Bình Định vững vàng trong vị thế “đầu tàu khu vực”

Với tư cách là một cực phát triển ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên mấy năm gần đây, tỉnh Bình Định đã tăng cường các hoạt động phát huy nội lực, thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển KT-XH. Những bước tiến vững chắc và ổn định, chứng tỏ con tàu KT-XH Bình Định đã đúng hướng.

Bình Định vững vàng trong vị thế “đầu tàu khu vực” ảnh 1

Quy Nhơn là một trong những thành phố yên bình nhất Việt Nam.

1.

Xin kể một câu chuyện: ngày 21-12-2008, tại TP. Quy Nhơn, đại diện 4 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận mở đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn và ngược lại. Theo thỏa thuận, trước Tết Nguyên đán 2009, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ mở đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn và ngược lại, sử dụng máy bay Folker với tần suất 3 chuyến/tuần. Để đảm bảo đường bay vận hành, khai thác tốt, là người đứng mũi chịu sào, Bình Định tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ (nơi cư trú, xe đưa đón, hỗ trợ giá vé…) cho cả hành khách các tỉnh bạn. Nhưng thật bất ngờ, chỉ sau 6 tháng, ngay cả khi các chế độ hỗ trợ giảm dần, lượng hành khách trên tuyến hàng không này lại tăng đều. Đến nay, máy bay sử dụng trên tuyến đã nâng lên loại Airbus với khả năng vận chuyển lớn hơn nhiều. Các doanh nhân, du khách là những người thường xuyên sử dụng dịch vụ, chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu só lượng hành khách. Không khó để trả lời câu hỏi: Họ đến Bình Định để làm gì và họ đã thu hoạch được những gì?.

2.

Để đẩy mạnh kinh tế tỉnh Bình Định phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện xác định: Bình Định đẩy mạnh phát triển SXCN nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao. Trong đó tập trung chỉ đạo đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và chế biến các mặt hàng, nhất là các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế dịch vụ; tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Với những lợi thế, tiềm năng về hệ thống cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế với cơ chế, chính sách vượt trội và định hướng phát triển một số ngành công nghiệp lớn có sức thu hút cao, Bình Định đang chứng tỏ mình là một cực phát triển của khu vực kinh tế Trung Trung bộ - Bắc Tây Nguyên, thậm chí có thể hướng đến vùng Nam Lào, Đông bắc Campuchia. Bình Định có nhiều lợi thế trong việc thu hút đầu tư và mức độ sẵn sàng cũng như công tác chuẩn bị dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư rất cao, đặc biệt là đón đầu làn sóng đầu tư mới thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế.

Cuối tháng 7-2010, UBND tỉnh Bình Định và Công ty TNHH STFE, Công ty Lọc hóa dầu Rayong (Thái Lan) đã thống nhất ký biên bản ghi nhớ với nội dung: UBND tỉnh nhất trí mời Công ty TNHH STFE và Công ty Lọc hóa dầu Rayong tiến hành nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy lọc dầu và nhà máy nhiệt điện tại Bình Định. Trong đó, nhà máy lọc dầu có công suất giai đoạn 1 là 3 triệu tấn/năm, sau đó tăng lên 6 hoặc 8 triệu tấn/năm; địa điểm xây dựng tại Khu kinh tế Nhơn Hội; sau khi hoàn thành các thủ tục (chậm nhất là hết quý 2.2011), trong thời gian 2 năm, nhà đầu tư tiến hành xây dựng và đưa dự án vào sản xuất. Dự án nhà máy nhiệt điện có công suất 700 MW, sau đó sẽ đầu tư nâng công suất lên phù hợp với thực tế; địa điểm xây dựng tại các điểm quy hoạch phát triển điện trên địa bàn tỉnh.

Cùng với những dự án công nghiệp, bộ mặt đô thị của Bình Định mà trọng tâm là thành phố Quy Nhơn cũng có nhiều đổi thay tích cực.

Ngày 2-8, tại TP Quy Nhơn, Công ty CP Phát triển Đầu tư Xây dựng và Du lịch An Phú Thịnh đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Khu đô thị mới An Phú Thịnh. Khu đô thị An Phú Thịnh có tổng diện tích đất sử dụng trên 153 ha (trong đó có 23 ha mặt nước), tại các đảo B1, B2 và B3, phía Bắc sông Hà Thanh, thuộc địa bàn phường Đống Đa và phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). Khu đô thị này có tổng vốn đầu tư 2.450 tỉ đồng với 3 giai đoạn (được Ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ tín dụng cho giai đoạn 1 là 350 tỉ đồng).

3.

Sau khi cầu Thị Nại hoàn thành nối nội thành Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai, các công trình hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội được triển khai tích cực. Tiến sĩ Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý KKT Nhơn Hội cho biết: “Thu hút đầu tư nếu chỉ nói đến chuyện ưu đãi thì không ăn. Nhà đầu tư thường có 3 nỗi lo. Thứ nhất, họ e ngại sẽ bị ép chia sẻ rủi ro về đầu tư cơ sở hạ tầng với mình. Thứ hai, doanh nghiệp nào cũng sợ đầu tư vào một nơi còn trống vắng, không có "láng giềng". Thứ ba, khi thẩm định vùng đầu tư, người ta quan tâm nhiều đến cơ hội sau đó mới đến những ưu đãi đầu tư. Tại Bình Định, ta đã sẵn sàng để khi đến với KKT Nhơn Hội, nhà đầu tư không vướng 3 nỗi lo ấy…”.

Trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh ở địa phương (PCI), tỉnh Bình Định đứng đầu khu vực miền Trung. Tuy nhiên để tạo bước đột phá và xây dựng nền tảng lâu dài phải có những dự án công nghiệp lớn làm trụ cột. Tỉnh Bình Định không vội lắp đầy khu kinh tế Nhơn Hội bằng những dự án nhỏ manh mún mà tập trung mở luồng, xây cảng, các dự án lớn chắc chắn. Đây là lợi thế so sánh và sẽ là thế mạnh của tỉnh.

(

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast