Y đức không ranh giới

(Baohatinh.vn) - Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, các sinh viên y khoa phải đọc lời thề Hyppocrates trước khi ra trường hành nghề...

Lời thề này được tất cả sinh viên trường y tuyên thệ trong lễ tốt nghiệp: “Trước đấng tối cao mà tôi tin tưởng. Tôi xin thề trước Apollon – thần chữa bệnh, trước Esculapius – thần y học, trước thần Hygieia và Panacea và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây: … Tôi sẽ khám miễn phí cho người nghèo; tôi sẽ đối xử với người bệnh như người thân…”.

Y đức không ranh giới ảnh 1

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trạm Y tế xã Kỳ Long (Kỳ Anh)

Lời thề Hyppocrates gồm 10 điều, chứa đựng tất cả các vấn đề mà chúng ta thường gọi là y đức, đó là tình cảm, trách nhiệm giữa đồng nghiệp với nhau; là yêu cầu về tình yêu thương và sự hy sinh, tận tụy trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân nghèo. Nội dung lời thề Hyppocrates bao gồm các nội dung tương tự trong 12 điều y đức do Bộ Y tế quy định.

Đây chính là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của người thầy thuốc. Trong lịch sử y học dân tộc, có biết bao tấm gương về người thầy thuốc đã hy sinh vì sức khỏe nhân dân. Có người tỏa sáng, có người thầm lặng nhưng tất cả đều được người dân yêu quý, trân trọng. Bởi thế mà triệu triệu người dân đã suy tôn những người làm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân với cái tên đáng kính: Thầy thuốc!

Ngày nay, y học không ngừng phát triển. Đội ngũ thầy thuốc Việt Nam nói chung và thầy thuốc ở Hà Tĩnh nói riêng đã không ngừng nỗ lực cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mạng lưới y tế phát triển sâu rộng; nhiều kỹ thuật mới liên tục được áp dụng; ngày càng có nhiều người dân được sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao ở gần nhà… Và đằng sau những thành quả đó là sự hy sinh, tận tụy của biết bao thầy thuốc.

Sự hy sinh ấy diễn ra từng giờ, từng phút ở khắp mọi nơi, từ các cơ quan quản lý, các bệnh viện lớn đến đơn vị y tế cấp xã, ở vùng sâu, vùng xa, nơi hải đảo… Có khi nó được thể hiện thông qua một chính sách, một công trình khoa học lớn nhưng có khi cũng chỉ là một viên thuốc, đường kim, mũi chỉ hay một ánh mắt yêu thương, một bàn tay ấm... xuất phát từ trái tim của người thầy thuốc để xoa dịu, chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân.

Nghề y là nghề cao quý. Ngành y liên quan đến tính mạng con người. Bởi vậy, người thầy thuốc phải luôn tìm tòi và đương đầu với thử thách; phải dùng cả cuộc đời mình để cứu giúp người bệnh. Không chỉ đòi hỏi về năng lực, người thầy thuốc còn cần phải có niềm đam mê, tận tụy và sự hy sinh. Một bác sĩ giỏi không chỉ nắm vững các mặt bệnh, hiểu cách thức chữa bệnh, mà còn phải có thái độ ân cần đối với người bệnh, quan tâm, thấu hiểu họ bằng chính trái tim mình.

Thời gian qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của hàng ngàn cán bộ, thầy thuốc, vẫn còn tình trạng nhân viên y tế có thái độ không đúng mực với bệnh nhân như giao tiếp không niềm nở, thậm chí lạnh nhạt, cau có, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạn chế về năng lực chuyên môn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân, uy tín của ngành. Tuy số này chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cần phải lên án mạnh mẽ và đấu tranh loại bỏ…

Y đức chính là cái tâm lẫn cái tài của người thầy thuốc. Người thầy thuốc phải luôn học hỏi để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và phải có cái tâm trong sáng. Y đức không có ranh giới, nó tựa một dòng sông chảy mãi nhưng điểm cuối vẫn là đổ về “biển cả” bệnh nhân…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast