Đại y tôn Lê Hữu Trác và những quan điểm nhân văn về nghề làm thuốc

(Baohatinh.vn) - Nền đông y Việt Nam đã có hàng nghìn năm lịch sử, có nhiều danh y nổi tiếng. Thế kỷ thứ 18 đã sinh ra một hào kiệt, để ngày nay, nhân dân và các thầy thuốc Việt Nam noi gương, học tập và tôn thờ, đó là Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

dai y ton le huu trac va nhung quan diem nhan van ve nghe lam thuoc

Tượng đài Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Hương Sơn - Ảnh: huongson.gov.vn

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nói: “Y lý là một đạo lý, rất quan trọng đến tính mạng con người”. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với lòng quyết tâm, lại có trình độ uyên bác về y học, yêu nghề nghiệp, sau hơn 40 năm nghiên cứu, từ lý luận của y lý đông y, qua thực tiễn lâm sàng, cụ đã xây dựng bộ sách quý “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” là tài sản của nền đông y Việt Nam ngày nay và mãi mãi về sau.

Về y lý: Hải Thượng theo câu cách ngôn: “Muốn chữa bệnh cho thiên hạ phải tự chữa bệnh cho mình và đồng nghiệp trước, chữa bệnh cho thầy thuốc khó vạn lần người bình thường”. Cụ đã tự xây dựng một y lý biện chứng về lý luận âm dương, thủy hỏa, hàn nhiệt, hư thực. Hải Thượng đặc biệt chú ý giải thích và chứng minh một cách đầy đủ, kỹ lưỡng về tạng thận. Cụ cho rằng: Thận hỏa, hay chân hỏa, chi phối và nung nấu các tạng phủ và mạch lạc, trong toàn cơ thể của con người và truyền đạt ra ngoài khí sắc, tinh thần. Thận hỏa giống như khí nóng của mặt trời, là nguồn gốc của sự sống. Hỏa vượng thì mạnh, hỏa suy thì yếu, hỏa diệt thì chết nên khi dùng thuốc, Hải Thượng chú trọng về tạng thận. Cụ nghiên cứu sâu về lý luận tiên thiên, hậu thiên của con người, dựa vào thực tế sinh hoạt của nhân dân và sự bẩm thụ của người Việt Nam mà lập ra những phương thuốc hậu thiên bát vị, hậu thiên lục vị và bài bổ thổ (bổ tỳ) cố trung… để chữa bệnh.

dai y ton le huu trac va nhung quan diem nhan van ve nghe lam thuoc

Bí Thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông tại khu mộ Đại danh y. Ảnh: Quang Sáng

Các thầy thuốc lúc bấy giờ khi thấy bệnh nhân sốt rét, nhức đầu thì cho là bệnh thương hàn, nên dùng bài “Ma hoàng quế chi” của Trọng Cảnh. Hải Thượng cho rằng: “Việt Nam không có thương hàn, vì xứ ta ít rét, nhiều thử thấp. Học phương pháp Trọng Cảnh nhưng không nên bó hẹp trong phương thang của Trọng Cảnh”. Qua thực tế, Hải Thượng đã sáng tạo ra những phương: “Giải biểu và hòa lý” để điều trị. Sau hàng trăm năm, các thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã áp dụng các phương pháp chữa bệnh và phương thang của Hải Thượng, qua thực tiễn ngày nay đã chứng minh được lý lẽ của Hải Thượng là chuẩn xác, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và cơ địa bệnh tật của người Việt Nam.

Về dược: Thời bấy giờ, các y gia chỉ ỷ lại thuốc nước ngoài, nhất là thuốc bắc. Còn thuốc nam thì rất nhiều, rất rẻ, chữa bệnh rất hay nhưng không biết sử dụng. Để khắc phục những tư duy sai lầm của các thầy thuốc đông y lúc bấy giờ, Hải Thượng đã đặc biệt quan tâm dùng thuốc nam thay thế thuốc bắc. Như lấy sâm bố chính thay thế nhân sâm, lấy hà thủ ô để làm thuốc bổ khí huyết, dùng lá ngải để chữa sốt rét, dùng hương phụ để làm thuốc điều kinh… Hải Thượng đã biên tập thành từng bộ sách như: “Lĩnh Nam bản thảo”, “Bách gia trân tàng”, “Hành giản trân nhu” có đầy đủ lý luận và hướng dẫn cụ thể phương pháp khai thác và sử dụng thuốc nam. Điều đó nói lên tinh thần sáng tạo, tự chủ, tinh thần tự tôn dân tộc, vì sức khỏe nhân dân của Hải Thượng.

dai y ton le huu trac va nhung quan diem nhan van ve nghe lam thuoc

Tưng bừng Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông và kỷ niệm 226 năm ngày mất đại danh y Lê Hữu Trác năm 2017. Ảnh Minh Lý

Về tư cách, đạo đức của người thầy thuốc, Hải Thượng thường nói: “Thầy thuốc nắm tính mạng của người bệnh, người ta gửi tính mạng cho mình, phải hết sức cẩn trọng, phải nghiên cứu sách vở kỹ càng, khi chữa bệnh phải cẩn thận, phải nhận rõ được bệnh chứng rồi mới lập phương, tuyệt đối không được sơ suất, xem thường. Nghề thuốc không phải là nghề cầu danh trục lợi, không phải thấy người giàu sang mà xu phụ để kiếm tiền, thấy người nghèo khổ, cô đơn mà khinh miệt. Người giàu sang không thiếu gì thầy, thiếu gì thuốc”. Khi chữa bệnh cho người nghèo khổ, chữa được bệnh rồi, cụ còn giúp tiền để bồi bổ. Cụ thường nói: “Làm nghề thầy thuốc không nên vụ lợi. Không nên cầu báo ơn. Không nên khinh người nghèo. Đối với đồng nghiệp phải khiêm nhường. Phải học tập những người hơn mình. Giúp đỡ người kém mình. Không được khinh rẻ lẫn nhau”. Đây là yếu tố nhân cách của người làm thuốc và đạo lý làm thầy của cụ. Cụ đã viết ra 9 điều Y huấn cách ngôn để dạy các thế hệ thầy thuốc đời sau mà ngày nay, Bộ Y tế đã lấy làm y đức cho các thầy thuốc đông y.

Hải Thượng là người có chí lớn, học rộng, tài cao, đã xây dựng sự nghiệp vĩ đại trong nền y học, lấy phương châm phục vụ sức khỏe nhân dân làm sứ mạng của mình. Chẳng những chữa bệnh mà cụ còn nêu các phương pháp phòng bệnh.

Suốt 40 năm làm thuốc, Hải Thượng đã đem hết tinh thần, nghị lực để xây dựng nền đông y Việt Nam toàn diện. Vừa có lý luận, phương pháp và thực tiễn về trị liệu, dùng các cây thuốc Việt Nam phù hợp với bệnh tật của người Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Đông y Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast