Sớm hoàn thiện các quy định về quản lý mặt hàng rượu

Sau một số vụ ngộ độc rượu xảy ra gần đây, dư luận đang đặt câu hỏi về công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu hiện nay.

Đặc biệt, ở Việt Nam, rượu nấu theo cách thủ công vẫn là nguồn cung cấp chính cho người tiêu dùng. Vì vậy, vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm trong sản xuất rượu luôn là bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý.

Để quản lý có hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh rượu, cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Sau một năm đi vào cuộc sống, Nghị định đã góp phần khắc phục những tồn tại trong quản lý sản xuất, kinh doanh rượu. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, quá trình triển khai Nghị định 94 vẫn còn một số vướng mắc, trong đó có việc cấp phép sản xuất rượu thủ công và cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh.

Nghị định 94 quy định những hộ nấu rượu thủ công phải được cấp giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh và sản phẩm phải được dán nhãn mác theo quy định. Điều này được đánh giá là rất tốt cho công tác quản lý số lượng rượu bán ra thị trường nhưng việc triển khai Thông tư 160/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 94 về việc dán tem rượu đang gặp khó khăn, đặc biệt là số lượng tem còn hạn chế. Bởi phần lớn các hộ sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là các hộ nấu rượu thủ công còn thờ ơ, thậm chí chưa biết đến Nghị định 94.

Bên cạnh đó, để các hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh rượu là rất khó khăn do hầu hết các hộ này chỉ làm với quy mô nhỏ lẻ, không liên tục, khó buộc họ làm đủ các thủ tục kinh doanh rượu.

Nghị định 94 cũng quy định khá rõ ràng việc phân cấp cấp phép sản xuất rượu; trong đó Ủy ban Nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cấp phép cho các cơ sở sản xuất rượu thủ công.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam (VBA), vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến quản lý dẫn tới hàng nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc vẫn được tuồn ra thị trường hàng ngày mà không thể kiểm soát được.

Ông Vương Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico) cho biết, thực trạng hiện nay có không ít cơ sở đăng ký sản xuất rượu nhưng chủ yếu đi mua cồn về pha hoặc sản xuất chỉ là trá hình bởi lượng sản phẩm tiêu thụ gấp nhiều lần so với công suất sản xuất cồn.

“Hiện nay, việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu cồn để sản xuất rượu là rất khó khăn. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đơn vị sản xuất rượu nhằm phát hiện, xử lý tại gốc những trường hợp vi phạm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.” - ông Vương Toàn khuyến cáo.

Theo VBA, đến thời điểm này, hệ thống văn bản pháp luật quy định liên quan đến ngành rượu là tương đối đầy đủ; trong đó có quy định xử lý hình sự đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục xây dựng, bổ sung văn bản sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng là rất quan trọng.

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) hiện có 8 trung tâm trên toàn quốc để giám sát các sản phẩm rượu đang lưu thông trên thị trường. Sắp tới, Cục sẽ thí điểm thanh tra chuyên ngành ở các thành phố lớn, mạng lưới thanh tra sẽ dày hơn để tăng cường kiểm tra, giám sát…

Bộ Công Thương cũng sẽ điều chỉnh một số quy định của Thông tư số 39/2012/TT-BCT về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; điều chỉnh thời gian thực hiện việc dán tem rượu; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công…

Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ tăng cường lực lượng tại các tỉnh, thành, phấn đấu mỗi quận, huyện có một đội quản lý thị trường; mỗi xã, phường có một tổ quản lý thị trường. Tuy nhiên, để công tác này đạt kết quả cao cần có sự hợp tác tích cực của các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về các vụ việc làm giả, làm nhái rượu... Các hiệp hội ngành nghề cũng cần hướng dẫn người tiêu dùng, xây dựng chuẩn hóa quy trình sản xuất rượu thủ công.

Về phía người tiêu dùng, các chuyên gia khuyến cáo cần nâng cao trình độ, kiến thức để lựa chọn những sản phẩm rượu an toàn, tránh sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc và không có thương hiệu…

Quang Toàn

Nguồn: vietnamplus.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast