Thủ tục vay vốn tín dụng: Cần "rộng cửa" hơn cho người dân và doanh nghiệp

(Baohatinh.vn) - Kết luận từ các cuộc làm việc của Đoàn giám sát HĐND tỉnh tại các ngân hàng vừa qua đều khẳng định, công tác cải cách hành chính đã thực sự được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, với thủ tục vay vốn tín dụng, khách hàng đang chờ đợi sự cải thiện nhiều hơn nữa.

Thủ tục vay vốn tín dụng: Cần "rộng cửa" hơn cho người dân và doanh nghiệp ảnh 1

Các ngân hàng bố trí cán bộ giao dịch gỏi nghiệp vụ, năng động và nhiệt tình ở bộ phận giao dịch trực tiếp với khách hàng

Chuyên nghiệp, hiện đại hóa các giao dịch

Hiện nay, các chi nhánh NHTM trên địa bàn đều thực hiện và thường xuyên cải tiến mô hình giao dịch một cửa. Theo Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh - Nguyễn Hữu Lực, đơn vị đã ưu tiên bố trí cán bộ chuyên môn giỏi, năng động, nhiệt tình ở các bộ phận giao dịch trực tiếp. Giao dịch viên vừa tiếp nhận thu, phát tiền, vừa thực hiện hạch toán để rút ngắn thời gian tối đa cho khách hàng. Nhờ đó, thời gian giao dịch cho một bút toán đã rút ngắn từ 30 phút xuống còn 10 phút.

Hệ thống máy ATM và POS (điểm chấp nhận thẻ thanh toán) được các ngân hàng phát triển mạnh mẽ và không ngừng cập nhật công nghệ mới nhằm tạo ra mạng lưới tự động để phục vụ khách hàng ở mọi thời điểm với thủ tục đơn giản, minh bạch.

Theo Phó Giám đốc Agribank Hà Tĩnh - Trần Sỹ Thu, đến nay, chi nhánh đã đầu tư 30 máy ATM, 10 POS và thực hiện kết nối liên thông với các ngân hàng khác, rất tiện lợi cho khách hàng khi giao dịch rút tiền, chuyển khoản, thanh toán...

Cải tiến thủ tục cấp tín dụng

Gắn với yêu cầu, nhiệm vụ mới, những năm gần đây, các thủ tục cấp tín dụng ở tất cả các các chi nhánh NHTM được rút gọn khá nhiều và việc vận dụng linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được cán bộ ngân hàng thực hiện khá tích cực. Một ví dụ điển hình là dư nợ vay không có tài sản đảm bảo đang được các NHTM mở rộng với tỷ lệ 33,42% trên tổng dư nợ.

Thủ tục vay vốn tín dụng: Cần "rộng cửa" hơn cho người dân và doanh nghiệp ảnh 2

Lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT Lộc Hà kiểm tra việc sử dụng vốn ở các mô hình vay vốn

Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn giám sát HĐND tỉnh thì những hồ sơ, thủ tục vay vốn của ngân hàng vẫn còn nặng về những ràng buộc để bảo toàn nguồn vốn, chưa thực sự thông thoáng đối với khách hàng. Bên cạnh đó, “mặc dù các ngân hàng phải tuân thủ theo hướng dẫn, quy định nghiệp vụ của ngân hàng cấp trên, nhưng từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các chi nhánh có trách nhiệm phản ánh, đề xuất Ngân hàng Nhà nước để điều chỉnh phù hợp, mở rộng hơn cánh cửa cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn” - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nhiệu, các hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế phải đảm bảo thực hiện đúng quy định nên cán bộ ngân hàng phải hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ khách hàng thực sự tận tâm, có hiệu quả.

Giải trình từ phía các ngân hàng về việc xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư tín dụng, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh cho biết: Các thủ tục vay vốn không chỉ do ngân hàng thực hiện mà là của nhiều cấp, ngành liên quan khác, ví dụ đăng ký tài sản đảm bảo, thẩm định giá đối với các dự án đầu tư lớn... Hay việc xây dựng các phương án SXKD khả thi lại cần vai trò hỗ trợ của các ngành chuyên môn... Bởi vậy, cần yêu cầu các cấp, ngành liên quan tham gia tích cực nhiệm vụ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Còn Giám đốc BIDV Hà Tĩnh - Kiều Đình Hòa cho rằng, nhìn ở góc độ khác, hoạt động ngân hàng luôn cần sự chia sẻ, đồng cảm của xã hội và sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn của nền kinh tế kéo theo hệ lụy cho ngân hàng khi phát sinh nợ xấu và trong quá trình xử lý tài sản để đảm bảo thu hồi nợ, tạo sự lành mạnh về tài chính và niềm tin để ngân hàng khơi thông nguồn vốn tín dụng, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast