Cựu binh Hà Tĩnh hồi ức về trận đánh "bàn đạp" giải phóng Sài Gòn

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, Đại tá Phạm Tiến Thích - Chủ tịch Hội CCB huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) như sống lại một thời hoa lửa gắn bó với Sư đoàn 341 tham gia tiến công giải phóng Sài Gòn năm 1975.

Những năm tháng không quên

Năm 1972, CCB Nguyễn Tiến Thích từ giã quê hương Tiến Lộc (Can Lộc) và người vợ trẻ sắp đến ngày sinh nở lên đường nhập ngũ, bổ sung quân số vào Sư đoàn 341 của Quân khu 4. Năm 1974, ông cùng sư đoàn hành quân vào chiến trường Đông Nam Bộ.

Cựu binh Hà Tĩnh hồi ức về trận đánh “bàn đạp” giải phóng Sài Gòn

Đại tá Phạm Tiến Thích kể về những ngày tháng không quên trong chiến trường

Vào Pleiku, một bộ phận sư đoàn tách ra chiến đấu ở căn cứ Chơn Thành, thuộc tỉnh Bình Long cũ (nay thuộc tỉnh Bình Phước), còn ông tiếp tục cùng sư đoàn vượt sông La Ngà (tỉnh Đồng Nai) về đường 20, Túc Trưng (Định Quán, Đồng Nai), sau đó chuẩn bị cho trận chiến mở màn vào cửa ngõ Xuân Lộc.

Ông cho biết: "Đây là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời tôi. Trận đánh tại cửa ngõ Xuân Lộc của Sư đoàn kéo dài trong 12 ngày đêm, bắt đầu từ phát súng vào 5 giờ sáng ngày 9/4 đến ngày 21/4. Khi đó, ngoài Sư đoàn 341 với khoảng 10 ngàn người được trang bị xe tăng, pháo binh và không quân yểm trợ còn có thêm sự góp sức của các đơn vị thuộc Quân khu 7.

Nhưng, Sư đoàn 341 vẫn là đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ trực tiếp đánh giáp mặt với Sư đoàn 18 của ngụy. Đây là sư đoàn khét tiếng của ngụy quân đã từng tham gia chiến trường Huế - Quảng Trị được tổng thống Thiệu rút về án ngữ cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn với quyết tâm: Giữ bằng được cửa ngõ. Tổng thống Thiệu cho rằng: Nếu để mất Xuân Lộc thì sẽ mất Sài Gòn. Âm mưu và quyết tâm của địch đã tạo nên thế trận giằng co, khốc liệt trên chiến trường".

Cựu binh Hà Tĩnh hồi ức về trận đánh “bàn đạp” giải phóng Sài Gòn

Đại tá Phạm Tiến Thích (người thứ 2 từ phải sang) thường tiếp lửa cho thanh niên lên đường nhập ngũ

Tham gia trận đánh với cương vị là sỹ quan trẻ nhất sư đoàn, đại đội phó Phạm Tiến Thích được giao nhiệm vụ dẫn 1 trung đội tiên phong rà phá bom mìn, mở cửa cho xe tăng và bộ binh vào cửa ngõ Xuân Lộc. Lúc đó, địch bắn phá rất ác liệt vào đội hình, đã có 1 chiến sỹ hy sinh và 2 đồng chí bị thương, bản thân ông cũng bị thương nhẹ vào vai, nhưng vẫn xông về phía trước.

Bằng sự mưu trí, gan dạ, ông đã dẫn dắt đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đó là mở đường cho xe tăng, bộ binh tiến vào giải phóng thị xã Xuân Lộc. Trận chiến này có hơn 700 chiến sỹ của Sư đoàn 341 ngã xuống.

Tiếp nối chiến thắng vang dội ở Xuân Lộc, Sư đoàn 341 tiếp tục giải phòng Hố Nai (Biên Hòa), thị trấn Tam Hiệp (Biên Hòa). Tối ngày 29/4, đơn vị được lệnh hành quân cấp tốc để sáng 30/4 tấn công thần tốc vào giải phóng Sài Gòn.

Được tôi luyện và trưởng thành qua từng trận chiến, đại tá Phạm Tiến Thích gắn bó với Sư đoàn đến năm 1994. Suốt thời gian này, ông cùng đồng đội làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn, vào sinh ra tử, xông pha khắp các chiến trường vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc và nước bạn Campuchia…

Gương sáng giữa đời thường

Ngay sau khi rời quân ngũ vào cuối 2006, Đại tá Phạm Tiến Thích được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội CCB huyện Can Lộc. Phẩm chất người lính Cụ Hồ lại thêm một lần được ông phát huy trên mặt trận xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và các hoạt động tương thân tương ái. Từ những hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, phù hợp với từng địa phương, phong trào CCB gương mẫu trong việc xây dựng các mô hình kinh tế đã thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo hội viên. Đời sống vật chất, tinh thần của hội viên ngày càng được cải thiện.

Cựu binh Hà Tĩnh hồi ức về trận đánh “bàn đạp” giải phóng Sài Gòn

Những nỗ lực của Đại tá Phạm Tiến Thích (ngoài cùng bên phải) trong phong trào tương thân tương ái đã góp phần tạo động lực cho nhiều gia đình hội viên vươn lên trong cuộc sống

Song song với việc khơi dậy phong trào hoạt động của các cấp hội CCB, Đại tá Phạm Tiến Thích còn thường xuyên quan tâm đến đời sống của các đồng đội cũ. Trăn trở trước những hoàn cảnh của đồng đội, ông đã phát động phong trào quyên góp trong hội viên và kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các địa chỉ nhân ái trong và ngoài tỉnh làm mới và tu sửa nhà cho các CCB, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhiều năm đã trôi qua nhưng đến nay, người dân xã Thuần Thiện vẫn còn nhớ như in hình ảnh ông Thích bỏ tiền túi rồi vận động quyên góp làm nhà cho bà Nguyễn Thị Quý - vợ liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Cứu Quốc.

Bà Quý cho biết: "Nhà cửa dột nát, xuống cấp nhưng lại đau ốm liên miên nên không dám nghĩ đến chuyện nhà cửa. May mà có bác Thích đứng ra kêu gọi kinh phí, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và bà con lối xóm đã giúp tôi có được ngôi nhà ấm áp. Ngày lát nền, vì hết tiền nên định láng xi măng nhưng rồi cũng nhờ bác Thích bỏ tiền túi ra mua gạch lát, mua sập tôn cho tôi đựng đồ và làm nơi để bàn thờ. Sau này bác còn kêu gọi anh em trong hội CCB quyên góp mua sắm bàn ghế cho tôi".

Từ tấm lòng, đến nay, Đại tá Phạm Tiến Thích cùng các cấp hội CCB Can Lộc làm được 13 nhà tình nghĩa cho những CCB, gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với nguồn kinh phí mỗi nhà từ 40 - 60 triệu đồng.

Gần 70 tuổi đời, 47 năm mang tâm huyết "người lính", đại tá Phạm Tiến Thích vẫn nguyên vẹn bầu nhiệt huyết cống hiến cho xã hội.

Chủ đề NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast