Đảng bộ xã Thường Nga lãnh đạo phát triển kinh tế

(Baohatinh.vn) - Thường Nga (Can Lộc) ở xa trung tâm huyện lỵ, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế chủ yếu thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

“Từ thực tế đó, Đảng bộ xã đã đề ra nhiều chủ trương sát hợp, lấy nhiệm vụ trung tâm là lãnh đạo phát triển kinh tế” - Bí thư Đảng ủy xã Phan Công Khoan cho biết.

Cán bộ trung tâm giao dịch một cửa xã Thường Nga nhiệt tình phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cán bộ trung tâm giao dịch một cửa xã Thường Nga nhiệt tình phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Để đấu tranh với tư tưởng bảo thủ, tập quán cấy trà xuân sớm trong vụ sản xuất đông xuân, Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết 03 nhằm tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phủ kín diện tích bằng trà xuân muộn nhằm đạt năng suất cao.

Khi đã có nghị quyết, Đảng ủy phân công UBND và các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức nhiều cuộc họp từ xã đến xóm, ký cam kết đến từng hộ dân. Trong quá trình thực hiện, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn, động viên những việc làm được, những việc còn tồn tại để từng bước hoàn thiện quy trình thực hiện sản xuất vụ xuân. Nhờ đó, diện tích gieo trồng vụ xuân năm 2014 là 412 ha, trong đó lúa 330 ha với năng suất 5,8 tấn/ha; tổng sản lượng lương thực đạt 2.221 tấn, cao hơn nhiều năm trước.

Bước vào vụ sản xuất hè thu năm nay, thời tiết không thuận lợi nên tiến độ gieo cấy gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hệ thống chính trị đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra, xử lý những đơn vị chần chừ trong sản xuất hè thu. Kết quả, diện tích gieo trồng cơ bản hoàn thành với 355 ha, trong đó lúa 320 ha; các loại cây trồng phát triển tốt.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Thường Nga - Đường Hồng Lam nêu kinh nghiệm trong lãnh đạo phát triển kinh tế: nhằm phát huy thế mạnh về đất đai, đồng cỏ của vùng trà sơn, Đảng ủy đã chỉ đạo phát triển mạnh chăn nuôi, nhất là đàn trâu bò, lợn, gia cầm... để nâng cao thu nhập cho người dân và mở hướng làm giàu. Đảng ủy phân công từng đoàn thể quần chúng: Hội Nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi bò nhốt; Hội Phụ nữ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn v.v... Các chi hội đã vận động hội viên thực hiện tốt công tác sản xuất, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời triển khai sản xuất vụ xuân và hè thu đúng lịch thời vụ.

Các hội quần chúng còn tích cực hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT về sản xuất và chăn nuôi. Từ đầu năm 2014 đến nay, Hội Nông dân xây dựng thêm 5 mô hình chăn nuôi bò nhốt quy mô 5 con trở lên. Hội Phụ nữ vận động và hướng dẫn hội viên xây dựng mô hình nuôi lợn liên kết với Công ty Mitraco, bước đầu đã có 5 mô hình nuôi từ 20 con trở lên đạt kết quả tốt.

Đặc biệt, xã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa Đồng Minh Nguyên đi vào hoạt động trên diện tích 12 ha ở vùng Tàu Voi, tạo việc làm cho người dân. Với các giải pháp phát triển chăn nuôi linh hoạt, đến nay, Thường Nga có tổng đàn trâu bò 1.760 con, đàn lợn 1.945 con, gia cầm gần 14.800 con... Sản xuất và chăn nuôi phát triển đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân.

Bằng nỗ lực tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng bộ xã Thường Nga, đời sống của người dân dần được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 20,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,8%. Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast