Chiều tối nay bão đổ vào đất liền

11h sáng nay, tại huyện ven biển Tiền Hải (Thái Bình), Hải Hậu (Nam Định) mưa bắt đầu nặng hạt, gió rít từng hồi. Bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng) không một bóng người, những cột sóng cao ào ạt xô bờ. Chiều tối nay, bão Conson sẽ đổ bộ.

11 sáng nay, tại huyện ven biển Tiền Hải (Thái Bình), theo ghi nhận của VnExpress.net, gió bão đã mạnh lên cấp 5-6 và liên tục đảo chiều, mưa bắt đầu nặng hạt. Ở khu vực cống Trà Lĩnh, vài trăm người dân đang dồn sức bảo vệ cống cũng như tuyến đê biển của huyện này. Trong khi phụ nữ trẻ em hối hả xúc đất, cát vào bao tải, thì nam giới nhanh chóng chuyển cát, căng bạt phủ lên mặt cống, mặt đê.

Xác định Thái Bình là tỉnh trọng điểm, có khả năng bão đổ bộ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã quyết định lập ban chỉ huy tiền phương ở đây để trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão. Tại cuộc họp khẩn sáng nay, ông Phát đã yêu cầu toàn tỉnh phải nêu cao tinh thần cảnh giác, bởi 5-6 năm nay, Thái Bình chưa hứng bão, người dân có thể chủ quan.

"Ngành điện phải đảm bảo an toàn khi có mưa bão, quân đội ứng trực ở những nơi xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ dân khi có yêu cầu. Tuyệt đối hông cho người dân trở lại những chòi canh tôm, vạng ngoài biển", ông Phát chỉ đạo.

Tại xã Hải Châu (Hải Hậu, Nam Định), từ 9h sáng, gió bắt đầu mạnh dần, trời mưa nhỏ. Ở công trình cầu Châu Thịnh đang thi công trên quốc lộ 21, 3 máy xúc và khoảng 30 công nhân đang hối hả chuyển 250 rọ đá, mỗi rọ 2 khối đá, bảo vệ đê quai được đắp bên ngoài nhằm bảo vệ cầu.

"Cầu nằm sát cửa sông, tiếp giáp với biển, nên chắc chắn sẽ bị sóng đánh mạnh. Nếu đê quai vỡ, thiệt hại sẽ khôn lường. Những trụ móng mới đổ của cây cầu có tổng đầu tư 24 tỷ đồng sẽ bị phá hủy. Nước tràn sâu vào nội đồng gây ngập úng cả khu vực rộng lớn", ông Phạm Văn Hùng, kiểm soát viên đê điều của huyện Hải Hậu cho biết.

Đưa thêm đá hộc để gia cố mặt ngoài đê Thịnh Long, tuyến đê từng bị vỡ năm 2005. Ảnh; Nguyễn Hưng.

Đưa thêm đá hộc để gia cố mặt ngoài đê Thịnh Long, tuyến đê từng bị vỡ năm 2005. Ảnh; Nguyễn Hưng.

Tại tuyến đê biển Thịnh Long, sau sự cố vỡ đê năm 2005, dù đã kiên cố, nhưng để đảm bảo an toàn, nhất là khi được dự báo bão sẽ đánh vào Nam Định, trưa nay các máy xúc vẫn miệt mài chuyển và ốp đá vào chân đê phía ngoài biển. Công việc này sẽ được hoàn tất trước 16h chiều nay.

Tại cảng cá Ninh Cơ bình thường vốn nhộn nhịp tàu ra vào và người mua bán cá, nhưng hôm nay vắng hoe, chỉ có ngư dân đưa tàu vào trú tránh bão. Hiện cảng có khoảng 100 tàu thuyền vào trú bão. Theo chỉ đạo, ngư dân phải lên hết bờ, nhưng đến 11h30 trưa nay, họ vẫn bám trụ trên tàu, nấu cơm sinh hoạt bình thường. Một số cho biết sẽ chỉ lên bờ khi bão vào, còn giờ vẫn ở lại để bảo vệ tàu và ngư cụ.

Tại Đồ Sơn (Hải Phòng), từ 11h, trời bắt đầu mưa nhỏ, biển động mạnh. Gió càng lúc càng thổi mạnh khiến hàng thông bên bờ biển kêu rin rít. Bãi biển không một bóng người. Các hàng quán tại khu du lịch đã đóng cửa. Người dân sau hồi hối hả chằng chống mái, chặt cây, đã trở vào nhà, ngắm bão qua cửa sổ và cập nhật tin bão qua radio.

Neo đậu tàu thuyền tại Đồ Sơn (Hải Phòng) sáng 17/7. Ảnh: Hoàng Hà.

Neo đậu tàu thuyền tại Đồ Sơn (Hải Phòng) sáng 17/7. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo bản tin lúc 11h30 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, tâm bão Conson đang cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Thanh Hóa khoảng 180 km, cường độ cấp 10-11. Trong 12 giờ tới, bão đi theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, tốc độ 15-20 km mỗi giờ, ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Như vậy khoảng chiều nay, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Đến 22h đêm nay, tâm bão trên đất liền các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, cường độ cấp 8, giật 9-10. Vùng gió mạnh nguy hiểm tính từ tâm bão bán kính khoảng 200 km. Ngày mai sau khi đi sâu vào đất liền, bão suy yếu thành một vùng áp thấp, cường độ giảm dưới cấp 6.

Từ chiều nay, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5-7 m. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh dần từ cấp 6 đến cấp 11, giật cấp 12-13. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh dần từ cấp 6 lên cấp 9. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3-5 m.

Bão sẽ gây mưa vừa đến mưa rất to (trên 100 mm) ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Người dân cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF.

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF.

Trong quá trình tiến vào đất liền, bão đã gây thiệt hại cho tàu thuyền và ngư dân trên biển. Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, có 6 tàu với 70 người dân của các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Tĩnh bị hư hỏng, chìm, nhưng đã được cứu vớt an toàn. Hiện còn 167 tàu của Nghệ An, Quảng Ngãi vẫn đang trong quá trình di chuyển vào bờ.

Mối lo ngại nhất hiện nay là 5 tàu với 67 ngư dân của Quảng Ngãi bị nạn trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các tàu bạn mới cứu được 29 người trên 2 tàu, còn 38 người trên 3 tàu vẫn phải bám trụ tại các ghềnh đá, đang được ngư dân các tàu xung quanh cố gắng tiếp cận, cứu vớt.

Theo thông báo của cơ quan khí tượng, chiều tối nay bão đổ bộ vào đất liền nên công tác di dời dân đang được gấp rút triển khai. Đến 6h sáng nay, đã có hơn 3.300 dân ở các đảo, vùng ven biển có nguy cơ xâm thực, sóng biển đánh cao đã di dời, trong đó Hải Phòng là 1.200, Thái Bình hơn 400, Nam Định 1.600 và Ninh Bình 100 người.

Hiện còn 148.000 dân, trong đó Hải Phòng hơn 3.500, Thái Bình hơn 5.500, Thanh Hóa 137.000, Ninh Bình và Nam Định mỗi tỉnh khoảng 1.000 người sẽ được di dời trong sáng nay.

Các tuyến đê biển đang được quan tâm đặc biệt, nhất là những tuyến đê kè trực diện với biển và đang trong quá trình thi công. Tỉnh Nam Định đã khẩn cấp gia cố cho tuyến đê biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu tại vị trí cống Phú Lễ, đến 18h chiều qua đã hoàn thành, đảm bảo chống tràn và tiêu úng với lượng mưa khoảng 250 mm.

Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương có công điện đề nghị tỉnh Thanh Hóa triển khai ngay lực lượng, phương tiện, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê biển, nhất là những khu vực đang thi công như đoạn đê, kè biển khu vực Hải Châu - Hải Ninh và Ninh Phú.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast