Kỷ niệm buồn vui và đời thơ Xuân Diệu

(Baohatinh.vn) - Để trở thành nhà thơ, tất nhiên là phải có tài. Nhưng khi nói đến nhà thơ, người ta thường nghĩ đấy là người có tình, có tâm. Điều này ở Xuân Diệu rất rõ...

Cô đơn… Xuân Diệu

Trong văn, trong chữ của anh thì mài giũa, nhưng trong đời vì sống thật lòng nên nhiều lúc vụng về khiến ai một lần bắt gặp, nghĩ lại thấy thương. Tính anh cởi mở: được đại sứ quán nước ngoài mời cơm - khoe. Đi đọc thơ thu vô tuyến truyền hình - khoe. Cơ quan nào mời đi nói chuyện thơ - khoe. Vào Sài Gòn, hoặc đi nước ngoài về, mua được thứ gì - khoe. Được người ta mời nước mía - khoe. Giữa toa tàu chật ních trong đêm, nhờ người khách nhận ra tiếng mình mà nhường chỗ trong khi đang bị người khác chen lấn - khoe.

Và tất nhiên, viết được bài thơ mới là anh sốt sắng đọc khoe. Cái nết dễ mến, dễ gần của Xuân Diệu, dù nghe anh khoe đấy mà người nghe không thấy chướng. Trong cư xử, Xuân Diệu rất có tình, rất đời. Ai cho gì, từ miếng ăn, gói quà - nhớ. Ai đối xử tệ bạc - buồn, nhưng cố quên! Không có ý trả đũa. Điều anh nhớ là thế nào cũng tặng lại người đã cho mình một món quà lớn hơn! Không phải vì anh có dư dả hơn, mà cái tính anh nó thế. Khó có thể hình dung được nhà thơ lớn, tên tuổi như thế, hào hoa như thế, khi ta gặp, ở nhà lại ngồi so hai chiếc áo may ô rách, xem lấy cái nào để vá vào cái nào. Khó có thể hình dung người vinh quang có thừa ấy có lúc cũng chờ một tiếng gõ cửa của bất cứ ai.

Từ một thi sĩ cô đơn, Xuân Diệu đã hướng thơ mình về đại chúng. Trái tim anh mở rộng trước cuộc đời dào dạt, sống thực với con người bằng giao cảm xương thịt như vậy, nhưng vì sao thơ anh chặng này không còn hút người đọc như thuở Gửi hương cho gió, như thuở Thơ thơ? Câu hỏi này bỗng làm tôi đau nhói bên lòng. Cả một chặng đời dài đi về ngôi nhà 24 Cột Cờ, nơi Xuân Diệu đã có câu thơ “treo cổng” để ngỏ lòng mình: Nhà tôi 24 Cột cờ/ Ai thương thì đến, hững hờ thì qua. Tôi là kẻ không hững hờ đi qua, nhưng sao lúc ấy nông cạn thế, mỗi lần về đây tôi chỉ có ý nghĩ, chỉ có niềm vui được gặp “nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu”, không thấy được nỗi cô đơn đời anh, gần như suốt một đời đơn lẻ, sống một mình lo từng manh áo, bát cơm, thiếu hẳn đôi bàn tay ấm áp, dịu dàng, yêu thương của cuộc sống mà người đời vẫn có. Anh thiếu hẳn những niềm vui bình thường của hai buổi sớm chiều chồng ngồi nhặt rau, vợ đang chụm lửa… Cái góc bếp tương mắm, vại cà, kịt đen bồ hóng, khi ánh lửa reo lên cùng mùi khói cay lan tỏa, nó bừng dậy tình cảm cuộc sống làm nên hơi ấm gia đình, nó nuôi sống đời người, hồn người. Không có nó, dù có cả tình yêu non sông, đất nước, có cả nhân loại chăng nữa, cũng không hề thay thế được.

May thay, ngày vĩnh biệt anh, giữa hàng trăm vòng hoa, tôi được chứng kiến một bó hoa trắng trong, mối tình trinh nguyên của người phụ nữ đặt trên quan tài anh. Khi hỏi ra tôi mới biết, đã từng có người đàn bà kiều diễm yêu anh, về sống cùng anh ở ngôi nhà 24 Cột Cờ, rồi chia tay… Vậy là Xuân Diệu đã có và mãi có một mối tình thật đẹp. Và “một Xuân Diệu thơ” chứa chan khao khát bỏng cháy khôn cùng.

Thơ ta, thơ tây

Một buổi chiều tan tầm, tôi về thăm Xuân Diệu. Anh như vừa qua một cơn đánh vật với chữ nghĩa, những giọt mồ hôi đang rịn rịn trên mặt, giấy bút còn bề bộn trên bàn. Quyển Từ điển Pháp Việt đã ngả màu trên tay. Tôi chào, anh ngẩng đầu: “Em về đấy à! Anh đang mệt nhoài ra đây, em pha nước anh em mình cùng uống”. Tôi nhanh nhẹn cho chè vào ấm. Anh đứng dậy ra khỏi bàn làm việc, lên tiếng: “Anh đang giúp anh Tố Hữu dịch tập thơ ra ngoài nước. Suốt mấy ngày nay làm việc gấp để kết thúc cùng chị chuyên gia nước ngoài. Chiều nay, dịch bài thơ dài nhiều đoạn, ý kiến bỗng vấp nhau. Em có biết thế nào không. Bài thơ hàng chục đoạn mà chị ấy chỉ lấy một đoạn bốn câu. Anh “đấu tranh”, chị ấy bảo rằng: “Anh Xuân Diệu ơi, ở Pari, người Pháp người ta chỉ đọc, chỉ mua bốn câu này là đủ!”. Em thấy không, thơ anh Tố Hữu các anh còn phải học tập mà còn thế đấy, huống hồ các “cây bút trẻ” các em, liệu mà rèn luyện, chứ cứ viết tự nhiên, dài dài, thiếu cấu tứ chặt chẽ thì… - anh thè lưỡi, lắc đầu nguầy nguậy… - thì mong sao mà tiến lên được!”.

Tôi ngồi ngây, trận đồ bát quái của thơ khó đến thế vậy, chúng tôi lớp đàn em làm sao mà vượt được lên?

Bây giờ, thêm tuổi cầm bút, tôi càng thấy rõ khẩu vị thơ Ta và thơ Tây thật khác xa, do hoàn cảnh địa lý, lịch sử, trình độ, tầm sống con người mỗi dân tộc, qua nếp sống hàng nghìn đời đã tiếp nối, thay đổi, kế thừa mà nên. Nhưng nhìn vào lẽ chung của ngọc và thơ, bỗng thấy cái ranh giới thơ phương Đông, phương Tây thật sự không có gì phải bận tâm, bởi suy cho cùng, trái tim khao khát của con người dù ở phương trời nào khi đập đến tận cùng khát khao yêu thương, hạnh phúc thì cũng giống nhau. Những trái tim được “trời cho” để làm thi sĩ, làm người hát rong cùng nhân loại trên trái đất này, tự nó sẽ bật lên được những lời ca say đắm, tự nó sẽ tìm được lối đi, tìm được cung bậc riêng cho khúc hát của mình để tỏa sáng như con trai ngàn năm chịu muối biển để sinh thành nên ngọc.

Xuân Diệu - con người thơ vỗ cánh

Gần ba chục năm được đi về 24 Cột Cờ, tôi cũng đã chứng kiến bao buồn vui trong cuộc sống, trong mỗi trang văn của Xuân Diệu. Nhưng lạ lắm, trong cả những phút giây ấy, bao giờ tôi cũng thấy ở Xuân Diệu thường trực một con người thơ sẵn sàng vỗ cánh.

Tôi cũng đã chứng kiến chi tiết Trần Đăng Khoa vẽ cảnh Xuân Diệu bóp cơm nguội cho vào chảo rang, nhưng là để đơn giản thời gian nấu cơm khi vắng u già giúp việc. Lần ấy, rang cơm xong, anh vét thành hai bát và giục: “Cơm rang phải ăn nóng, ăn nhanh kẻo nguội!”. Nhưng rồi vừa xúc được một thìa, anh dừng bát kể lại chuyện buổi trưa ở cuộc họp người ta trình bày thứ thơ ấn tượng, thơ trừu tượng phương Tây mà họ chẳng hiểu gì. Xanh Giôn-péc-xơ viết được:

Những đám mây như những mảng thế kỷ trôi qua… Anh cũng viết được: Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung. Dứt câu chuyện, cơm nguội hết.

Có lẽ, chân dung mỗi con người bao gồm từ lúc lọt lòng mẹ, đi học, vào đời rồi thành đạt, trẻ trung, khi thất bại, già nua… Vậy chân dung anh là lúc nào đây? Cộng cả lại hay tách biệt từng chặng? Và chân dung nhà văn phải chăng là ngọn lửa trái tim luôn đốt sáng lên thành câu chữ, gợi lại những cảm hoài ấm nóng trong lòng người đọc khôn nguôi… Làm sao chụp được sự tinh tế khuôn mặt Xuân Diệu giây phút: Đã nghe rét mướt luồn trong gió/ Đã vắng người sang những chuyến đò.

Vào năm Mỹ leo thang ra miền Bắc, tôi đang làm việc ở một đội thanh niên xung phong trạm cơ giới Dốc Đỏ - Uông Bí - Quảng Ninh, Xuân Diệu đạp xe từ Hà Nội xuống thăm và chơi với tôi cùng Phạm Gia Bình và Nguyễn Mạnh Tuấn (sau này là tác giả của Đứng trước biển và Cù lao Chàm). Chiều trên đồi bạch đàn vắng lặng, anh em đi dạo, bỗng Xuân Diệu nắm chặt tay tôi đứng lại… “Lặng im, lặng im nghe sơn ca hót!...”. Lúc này, tôi mới nghe được dòng âm thanh trong trẻo rót xuống tự trời cao. Chú chim đang chao lượn trên vòm trời xanh thẳm. Chắc là chú ta say mê lắm nên cứ rót tràn cái giọng vàng của mình, chẳng cần hay biết đến người nghe. Vụt trong tôi lại nhớ đến câu thơ tựa đề: Tôi là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hót chơi...

Hót chơi mà làm say hồn người, nghe đến chết mê, chết mệt và chú ta cứ thế lao lên, lao xuống giữa khoảng tít mù không cần biết vì say mê đến thế, có thể kiệt sức, có thể bất ngờ lao vào núi đá dưới kia. Cả hình ảnh Xuân Diệu trước khi vào cõi vĩnh hằng, ông chỉ định đến viện Việt Xô khám sức khỏe thường kỳ, không ngờ, bác sĩ nói là có triệu chứng cao huyết áp nên giữ lại điều trị. Trước đêm ông ra đi, buổi chiều, tôi còn nghe Xuân Diệu chuyện trò: “Ra viện, anh sẽ bay sang báo cáo đề tài văn học phương Đông ở Viện Hàn lâm Cộng hòa dân chủ Đức, nơi đã bầu anh làm viện sĩ, rồi còn dự định thơ anh dịch ở Hung, ở Pháp… còn ối công việc đang chờ, anh chưa chịu gãy cánh đâu”.

Xuân Diệu trong mắt tôi là vậy, tươi tắn, nồng ấm, cả đến những giây phút cuối cùng vẫn mơ giấc mơ vỗ cánh trẻ trung.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast