Giá dầu lao dốc, cuộc chiến ai cũng sẽ đổ máu

Mỹ giảm giá dầu khơi mào cho một cuộc chiến kinh tế với Nga và một số đối tượng Washington không ưa nhưng điều này cũng khiến kinh tế Mỹ "chảy máu".

Giá dầu lao dốc, cuộc chiến ai cũng sẽ đổ máu ảnh 1

Giá dầu liên tục giảm tại Mỹ (ảnh: AP)

Ngón đòn hiểm của OPEC

Cuộc họp của OPEC tại Vienna, Áo ngày 27/11/2014 được coi là phát súng khai hỏa cuộc chiến giá dầu giữa OPEC – thế lực truyền thống chi phối thị trường dầu từ trước tới nay và Mỹ – kẻ thách thức mới nổi.

Ở thời điểm đó, những dự báo giá dầu xuống dưới 70USD đã được đưa ra cùng khuyến cáo OPEC nên cắt giảm sản lượng dầu khai thác để đảm bảo bình ổn giá dầu thế giới cũng như an toàn cho các nước thành viên.

Nhưng ở vai trò đầu tàu, Saudi Arabia cương quyết tuyên bố không cắt giảm, thay vào đó giữ nguyên mức khai thác hiện tại. Bề ngoài như tuyên bố của Saudi Arabia là để tăng thế cạnh tranh về giá dầu với các nước xuất khẩu dầu mỏ như Nga hay Mỹ, hay là cách để trừng phạt Iran bởi vì Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh coi Iran là kẻ thù khu vực chủ chốt của họ. Họ đều biết rằng Iran, với nền kinh tế gặp khó khăn và bị các lệnh trừng phạt của phương Tây làm tê liệt, đang rất cần giá dầu cao, nhưng họ không có ý định giúp đỡ.

Tuy nhiên, bản chất sâu xa trong quyết định của OPEC nói chung, Saudi Arabia lần này, “ngón đòn hiểm” nhằm vào Mỹ là chủ yếu.

Công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ được cho là một trong những mục tiêu chính của OPEC. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhờ dầu đá phiến, Mỹ đã có thể sản xuất khoảng 9 triệu thùng dầu/ngày, nhiều hơn bất cứ thành viên OPEC nào và chỉ kém Nga.

Nhưng 2015, Mỹ sẽ vượt Nga lên hàng số 1 về sản lượng dầu. Khi đó quyền lực của Mỹ trên thị trường dầu sẽ càng mạnh. Theo các chuyên gia của Ngân hàng Scotiabank, Canada, dầu đá phiến của các mỏ ở North Dakota và Pennsylvania, Mỹ sẽ chỉ hòa vốn nếu giá dầu khoảng 65 USD/thùng.

Vậy mà ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang ở dưới 50USD...

Nếu giá dầu được giữ ở mức này một thời gian đủ dài, nó sẽ bóp chết hầu hết các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ và khiến ngành công nghiệp mới này của Mỹ sẽ cần một thời gian không nhỏ để hồi phục.

Một khi khả năng khai thác dầu đá phiến của Mỹ bị bóp chết, không những OPEC sẽ thâu tóm được thêm thị phần trên thị trường dầu thế giới, mà còn khiến giá dầu tăng trở lại, một mũi tên trúng hai đích của các nhà lãnh đạo OPEC.

Và thực tế, Mỹ đang đối mặt với khá nhiều hệ quả khôn lường từ sức ép của chính sách ghìm giá dầu của OPEC. Nền công nghiệp then chốt đang có tới gần 3 triệu người lao động này của Mỹ đang đối diện với nguy cơ bị chèn ép và thu hẹp khả năng sản xuất có thể tạo ra những hệ lụy khó lường.

Chính phủ Mỹ không thể công khai hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất dầu đá phiến trong cuộc chiến giá dầu với OPEC, người dân Mỹ cũng khó lòng chấp nhận tiêu thụ dầu đá phiến của các doanh nghiệp Mỹ nếu giá thành cao hơn giá dầu nhập khẩu, nhất là khi giá dầu thế giới đang thấp như hiện tại.

Nhưng điều đó không có nghĩa là OPEC chiếm lợi thế tuyệt đối trong cuộc chiến giá dầu.

Thắng Mỹ, OPEC cũng không thể “ăn cả”

Forbes đưa ra câu hỏi OPEC có sống nổi với giá dầu dưới 65 USD/thùng cho tới năm 2017 hay 2018?

Theo tờ báo này, một vài thành viên như Saudi Arabia và Kuwait có thể chịu được, nhưng với nhiều nước vùng Vịnh, Trung Đông hay Bắc Phi như Iran, Iraq, Libya hay “đồng minh” Saudi Arabia là UAE, chắc chắn là không thể.

OPEC cũng đang có những vấn đề không dễ giải quyết trong nội bộ tổ chức, những vấn đề không cho phép họ có khả năng duy trì mức giá dầu thấp hiện nay quá lâu.

Theo The Economist, một lực lượng hùng hậu gồm các nước xuất khẩu, các công ty năng lượng, công nghiệp phụ trợ dầu, các cổ đông đều muốn dầu trên ngưỡng 60 USD/thùng để sống. Họ đều không muốn cùng chết ở mức giá dưới 40 USD/thùng.

Ðã đâm lao, giờ các nước OPEC dẫn đầu là Saudi Arabia sẽ phải theo lao, nhưng chắc chắn không thể theo tới mức sinh tử đó.

Giá dầu bao nhiêu mới an toàn với nước Mỹ?

Giá dầu lao dốc, cuộc chiến ai cũng sẽ đổ máu ảnh 2

Khai thác dầu tại Texas, Mỹ (ảnh: Reuters)

Nhận định chớp nhoáng trên Bloomberg ngày 5/1, chuyên gia Jeff Gundlach cho rằng: 55USD/thùng được coi là con số hợp lý và an toàn nhất cho giá dầu của Mỹ, sẽ không xảy ra lạm phát đối với nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh giá cả biến động.

“Nếu con số xuống dưới 40USD sẽ thực sự là thảm họa, là sai lầm khó sửa chữa và hậu quả không chỉ ở phạm vi kinh tế mà lúc đó là chính trị và an ninh”. Jeff Gundlach nói.

Một số nhà phân tích dự đoán giá dầu có thể giảm xuống dưới 30 USD/thùng, nền kinh tế Mỹ có thể mất hàng triệu việc làm có lương cao, hàng tỷ USD trái phiếu năng lượng có thể vỡ nợ và hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư phái sinh có liên quan đến ngành năng lượng sẽ “nổ tung”.

Không một ai có thể biết mức đáy của giá dầu sắp tới.

Hệ thống tài chính toàn cầu hiện cực kỳ dễ bị tổn thương và việc cố tình để giá dầu lao dốc không phanh là một trong những yếu tố giảm phát lớn nhất mà con người có thể làm ra. Dù ai đứng sau cuộc chiến dầu mỏ này, cũng đang đùa với lửa và hậu quả tất yếu là đều phải đổ máu./.

Giá dầu tại Mỹ ngày 5/1 tiếp tục giảm xuống mức kỷ lục mới là dưới 50 USD/thùng. Lần đầu tiên giá dầu giảm xuống mức này kể từ năm 2009, chứng minh lo ngại trước đó của một số chuyên gia kinh tế về “cung đã vượt quá cầu” trong năm nay.

Biết trước xu thế giá dầu giảm, song tại phiên họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tháng 11/2014, khối này vẫn kiên quyết giữ sản lượng chứ không giảm như yêu cầu của một số nước thành viên.

Ở thời điểm đó, chuyên gia kinh tế Jeff Gundlach, chủ tịch quỹ đầu tưDoublelin (Mỹ) nhận định với Bloomberg: “Bề ngoài có vẻ OPEC hưởng ứng Mỹ ghìm giá dầu để hủy diệt Nga nhưng đây cũng có thể là một toan tính không hề đơn giản của OPEC đối với cả kinh tế Mỹ”.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast