Nguyễn Đức Kiên, ông bầu hay ông trùm?

Xét về phương diện làm bóng đá cấp CLB, bầu Kiên chẳng có điểm gì nổi bật ngoại trừ năm nào cũng rập rình... xuống hạng. Thế nhưng chính con người này, chỉ bằng một bài phát biểu hùng hồn, đã làm thay đổi cả nền bóng đá Việt Nam.

Bóng đá - đồ chơi và những cú “áp-phe”

Năm 1993 hóa ra lại có quá nhiều điểm trùng hợp liên quan tới các ông bầu bóng đá. Đó là năm ông Đoàn Nguyên Đức thành lập công ty HAGL tại Gia Lai, là năm ông Đỗ Quang Hiển cho ra đời công ty T&T và cũng là năm Nguyễn Đức Kiên - một người trẻ tuổi, sinh năm 1960 và từng học tại trường quân sự Zalkamate ở Hungary, chuyên viên Bộ thương mại... đột nhiên trở thành “thành viên Hội đồng sáng lập” Ngân hàng ACB.

Các đội bóng của bầu Kiên thường thi đấu kém thành công.
Các đội bóng của bầu Kiên thường thi đấu kém thành công.

Thông minh, sắc sảo, hoạt ngôn, Nguyễn Đức Kiên đủ “uy” khiến cho người đối diện lép vế. Khi bầu Kiên bị bắt vì hoạt động kinh tế, người ta mới “té ngửa” ông bầu này không chỉ tham gia vào hoạt động ngân hàng mà còn góp cổ phần với những công ty đầu tư tài chính, du lịch và đặc biệt là bóng đá.

10 năm sau khi trở thành một nhân vật ngành Ngân hàng và cùng ACB trở thành một hiện tượng của nền kinh tế, bầu Kiên mới xuất hiện trong vai trò một ông bầu.

Cái cách đầu tư của bầu Kiên đúng là cách đầu tư của một nhà buôn: đi tìm những công ty, thương hiệu đang lỗ hoặc khủng hoảng không có lối ra rồi tiến hành mua lại với giá bèo, sáp nhập. Đó là cách bầu Kiên chuyển đội Đường sắt VN thành CLB ACB năm 2000, sáp nhập với HKVN để trở thành LG.HN.ACB, tách một đội thành Hòa Phát Hà Nội. Năm 2011, CLB HN.ACB của bầu Kiên trụ hạng nhờ mua lại suất V.League của Hòa Phát Hà Nội mà ông chủ của nó cũng là một trong những người giàu nhất Việt Nam.

Mua đi bán lại tách nhập là điều mà bầu Kiên đặc biệt giỏi trong bóng đá nhưng kỳ lạ là chưa bao giờ các CLB của bầu Kiên trở thành một thế lực của bóng đá Việt. Nói bầu Kiên không đầu tư cũng không đúng. Đã có lúc ông bầu này rước cả huyền thoại người Hungary Detary về Việt Nam trong vai trò HLV cũng như không tiếc tiền đầu tư vào những cầu thủ Đông Âu. Bầu Kiên thất bại một cách khá thảm hại trong các dự án bóng đá của mình.

Lý giải cho chuyện này, có nhà chuyên môn cho rằng bầu Kiên khác bầu Đức ở chỗ không quá cần thành tích nhưng lại khoái chỉ đạo chuyên môn. Một ông bầu từng vào thẳng phòng thay đồ chìa đội hình xuất phát bắt HLV trưởng phải thực hiện, hoặc từ khán đài phi xuống khu kỹ thuật yêu cầu HLV phải thay cầu thủ này vào, rút cầu thủ kia ra.

Cách hành xử của bầu Kiên đúng kiểu là cách nhà đầu tư “quan tâm” tới đội bóng trong sự nhập nhoạng của bóng đá chuyên nghiệp. Hầu hết người ta nể bầu Kiên, trừ một vài trường hợp, trong đó có HLV Lê Thụy Hải. Ông Hải khi dưới trướng bầu Kiên đã dám “cãi vã tay đôi” với nhà đầu tư và kết cục thì ai cũng thấy rõ: ông Lê Thụy Hải phải ra đi.

Bầu Kiên đầu tư vào bóng đá để làm gì? Rất nhiều người đưa ra câu hỏi như thế. Ngân hàng ACB không cần đánh bóng thương hiệu thông qua hoạt động bóng đá như các doanh nghiệp khác bởi ACB còn “nổi” hơn bóng đá, trong các lĩnh vực khác như đầu tư sàn vàng, ACB cũng đi đầu. Nếu căn cứ vào thành tích và sự lận đận của những yếu tố gắn với ACB thì bóng đá lại là mảng... tối.

Sau này, có người nhìn vào khu đất rộng mênh mông của CLB Hà Nội ở Mỹ Đình thì lại khen bầu Kiên khéo léo nhưng thực tế, với ông bầu này, đầu tư bóng đá đôi khi là một cuộc chơi, một sự đền đáp với Hà Nội cho dù sự đền đáp ấy mới dừng lại ở việc có một đội bóng tồn tại khá... lay lắt như Hà Nội ACB.

Ông bầu và ông trùm

Với bóng đá, ông Nguyễn Đức Kiên không phải là ông bầu giỏi, thậm chí bầu Kiên còn có một khoảng cách khá xa so với bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển trong việc đầu tư và mang lại hiệu quả (căn cứ vào thành tích). Thế nhưng bầu Kiên lại nổi bật trong vai trò một... ông trùm.

Trước bài diễn văn hùng hồn tại lễ tổng kết V.League 2011, tiếng nói của bầu Kiên không lớn. Thế nhưng, trong bối cảnh bóng đá bị đánh mất niềm tin trầm trọng nơi người hâm mộ thì bài phát biểu của bầu Kiên như “gãi đúng chỗ ngứa”, chỉ đúng vào bản chất yếu kém của nền bóng đá, của cung cách quản lý kém cỏi từ VFF tới CLB.

Bài phát biểu ấy đã nâng tầm bầu Kiên thành một ông trùm đầy quyền lực có khả năng tạo sóng dư luận. Đó là thời điểm VFF và lãnh đạo VFF bị cái bóng của bầu Kiên che mờ tới mức chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thừa nhận là từng muốn “nhường chức Chủ tịch VFF” cho ông Nguyễn Đức Kiên.

Nguyễn Đức Kiên, ông bầu hay ông trùm? ảnh 2
Có thời điểm, bầu Kiên từng được xem là niềm hy vọng cho bóng đá Việt.

Sự thuyết phục càng tăng lên khi bầu Kiên đưa ra lộ trình ra đời VPF - công ty cổ phần bóng đá Việt Nam với vai trò kéo cả con tàu bóng đá Việt trì trệ trong bao nhiêu năm.

Lại một lần nữa tất cả bị thuyết phục khi bầu Kiên quy tụ được cả bầu Đức, bầu Thắng và lãnh đạo VFF thuận theo ý của mình.

Kế hoạch thành lập Hội đồng bảo trợ V.League với con số hỗ trợ lên hàng trăm tỷ cùng sự góp sức của 10 doanh nghiệp có lãi trên 1.000 tỷ mỗi năm quá thuyết phục.

Nhưng cũng như câu chuyện ở CLB HN.ACB, hầu hết các dự án của bầu Kiên đều ở... trên giấy và khi ông bầu này bị bắt vào tháng 8/2012 thì VPF lập tức rơi vào tình trạng “suy dinh dưỡng”.

Người ta cho rằng nếu bầu Kiên không bị bắt, VPF sẽ rẽ sang một hướng khác, thuận hơn. Nhưng, lại nhưng, hãy nhìn bầu Kiên làm thay vì nghe bầu Kiên nói, những người làm bóng đá sẽ có cái nhìn tỉnh táo hơn đối với cách làm có một không hai của ông bầu này.

Nguồn: Thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast