Bát nước chè xanh

(Baohatinh.vn) - Tôi lớn lên nơi dải đất miền Trung đong đầy nắng gió. Nơi ấy, từng giọt mồ hôi cũng dệt nên mùa màng, từng nỗi nhớ dệt nên tình yêu, từng bát nước chè xanh dệt nên phong vị quê nhà… Thử hỏi, nơi đâu có vị nước đậm đà, ngọt đắng mà ấm áp tình người như bát nước chè xanh Hà Tĩnh mình.

Tản văn

Minh họa từ internet

Minh họa từ internet

Sáng thức giấc, việc đầu tiên của mỗi nhà là đánh bộ cốc chén sáng loáng và chuẩn bị ngay ấm nước chè xanh. Ở quê tôi, đứa trẻ cũng biết cách chọn cành chè để hãm được ấm nước ngon và dĩ nhiên, uống nước chè “sành sõi”. Chè phải thật tươi, mới hái, cành nhỏ, lá dày. Nước chè ngon khi rót ra có màu xanh trong vắt, chút hương thơm quyện trong làn hơi nóng bốc lên, uống vào có vị chan chát, ngòn ngọt đầu lưỡi.

Người dân quê tôi còn có cách uống nước chè độc đáo. Ấy là bát nước chè xanh pha một ít mật mía. Những khi đi làm về mệt, chỉ chừng ấy thôi cũng đem đến cho người uống cảm giác tỉnh táo, sảng khoái và sau vị chát là vị ngọt ngào thấm sâu, lan tỏa còn đọng lại.

Vốn là vùng quê suốt đời quăng quật bởi gió lào, người dân quê tôi nghèo thóc lúa nhưng lại giàu tình làng nghĩa xóm. Bát nước chè xanh, miếng trầu đỏ môi đã gắn kết họ lại với nhau. Mỗi lần hội làng, họp xóm mà không có bát nước chè xanh thì coi như mất vui. Bây giờ, kể cả những đám hiếu, hỉ, ngoài những thức uống có ga, có cồn, ấm nước chè xanh vẫn không thể thiếu. Bên ấm nước chè xanh, những câu chuyện xóm làng nối dài theo ánh trăng trôi về phía xa. Cũng bên ấm nước chè xanh, người ta truyền nhau cách làm ăn, thông tin cho nhau chuyện đồng áng, chuyện đất nước. Bao buồn, vui cứ thế san sẻ. Ngụm nước chè bên chiếc chõng tre mộc mạc gợi nhớ biết bao tình.

Không ngoa khi nói rằng, người dân quê tôi “nghiện” nước chè. Mỗi ngày không có bát nước chè, thấy “nhạt mồm, nhạt miệng”. Mà cũng không chỉ những lúc nghỉ ngơi họ mới thưởng thức, cả những khi ra đồng làm lụng, các lão nông vẫn không quên mang theo một ấm nước chè xanh.

Chẳng biết tự bao giờ, bát nước chè xanh gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần người dân quê tôi. Tự nhiên như hạt lúa, củ khoai, bát nước chè xanh làm nên một góc “hồn quê” trong mỗi thế hệ.

Có lẽ thế mà không phải ngẫu nhiên, quán nước chè ven đường ở những thành phố lớn vẫn là nơi hấp dẫn những kẻ xa quê như tôi tìm đến. Mà cứ nhất thiết tìm được quán nước chè chứ chẳng phải quán nước trà, dù có là trà hoa sen. Nhấm nháp ngụm nước chè chan chát, ngòn ngọt ở quán cóc bất chợt ven đường, ta nghe như có tiếng ru hời của mẹ, lời căn dặn của cha, tiếng bà con chòm xóm giữa mùa gặt trưa hè... Một góc hồn quê mát lành cho tôi sự bình yên giữa xô bồ phố thị.

Vẳng đâu đây câu hát ai ngân nga gợi bao niềm thương, niềm nhớ. “Quê tôi nắng đỏ đồng, mưa thấm cả bùn non, quê tôi gừng cay muối mặn níu bao đời câu hát buồn vui… Ngọt đắng… Gốc đa sân đình, đò chiều mẹ đợi, chè xanh mời gọi thơm cả làng ta…”. (*)

________

(*) Lời bài hát “Nơi ấy quê mình” – nhạc sỹ Mạnh Chiến.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast