo ông Trần Thế Dũng – Chủ tịch UBND TP. Hà Tĩnh, hiện nay, toàn thành phố mới thu hoạch 50% lúa hè thu. Vì vậy, thành phố đã chỉ đạo gấp rút thu hoạch số lúa còn lại trong 2 ngày 26 và 27/9. Nếu cần, trong trường hợp khẩn, thành phố sẽ huy động lực lượng quân đội, công an giúp đỡ nhân dân thu hoạch một cách nhanh nhất.

Cũng trong sáng nay, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Phòng Giáo dục TP. Hà Tĩnh đã cho toàn bộ học sinh khối THPT nghỉ học để tham gia thu hoạch lúa hè thu cùng với gia đình. Được biết, hiện TP. Hà Tĩnh còn khoảng 7 nghìn ha lúa hè thu chưa thu hoạch.

Lãnh đạo thành phố cũng đã đi kiểm tra các công trình trong điểm trên địa bàn, đồng thời yêu cầu địa phương phối hợp kịp thời với thành phố trong việc triển khai các phương án chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của bão; yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng kiểm tra các hệ thống cống rãnh, mương thoát nước, tránh ngập úng trên các tuyến đường; yêu cầu cán bộ lãnh đạo, chuyên môn địa phương tích cực triển khai phương án "4 tại chỗ", trong đó đặc biệt chú trọng đảm bảo thông tin thông suốt, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng bão.

Vũ Quang: Lập phương án sơ tán 1.600 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, huyện Vũ Quang đang tích cực triển khai các phương án phòng chống. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện đặt lên hàng đầu đó là chủ động sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; tập trung chằng chống, neo giằng lại nhà cửa và khẩn trương thu hoạch nhanh gọn những diện tích lúa, hoa màu vụ hè thu đã chín.

Nhân dân huyện Vũ Quang giằng néo nhà cửa để chống bão số 4
Nhân dân huyện Vũ Quang giằng néo nhà cửa để chống bão số 4

Huyện Vũ Quang đã ban hành công điện khẩn, đồng thời họp quán triệt, phân công các thành viên trong BCH PCLB huyện trực tiếp xuống địa bàn các xã, thị trấn để chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ. Huyện cũng lập phương án sơ tán gần 1.600 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm; chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn những diện tích lúa, hoa màu vụ hè thu; cho phép các trường học bố trí cho học sinh nghỉ học và có các phương án dạy bù sau mưa lũ.

Hiện, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra các công trình hồ đập, đê kè chống sạt lở tại các bờ sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi. Cùng đó, huyện đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ và đoàn viên, thanh niên sẵn sàng giúp đỡ, ứng cứu nhân dân; ký hợp đồng với các ki ốt chuẩn bị sẵn 16 tấn gạo, mì tôm, nước uống, thuốc chữa bệnh và các phương tiện thuyền bè; duy trì nghiêm túc công tác trực ban, trực chỉ huy, đảm bảo thông tin liên lạc tại 12/12 xã, thị trấn.

Đức Thọ: 1.800 ha lúa hè thu chạy lũ đã thu hoạch xong

Ông Võ Công Hàm, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Vụ hè thu này, huyện gieo cấy 4.200 ha lúa. Đến nay, đã gặt xong trên 85%. Đặc biệt, trà luá hè thu chạy lũ (1.800 ha) đã gặt xong trước ngày 25/9. Huyện đã cho học sinh cấp 3 nghỉ học để tham gia gặt lúa chạy lũ giúp dân; lực lượng công an, bộ đội cũng được triển khai xuống giúp dân.

Nhân dân xóm 1, xã Yên Hồ (Đức Thọ) gặt lúa chạy lũ
Nhân dân xóm 1, xã Yên Hồ (Đức Thọ) gặt lúa chạy lũ

Đức Thọ đã tổ chức họp BCĐ, ban hành các công điện PCBL, triển khai các phương án PCLB; cử cán bộ phụ trách cụm xuống cơ sở, các cụm để kiểm tra công tác “4 tại chỗ” nhằm đối phó với bão một cách hiệu quả nhất, trong đó, tập trung cao cho các công trình trọng điểm như: đê La Giang; các vùng ngoài đê…

Hương Sơn: Các công trình thuỷ lợi đang thi công bảo đảm an toàn

Vụ hè thu năm nay, Hương Sơn gieo cấy 2.500, đến nay đã gặt được 80%, trong đó có 1.200 ha hè thu chạy lũ ở các xã vùng thấp như: Sơn Bình, Sơn Hà, Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Tân… đã gặt xong.

Ở các xã vùng thấp, Hương Sơn cơ cấu các giống ngắn ngày chạy lũ nên đến nay 100% lúa đã chín và đã gặt xong trước 25/9.

Hương Sơn đang huy động lực lượng công an, bộ đội và học sinh các trường THPT xuống các xã giúp dân gặt lúa chạy lũ. Hiện tại, chỉ còn khoảng 600 ha tập trung ở các xã vùng cao, đang dược gấp rút gặt.

Bên cạnh việc gặt lúa chạy lũ, huyện đã họp, ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương đối phó với cơn bão số 4; chỉ đạo cán bộ về đốc thúc gặt lúa và kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó lụt bão tại các địa phương nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Huyện Hương Sơn đặc biệt quan tâm đến các công trình thủy lợi đang thi công. Tuy nhiên, hầu hết các công trình này đều đã thi công vượt lũ. Tuyến đê Tân Long, đoạn xung yếu cũng đã thi công xong…

Theo ghi nhận của chúng tôi, Hương Sơn đã thực hiện tốt việc tập trung đẩy nhanh tiến độ gặt lúa cũng như triển khai tốt công tác ứng phó với bão số 4.

Tiếp tục cập nhật...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast