Shipper mùa dịch Covid - 19

(Baohatinh.vn) - Những người làm nghề giao hàng (shipper) tại TP Hà Tĩnh đang đối mặt với giai đoạn khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chưa bao giờ việc vận chuyển hàng trong tỉnh lại “ảm đạm” như thời điểm này...

Shipper mùa dịch Covid - 19

Hoạt động kinh doanh, buôn bán kém sôi động, lượng đơn hàng giao cũng giảm mạnh, ảnh hưởng đến công việc của các shipper tại Hà Tĩnh.

Anh Nguyễn Tuấn Anh – Quản lý Bưu cục Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) - Công ty TNHH MTV Chuyển phát nhanh Thuận Phong (J&T Express) cho biết : “Chưa bao giờ việc vận chuyển hàng trong tỉnh lại “ảm đạm” như thời điểm này. Hơn tháng nay, hầu như các mối “ruột” tại thành phố chuyên làm việc với bên chúng tôi đều chịu chung cảnh “ế ẩm”, hàng không xuất đi được mấy.

Đơn cử shop A.T (đường Lý Tự Trọng) trước đây bán rất chạy, lúc cao điểm, bưu cục có khi nhận ship hơn 100 đơn hàng/ngày, nhưng đợt gần đây chỉ còn khoảng 15-20 đơn/ngày. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của những đơn vị vận chuyển như chúng tôi, chỉ mong sao dịch nhanh qua để anh em khôi phục được hoạt động”.

Shipper mùa dịch Covid - 19

Các cửa hàng kinh doanh thời trang tại TP. Hà Tĩnh hàng bán khá chậm.

Nhân viên dịch vụ vận tải Zship (đường Đồng Quế) thông tin: “Hiện nay, đơn vị có 10 nhân viên giao hàng nhưng hoạt động không mấy suôn sẻ vì số lượng đơn hàng giảm khoảng 50% so với trước; mỗi nhân viên giao được khoảng 10-15 đơn/ngày. Trong đó, các đơn giao COD (bên giao hàng sẽ vận chuyển và thu tiền hàng từ khách thay cho người bán - PV) giảm nhiều hơn so với các đơn giao đồ ăn uống trong nội thành”.

Không chỉ các đơn vị vận chuyển lớn, dân shipper hoạt động riêng lẻ hoặc theo nhóm từ 2 – 3 người cũng đang “méo mặt” vì tình hình mua bán kém sôi động.

Shipper mùa dịch Covid - 19

Việc giao đồ ăn trong nội thành vẫn giữ được khách do nhu cầu người dân khá cao.

Anh Nguyễn Tuấn chia sẻ: “Bình thường mình chuyên nhận giao từ 30 – 40 đơn, chủ yếu là hàng thời trang, đồ mỹ phẩm, hoa quả trong khu vực thành phố và các vùng lân cận nhưng từ khi có thông tin về dịch Covid – 19, người dân gần như không mua sắm mấy nên việc cũng giảm hẳn đi, mình phải chuyển sang nhận giao đồ ăn để kiếm thêm thu nhập tạm thời.

Giao đồ ăn yêu cầu cao hơn về thời gian và độ chính xác vì khách hàng muốn nhanh chóng, mình cần đảm bảo là đồ còn mới nguyên để không bị khách phàn nàn và ảnh hưởng đến việc buôn bán của các cơ sở”.

Shipper mùa dịch Covid - 19

Nhân viên kiểm tra lại đơn trước khi giao đến tay khách hàng.

Theo chia sẻ của các shipper, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng dịch Covid - 19, các mặt hàng cần tới lực lượng người giao hàng lớn như quần áo, dày dép, mỹ phẩm... bán rất chậm. Vì thế, số lượng đơn vận chuyển mỗi ngày tại TP Hà Tĩnh cũng đồng loạt giảm theo.

Chị Hương Ly – một chủ cửa hàng bán quần áo (đường Nguyễn Huy Tự) chia sẻ: “Đợt này đơn hàng không có mấy, mình tự đi ship và đã cho nhân viên chuyên giao hàng nghỉ việc tạm thời, chờ thị trường “ấm” lại rồi tính tiếp. Dịp này thì không chỉ mình mà nhiều bạn chuyên oder cũng trong tình cảnh tương tự”.

Shipper mùa dịch Covid - 19

Trong lúc thị trường “ảm đạm”, các shipper sẽ phải tiếp tục xoay xở để tìm cách sống được với nghề.

“Shop chủ yếu nhập quần áo từ tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) nhưng vì dịch và “tắc biên” nên hàng về lẻ tẻ, mẫu mã không cập nhật được nhiều. Với lại mọi người cũng ít mua sắm lúc này nên khách cứ thế thưa dần. Dân kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp, buôn bán trầm lắng thì lượng việc của lực lượng giao hàng giảm đi rất nhiều, chắc phải khoảng 30 - 40%”, chị Nam Thương – Chủ cửa hàng giày dép Quảng Châu (đường Lý Tự Trọng) thông tin thêm.

“Trong lúc bệnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường chưa thể phục hồi trong “một sớm một chiều” thì dân shipper sẽ phải tiếp tục xoay xở làm thêm một số nghề khác để mưu sinh. Bên cạnh đó, một số người đã chuyển hướng làm việc khác trong thời gian dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp. Hi vọng, dịch sớm được khống chế để mọi hoạt động trở lại bình thường”, anh Hùng Nam – một shipper chia sẻ.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast