Công tác giám sát góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và xây dựng đất nước

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Mục tiêu cao nhất của công tác giám sát là đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH và xây dựng đất nước”.

Công tác giám sát góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và xây dựng đất nước

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 4/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến tới 62 điểm cầu trên toàn quốc.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, các đại biểu Quốc hội bầu tại địa phương và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan cùng dự.

Công tác giám sát góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và xây dựng đất nước

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Trong năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành 4 giám sát chuyên đề, trong đó 2 giám sát tối cao của Quốc hội về “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch”; 2 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”.

Công tác giám sát góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và xây dựng đất nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đã thực hiện giám sát thì phải hiệu lực, hiệu quả. Giám sát phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng vấn đề được giám sát.

Nếu trong quá trình giám sát phát hiện dấu hiệu sai phạm thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội. Vì vậy, giám sát phải khoa học, tổ chức giám sát phải chặt chẽ, cán bộ tham gia giám sát phải bản lĩnh; đồng thời, có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước”.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, hoạt động giám sát sẽ tạo ra sự lan tỏa rất lớn; từ đó, hiệu lực, hiệu quả giám sát sẽ được tăng cường.

Công tác giám sát góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và xây dựng đất nước

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ cùng dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu được giới thiệu khái quát về tình hình triển khai chương trình giám sát năm 2022.

Mục tiêu của chương trình nhằm tạo sự thống nhất và chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Đây cũng là cơ sở để theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Bên cạnh việc đổi mới, tạo dấu ấn trong hoạt động giám sát; chương trình nhằm triển khai hoạt động giám sát đúng và trúng, từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước.

Công tác giám sát góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và xây dựng đất nước

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị (Ảnh chụp màn hình).

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hội nghị đã ghi nhận 14 ý kiến đóng góp của đại biểu. Theo đó, đại biểu đề xuất cần làm rõ cơ chế phối hợp hiệu quả, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đi sâu vào việc lựa chọn phương thức giám sát bảo đảm linh hoạt, hiệu quả và thực chất hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19;

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần dành thời gian xem xét, thảo luận công tác giám sát văn bản; Chính phủ và các bộ, ngành khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu, xem xét theo đúng thẩm quyền...

Công tác giám sát góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và xây dựng đất nước

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: Trong quá trình thực hiện giám sát, trưởng, phó các đoàn ĐBQH tỉnh, các vị ĐBQH cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực, trình độ; lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, Nhân dân; tôn trọng các đối tượng được giám sát.

Đồng thời, phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật; đánh giá công bằng, khách quan để từ đó, đóng góp các ý kiến chất lượng, chuyên sâu nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và xây dựng đất nước.

Công tác giám sát góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và xây dựng đất nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cơ quan Kiểm toán Nhà nước cần sớm lập báo cáo tổng hợp, cung cấp báo cáo chuyên đề để phục vụ hoạt động giám sát.

Đoàn ĐBQH các địa phương kịp thời báo cáo tiến độ, rà soát vấn đề phát sinh, thường xuyên tổ chức các cuộc giao ban nội bộ; đồng thời, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giám sát.

Văn phòng đoàn ĐBQH & HĐND của các địa phương cần đảm bảo điều kiện và kinh phí cho hoạt động giám sát theo đúng quy định. Các cơ quan truyền thông, báo chí tham gia sâu rộng, hiệu quả vào quá trình giám sát của Quốc hội.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast