Ông Trưởng ty Giáo dục hết mình với sự nghiệp trồng người

(Baohatinh.vn) - Như bao lần trước, hôm nay, gia đình ông bà giáo già Lê Sĩ Nghĩa - Bạch Thị Minh Thảo ở số nhà 17, ngõ 2, phố Thái Hà (Hà Nội) vui mừng đón con gái lớn từ Hà Tĩnh về thăm. Người già như thân cây khô héo, có con cái sum vầy bỗng bừng lên sự sống...

Biết có con gái và khách đến nhà, ông chống gậy ra ngoài, đôi mắt ánh lên niềm vui, còn bà nhanh nhẹn, tươi cười chào hỏi. Nhìn khung cảnh ấm áp của đại gia đình nhà giáo trong ngày đầu đông se lạnh Hà Nội, lòng tôi cũng vui lây. Chợt nhớ đến câu nói của cô Mão: “Tuy phải chịu nhiều mất mát, thiệt thòi nhưng tôi thực sự hạnh phúc khi được làm con của một gia đình như vậy. Biết ơn ba mẹ, tôi càng biết ơn Bác Hồ rất nhiều”.

Ông Trưởng ty Giáo dục hết mình với sự nghiệp trồng người ảnh 1
Đại gia đình nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa luôn học tập và làm theo gương Bác.

Kỷ niệm khó quên

Dẫu đã 90 tuổi đời, ốm đau, bệnh tật nhưng ông Lê Sĩ Nghĩa vẫn còn minh mẫn. Trong câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa đoàn cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Cấp 2 Hương Phúc (Hương Khê) với Bác Hồ sau vụ thảm sát của máy bay Mỹ năm 1966, nhiều lần, ông lấy khăn tay chấm nước mắt: “Đoàn lúc đó có một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh, tôi và một số giáo viên, học sinh của trường. Chúng tôi ra Hà Nội gặp gỡ đoàn nhà báo quốc tế để tố cáo tội ác giặc Mỹ.

Khi được tin Bác mời gặp ở Phủ Chủ Tịch, ai cũng hồi hộp. Tuy vậy, trên khuôn mặt chưa hết nỗi buồn thương sau thảm họa. Vào phòng khách ở Phủ Chủ Tịch, nhìn thấy gương mặt mọi người, Bác tìm cách phá tan bầu không khí nặng nề. Người lại gần hỏi thầy Nhâm: “Thầy dạy môn gì?”. “Thưa Bác, cháu dạy Địa lý ạ”. “Dạy như thế nào? Dạy Địa lý là phải gắn với thực tế địa phương”. Rồi Bác quay sang hỏi em Vỵ: “Cháu ra đây làm gì?”. Vỵ đáp: “Dạ, cháu thay mặt phụ huynh ra đây tố cáo tội ác giặc Mỹ”. Bác hỏi lại Vỵ: “Vậy phụ huynh là gì?”. Chưa ai kịp trả lời, Bác nói luôn: “Phụ huynh là cha anh, các cháu nên gọi là cha mẹ thì đúng hơn… Phải dùng tiếng Việt một cách trong sáng”. Không khí trở nên vui vẻ. Sau khi hỏi thăm từng hoàn cảnh các cháu, biết Mão là con liệt sỹ, em đông, mẹ đi lấy chồng, Bác nhìn tôi và nói: “Đồng chí là Trưởng ty Giáo dục à? Ngồi lại gần đây! Hoàn cảnh cháu như vậy, các chú phải có trách nhiệm nuôi các cháu ăn học đến nơi, đến chốn, phải giúp cháu học giỏi”.

Nhớ lời Bác dặn, tất cả vì học sinh thân yêu

Trở về từ Hà Nội, thầy Nghĩa suy nghĩ rất nhiều. Cũng như Bác, thầy và toàn ngành Giáo dục lúc ấy ai cũng thương Mão. Việc chu cấp cho Mão ăn học đã có Nhà nước hỗ trợ một phần, cái chính là phải làm sao để Mão có một mái ấm gia đình, trở thành học sinh giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, sau này có cuộc sống hạnh phúc để bù đắp những thiếu hụt trong tình cảm của em từ thời thơ bé.

Với cương vị là Trưởng ty Giáo dục, thầy có thể giao cho một người của ngành nhận em làm con nuôi nhưng tình thương yêu của một người thầy, người cha đã khiến thầy xử sự khác. Thầy Nghĩa về bàn với vợ và báo cáo với bố mình. Ai cũng tán thành, duy bố thầy phân vân một điều: “Nhà mình nghèo quá, nếu gia đình khác giàu có nhận nuôi thì Mão sẽ đủ đầy hơn”. Nhưng rồi cả gia đình đã quyết tâm phải thực hiện lời dặn của Bác. Thế là từ đấy, Mão trở thành cô con gái “rượu”, chị cả của một gia đình nhà giáo nghèo mà chứa chan tình cảm.

Làm một Trưởng ty Giáo dục thời chiến, thầy Nghĩa phải đạp xe đi khắp nơi trong tỉnh để chỉ đạo phong trào “hai tốt”, tiếp nối ngọn lửa truyền thống của đất học và lo nguồn nhân lực sau ngày đất nước thống nhất. Thầy ghi nhớ khắc tâm lời dạy của Bác trong lần gặp gỡ ấy và cả sau này: Học phải luôn đi đôi với hành, kiến thức sách vở phải gắn với thực tế đời sống. Thầy đã mời các giáo viên giỏi ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về báo cáo kinh nghiệm, xây dựng và nhân rộng điển hình “hai tốt”, chú trọng các đơn vị, địa phương gắn với thực tiễn. Trong khói lửa chiến tranh, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) vẫn là một trong 3 điển hình giáo dục của cả nước. Cô Nguyễn Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Bùi là Anh hùng lao động. Nhiều nhà văn, nhà báo thời ấy đã về Hà Tĩnh viết bài ca ngợi.

Bận rộn, lo toan việc nước nhưng thầy Nghĩa vẫn không quên chăm chút cô con gái cưng. Sau năm 1966, Mão vẫn ở lại Hương Khê, thầy Nghĩa ở Ty Giáo dục nhưng thường xuyên gửi tem gạo, tiền, quần áo, thuốc men và đồ dùng học tập cho Mão. Khi có điều kiện, ông lại đạp xe về Hương Phúc thăm con.

Ông Trưởng ty Giáo dục hết mình với sự nghiệp trồng người ảnh 2
Cô Mão năm 1966 trong cuộc gặp gỡ với các nhà báo quốc tế sau sự kiện Hương Phúc

Sau này, Mão vào học cấp 3 bổ túc công nông ở Hương Sơn, ngày chủ nhật, cô thường đạp xe về thăm ba ở thị xã. Suất ăn của Trưởng ty Giáo dục ở bếp ăn tập thể hồi ấy không có gì đặc biệt hơn người khác, lại phải chia thêm cho Mão. Cái cảnh bát khoai xéo 2 cha con cùng ăn, bát cơm thêm con cá trích mà nhà bếp “ưu tiên” cho Trưởng ty khi có con gái về đã làm Mão vui sướng, ấm áp trong tình cảm thầy trò - cha con.

Ngày lễ tết, cả 2 cha con lại chở nhau về Hưng Nguyên (Nghệ An) thăm mẹ và ông nội. Có lần, trên đường về nhà, mệt mỏi quá, ông Nghĩa vừa đạp xe, vừa tranh thủ nhắm mắt lại cho đỡ mệt làm Mão đi bên cạnh vừa lo lắng, vừa thương ba. Bà Thảo - vợ ông Nghĩa dù đông con cũng tìm cách thu vén để mỗi lần Mão ra đi lại có thêm đồng bạc dúi vào tay con. Điều khiến ông bà vui mừng là Mão học khá, được tặng huy hiệu cháu ngoan Bác Hồ, học sinh tiên tiến, hết cấp 3, trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Vinh, khoa Vật lý.

“Khi tôi vào đại học, ông nội đã chuyển về TP Vinh sinh sống. Ba Nghĩa ra Hà Nội làm việc, rồi sang Lào làm chuyên gia. Mỗi chuyến đi công tác về, ông không quên mua cho tôi những món quà, khi tấm vải lụa, khi sách vở, khi thì cái gương, chiếc lược, đôi dép... Rồi tôi bắt đầu có nhiều người “ngấp nghé”, ông nội và ba mẹ quan sát, để ý, mong mỏi tôi có tấm chồng tử tế. Thấy anh Sinh nhà tôi hiền lành, đẹp người, đẹp nết mà tôi thì cứ chần chừ, cả nhà giục: “Con xem còn ai hơn nó, con không lấy nó thì lấy ai?”. Thế là, chúng tôi thành vợ chồng trong niềm vui khôn tả của cả gia đình. Bao vất vả, khó khăn của thời bao cấp nhưng chúng tôi luôn có gia đình lớn làm điểm tựa”.

Ngồi bên cạnh cô con gái cả, ánh mắt bà Thảo đầy mãn nguyện: “Gia đình chị cả bây giờ con cái thành đạt nhất nhà, các em phải noi theo đó!”.

Trồng cây, trồng người không ngơi nghỉ

Người dân ngõ 2, phố Thái Hà không thể quên hình ảnh người thầy giáo già - Khối phố trưởng Lê Sĩ Nghĩa về hưu nhiều năm vẫn sáng chiều đi khắp ngõ nhắc nhở bà con thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, lo cho bà con từ chuyện nước máy, xây nhà văn hóa khối phố đến những sinh hoạt chung hàng ngày. Đặc biệt, là người làm giáo dục, ông quan tâm đến tạo sân chơi, cảnh quan môi trường cho trẻ em. Ông đã thuyết phục với chính quyền để dành khoảng sân rộng cạnh nhà làm nơi sinh hoạt hè, lễ tết cho cả thiếu nhi lẫn người lớn.

Ông trồng cây cổ thụ, vận động nhân dân mua ghế đá, tạo nên không gian xanh cho cả khối phố giữa lòng thành phố đất chật, người đông. Bà con ngõ 2 Thái Hà ai cũng quý trọng gia đình nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa. Gian nhà ông bà treo nhiều huân chương, bằng khen, ảnh gia đình nhưng nổi bật nhất là Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước tặng cho ông.

Cô con gái cả của ông bà nhớ lời Bác dạy, noi gương bố mẹ, một lòng tận tụy chăm lo sự nghiệp trồng cây, trồng người. Ở tổ dân phố 5, phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh), ai cũng biết gia đình cô Mão - thầy Sinh, một điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo gương Bác. Rời bục giảng, cô tham gia làm Chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ dân phố 5, Chủ tịch Hội Khuyến học phường. Cô vận động bà con tổ dân phố và phụ nữ chăm sóc vườn hoa, tượng đài Bác Hồ, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam, khởi xướng quyên góp “bát cháo tình thương” cho bệnh nhân nghèo, chăm lo khuyến khích việc học của con em trong tổ dân phố. Cô làm chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc. Gia đình cô được vinh danh là “Gia đình hạnh phúc” tiêu biểu toàn tỉnh năm 2013. Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tuyên dương cô là điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014.

Chia tay đại gia đình nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa, nhìn hàng cây cổ thụ nơi khuôn viên ông trồng, tôi chợt nhớ đến lời Bác Hồ dặn: Vì lợi ích mười năm, trồng cây. Vì lợi ích trăm năm, trồng người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast