Điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt trong bối cảnh ‘bão giá" hoành hành

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trọng tâm chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong các tháng cuối năm là lĩnh vực tiền tệ đồng thời phối phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa.

Điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt trong bối cảnh ‘bão giá hoành hành

Việt Nam có nền kinh tế rất mở nhưng tăng trưởng GDP lại có diễn biến ngược so với thế giới. (Ảnh: TTXVN)

Từ đầu năm 2022, mặt bằng giá của hầu hết các mặt hàng nguyên - nhiên - vật liệu đầu vào biến động bất thường và gây ra vô số khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. "Bão giá” đổ bộ vào nền kinh tế khiến đời sống của người dân trở nên “ngột ngạt” hơn.

Trước thực trạng đó, nhiều kiến nghị và giải pháp chính sách được đưa nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.

Nhận diện những bất ổn

Còn gần 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2022, song ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng cả nước đang đứng trước những thách thức, khó khăn khôn lường.

Theo đó, ông Lê Hoàng Anh cho rằng cần lưu ý về và phân tích làm rõ một số điểm có tính chất “ngược” từ những chỉ báo kinh tế trong thời gian qua.

Thứ nhất, Việt Nam có nền kinh tế rất mở nhưng tăng trưởng GDP lại có diễn biến ngược so với thế giới. Cụ thể, năm 2020 - GDP trong nước đạt 2,91% thì thế giới âm 3,1%; năm 2021 - thế giới tăng 5,9% thì Việt Nam giảm còn 2,58%. Năm 2022 - GDP trong nước dự kiến tăng 8% thì thế giới dự báo chỉ đạt 2,4 - 3,2%.

Thứ hai là hoạt động thu ngân sách cần xem xét lại dự báo và phân tích kỹ càng hơn. Khi thời điểm đầu năm, nhiều ý kiến lo ngại việc thu ngân sách gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng kết quả 9 tháng đã hoàn thành hơn 94%, dự kiến vượt thu cả năm 2022 khá lớn. Hơn nữa, kết quả vượt thu cũng xảy ra cả ở năm 2021 và các năm trước đó.

Thứ ba là phải quyết liệt xử lý đối với từng dự án đầu tư công. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm lại thấp hơn với cùng kỳ năm 2021 - năm bị ảnh hưởng rất tiêu cực của đại dịch COVID-19.

“Thực tế trong 5 năm qua, cả nước chỉ có 5.000 dự án nhưng ở đâu cũng thấy mắc, giải ngân rất là chậm,” ông Lê Hoàng Anh nói.

Thứ tư, ông Lê Hoàng Anh nhấn mạnh các Chương trình mục tiêu quốc gia về cơ bản không giải ngân được vốn bố trí nhưng kết quả giảm nghèo lại tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Do đó, các cấp có thẩm quyền cần phân tích thấu đáo, cùng với dự toán thu ngân sách năm 2023 phải loại trừ đi chỉ tiêu mang tính thành tích để xử lý những năm sau bền vững hơn.

Vấn đề thứ năm về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó gói đầu tư phát triển với 176.000 tỷ đồng đến nay thực hiện giải ngân rất thấp. Đơn cử, gói 40.000 tỷ đồng dành hỗ trợ 2% lãi suất qua ngân hàng thương mại mới giải ngân đạt 13,5 tỷ đồng, khoảng 0,03%.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Đánh giá cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cũng đồng quan điểm trên và cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong 10 tháng qua, nền kinh tế cũng gặp phải không ít khó khăn và thách thức, nhất là do tác động từ tình hình kinh tế thế giới.

“Các yếu tố cung và cầu của nền kinh tế đều ghi nhận mức tăng trưởng cao nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước, do tác động của dịch COVID-19. Hơn nữa, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức đã tác động tiêu cực cũng như gây thêm nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong nước,” vị tư lệnh ngành chỉ ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách điều hành đối mặt với áp lực ngày càng tăng do định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều quốc gia khác. Trong khi, dư địa điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng hạn chế, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm chậm, chưa phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa. Do đó, các giải pháp điều hành phải linh hoạt, chủ động hơn theo hướng thích ứng với tình hình, bối cảnh mới, không nằm ngoài xu hướng chính sách chung của các nước, nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình trong nước.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, cơ quan, địa phương cần đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện hơn nữa các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, ông Dũng nhấn mạnh trọng tâm chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong các tháng cuối năm là lĩnh vực tiền tệ (chủ động, linh hoạt, kịp thời, thích ứng với yêu cầu thực tiễn) đồng thời phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa.

“Chính phủ sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thế giới, đặc biệt những vấn đề mới nổi, lạm phát và việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, giá xăng dầu, khí đốt, vật tư chiến lược... để từ đó có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh, nhất là lạm phát và các cân đối lớn cũng như điều tiết sản xuất, hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ Tết Nguyên đán 2023,” ông Dũng nói.

Điều chỉnh chi phí định mức với xăng dầu

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, nhằm nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã có công văn số 11575/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, ngày 8/11.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết thông tin tổng từ các thương nhân đầu mối xăng dầu cho thấy với khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không phát sinh đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và công bố điều chỉnh vào 10/1/2023 theo đúng quy định.

Bộ Tài chính cũng cho biết sau khi nhận được báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp theo dõi, nắm bắt cập nhật các số liệu, diễn biến để rà soát và công bố vào kỳ tiếp theo theo đúng quy định.

Về nguồn cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nhập khẩu xăng dầu với giá cao ở kỳ trước sau đó bán giá thấp (trong chu kỳ giảm) đương nhiên sẽ bị thua lỗ và khủng hoảng. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí định mức hiện đã lỗi thời (từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy sản xuất về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối và tư nhân phân phối….).

Bộ Nguyễn Hồng Diên nêu rõ chi phí bảo quản, dự trữ xăng dầu theo định mức được xây dựng từ năm 2003 chỉ 30 đồng/lít nhưng đến bây giờ ở mức 80 đồng/lít, không doanh nghiệp nào có thể hoạt động được. Tuy nhiên, để quản lý mặt hàng này còn có trách nhiệm của 7 bộ, ngành và địa phương.

Về giải pháp đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đang được đề xuất sửa đổi. Nhưng trước khi sửa đổi, cơ quan quản lý vẫn phải thực hiện nghiêm theo Nghị định và doanh nghiệp nào sai đâu xử lý đến đó, kể cả thu hồi có thời hạn.

“Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ kiến nghị hình thức xử lý với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định. Cụ thể, vi phạm lần thứ nhất sẽ phạt tiền, tới lần thứ hai sẽ quy định mức phạt tiền cao hơn. Đối với các doah nghiệp tái diễn vi phạm lần thứ ba sẽ bị thu giấy phép hồi vĩnh viễn và không có chuyện phạt cho tồn tại,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast