Nguyễn Quát - vị quan thanh liêm, người thầy mẫu mực

(Baohatinh.vn) - Thầy Nguyễn Quát - nguyên Hiệu trưởng Trường Cấp III Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh), tuy không dạy tôi giờ nào nhưng những kỷ niệm đẹp về thầy thì vẫn theo tôi suốt cuộc đời.

nguyen quat vi quan thanh liem nguoi thay mau muc

Màn văn nghệ về tình thầy trò Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) trong ngày kỷ niệm 70 năm thành lập (15/11/2015)

Dạo ấy, vào mùa hè 1958, tôi một mình đi bộ từ Nghi Xuân đến Trường Cấp 3 Phan Đình Phùng (TX Hà Tĩnh) thi vào lớp 8. Sau một ngày đi đường vất vả, đến chiều tối, tôi mới đến được trường. Thật ngỡ ngàng, tôi bước vào ngôi trường thoáng mát, gồm 6 dãy nhà tranh, vách đất, giữa sân trường có bảng đen to, trên đó, dán bản danh sách và phân phòng học sinh (HS) dự thi lớp 8 khóa 1958-1959.

Tôi đang ngơ ngác đứng nhìn vào bảng thì thấy một người mặc quần áo bà ba màu nâu, vỗ vai, hỏi giọng nhỏ nhẹ: Em thi vào lớp 8 à? Tôi trả lời: Dạ. Bác ấy lại hỏi tiếp: Sao giờ mới đến, đã tìm được số báo danh chưa? Tôi trả lời: Em từ Nghi Xuân vào, chưa có số báo danh ạ. Thế tên em là gì, thầy tìm hộ cho. Tôi hơi giật mình, ra đây là thầy giáo và lẩm bẩm trả lời họ tên, quê quán với thầy.

Thầy hỏi: Em ở Nghi Xuân vào, đi theo đường 1A hay đường Truông Vùn? Tôi đáp: Dạ, em đi đường Truông Vùn. Thầy nhìn tôi và nói: Em còn nhỏ mà cố gắng thế là giỏi lắm. Rồi thầy tìm số báo danh và số phòng thi cho tôi, dặn về tìm nhà trọ ăn ngủ cho đỡ mệt, lấy sức mai thi cho tốt. Nói xong, thầy đi ra phía sau dãy nhà ngang của trường. Sau này, tôi được biết, đó là khu tập thể giáo viên.

Hôm khai giảng, khi giới thiệu thầy Hiệu trưởng lên phát biểu, tôi nhớ ra, thầy giáo giúp mình tìm số báo danh hôm đó là thầy Nguyễn Quát - Hiệu trưởng nhà trường. Thầy phát biểu ngắn gọn, nội dung những gì giờ tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ giọng thầy nhỏ nhẹ, chậm rãi. Trong quá trình học ở trường, tôi thấy thầy Quát rất lạ, nhiều khi thầy tự đánh trống ra chơi, đánh trống vào học thay cho bác lao công. Khi HS đi lao động cấy lúa ở Thạch Xuân, thầy cũng xắn quần xuống làm. Khi thấy thầy dạy Văn, khi thấy thầy dạy Sử, dạy Địa… Giáo viên bộ môn vắng giờ nào là thầy vào dạy thay. Các thầy giáo nói, thầy Quát đậu tú tài toàn phần nên giỏi toàn diện, môn chi thầy cũng dạy được.

Đùng một hôm, thầy chủ nhiệm thông báo cho HS lớp tôi biết, thầy Quát đã được Bộ Giáo dục điều ra dạy môn Pháp văn ở một trường đại học, thầy Đỗ Xuân Vượng - Hiệu phó lên thay. Thời điểm đó, giáo viên, HS trường Phan Đình Phùng ai cũng cảm phục, kính nể thầy Nguyễn Quát - người hiệu trưởng mẫu mực, hết lòng vì nhà trường, vì HS.

Vào năm 1963, bất ngờ, tôi gặp lại thầy trong hoàn cảnh đặc biệt ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thời đó, giáo viên và HS đều sống và ăn, ở trong ký túc xá. Hai bữa chính ăn ở nhà ăn tập thể, còn bữa sáng thì phát theo khẩu phần. Cứ 5h sáng, HS, giáo viên trực thay nhau lên nhận phần ăn về cho tổ, cho lớp. Hôm đó, đến lượt tôi trực nhật, lên nhà ăn nhận phần, mỗi người nửa chiếc bánh mì.

Tôi đứng sắp hàng đợi đến lượt mình, ngoảnh lại phía sau, ngỡ ngàng nhìn thấy thầy Quát. Tôi chào thầy, thầy à một tiếng rồi chào tôi. Tôi giới thiệu với thầy là HS trường Phan Đình Phùng. Thầy nhìn vào mắt tôi và hỏi: Em học ở khoa nào? Tôi trả lời: Em học ở khoa Lý - Toán và nhắc lại kỷ niệm gặp thầy hồi thi vào lớp 8. Không ngờ, thầy vẫn còn nhớ và hỏi tôi có phải quê ở Nghi Xuân không. Tôi mời thầy lên đứng xếp hàng trước, nhưng thầy không chịu. Tôi phải tự ra khỏi hàng để cho thầy lên trước.

Hôm sau, tôi đến thăm thầy ở khu tập thể giáo viên trong dãy nhà tranh, thầy và một thầy dạy tiếng Nga ở chung trong một căn phòng hẹp, đơn sơ. Hai thầy nằm 2 giường, ở giữa có chiếc bàn nhỏ dùng chung. Giây phút thầy trò gặp nhau cứ lưu lại trong lòng tôi cho đến hôm nay.

Thật bất ngờ, tôi lại được nghe câu chuyện về thầy Nguyễn Quát ở một làng quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đó là vào năm 1988, là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, tôi được cử về chỉ đạo thâm canh lúa ở huyện Yên Thành. Lần ấy, lãnh đạo huyện giới thiệu tôi về xã Hoa Thành, được các đồng chí trong Ban Chủ nhiệm hợp tác xã báo cáo, dẫn ra xem quy trình thâm canh lúa cao sản đạt trên 5 tấn/ha/vụ ở cánh đồng Tro và kể về lai lịch của cánh đồng này cho tôi nghe.

Chuyện là, ở làng Hoa Thành trước đây có một bà địa chủ tên là T.T.V. Bà ta giàu lên nhờ cướp chồng của chị, rồi chiếm đoạt tài sản và hơn 100 mẫu ruộng của chồng. Nguyên do thấy chị mình lấy được chồng giàu, chị ta dùng nhan sắc ve vãn và trở thành vợ hai của anh rể. Nhưng rồi, do chị sinh được một cháu trai, còn mình thì 5, 6 năm mà không sinh đẻ nên đâm lòng ghen ghét chị và đi đến tột đỉnh của tội ác. Bà V. đã lấy lá ngón trộn vào chè xanh, nấu cho chị uống. Cái chết của người vợ cả đã làm ông chồng tức giận và sợ hãi không dám sống chung với cô em vợ lẻ thâm độc nên đã mang con bỏ nhà đi biền biệt. Thị V. đã thừa kế tất cả tài sản của chồng và trở thành một địa chủ gian ác trong làng. Thị đã dùng tiền bạc, dùng kế mỹ nhân mua chuộc các ông hào, lý trong làng và cả quan trên để lộng hành.

Nhưng rồi, thị không ngờ có chuyện “xui xẻo” xảy ra vào một dịp tết. Được biết, trên vừa điều quan huyện Yên Thành đi nơi khác và cử quan huyện mới về thay. Nhân dịp ngày tết, thị V. mang quà, gồm gạo, nếp, thịt, gấm vóc, vàng, bạc… đến chúc tết và đón mừng quan huyện mới. Đoàn lên huyện gồm 2 xe kéo cùng với tùy tùng. Thị ngồi một xe, một xe chở hàng đi thẳng vào huyện đường. Qua cổng gác, tưởng như mọi lần, thị cho quà là lính gác mở cửa mời vào. Lần này, thị bị ngăn lại và được lính gác giải thích, phải báo quan đã, quan huyện mới khác với các quan trước lắm. Nhưng với quyền uy của mình, thị bất chấp lính gác, cứ xộc thẳng vào huyện đường.

Thấy thị V. vào, quan huyện nghiêm mặt: Ai cho bà tự tiện vào khi chưa có lệnh của tôi? Tưởng như mọi lần, thị ngang nhiên trả lời: Thưa quan! Con là T.T.V. ở làng… Thị nói chưa dứt lời, quan huyện cắt ngang: Ta biết rồi, V. Vạc gì cũng phải có phép tắc, đây là công đường, bà biết chứ? Thị hơi giật mình, sao ông ta lại biết cả cái tên Vạc mà bọn dân quê ác ý ghép vào cho mình. Nhưng rồi thị cũng mạnh dạn: Bẩm, dạ, nhân ngày tết, con có chút quà… Thị nói chưa dứt lời, quan huyện đã cắt ngang và ra lệnh: Bà ra khỏi đây ngay, mang theo quà cáp ra ngoài. Lính đâu, dẫn bà ta ra. Nói xong, quan quay vào trong phòng.

Ra đến cổng, bà nghe lính gác nói, quan huyện mới đi thị sát về, đã nghe dân kể và đang tức giận về chuyện bà lộng quyền, hành dân, đút lót quan trên. Thị V. trong lòng bất an, bực tức với cách xử sự của ông quan huyện mới, liền ra lệnh cho thuộc hạ đổ hết nếp, gạo, thịt, bánh xuống sông, còn vải vóc đem ra cánh đồng đốt hết. Cánh đồng đó về sau được dân làng gọi là cánh đồng Tro.

Khi có chủ trương cải cách ruộng đất, T.T.V đã thắt cổ tự vẫn, toàn bộ ruộng đất và tài sản được chia cho nông dân. Còn vị quan huyện ấy, các anh ở xã Hoa Thành cho tôi biết, đó là Nguyễn Quát, sau Cách mạng tháng Tám được Nhà nước ta trọng dụng bổ nhiệm làm Phó Ty giáo dục rồi làm Hiệu trưởng trường phổ thông cấp 3 ở tỉnh Hà Tĩnh. Từ đó, tôi được biết thêm về thầy Nguyễn Quát từng là người quan thanh liêm.

Thầy Quát đã để lại trong các thế hệ HS và giáo viên hình ảnh người thầy mẫu mực, người hiệu trưởng có đóng góp to lớn cho trường Phan Đình Phùng và ngành giáo dục Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast