Lực hút từ hệ thống cảng biển và KKT

Từ một tỉnh nghèo thuần nông, gần đây Hà Tĩnh được biết đến là địa phương có hệ thống cảng biển phát triển và khu kinh tế (KKT) hấp dẫn “hút” được nhiều nhà đầu tư. Lực hút từ hệ thống cảng biển và KKT này hứa hẹn, góp phần tạo bước đột phá về kinh tế cho Hà Tĩnh trong thời gian tới.

Bài 2: Bước đột phá từ các KKT

Như đã đề cập ở bài 1, Hà Tĩnh có vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển vùng và góp phần giúp nước bạn Lào vươn ra biển. Hà Tĩnh lại tranh thủ được sự ưu tiên đầu tư của TƯ. Chính vì thế chúng ta đã tập trung đẩy nhanh sự phát triển hai KKT Vũng Áng và Cầu Treo....

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm công trình nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. Ảnh: TL
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm công trình nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. Ảnh: TL

Không khó để nhận ra, ngoài tập trung phát triển nông thôn mới, Hà Tĩnh đang tạo đột phá phát triển kinh tế theo hướng kiềng ba chân. Chân kiềng thứ nhất: KKT Vũng Áng mà nòng cốt là siêu dự án Formosa cùng chuỗi các nhà đầu tư nước ngoài; chân kiềng thứ hai là khai thác mỏ sắt Thạch Khê và chân kiềng thứ ba là công trình Ngàn Trươi – Cẩm Trang và KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (gọi tắt là Cầu Treo). Trong giới hạn bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến việc tập trung phát triển hai KKT.

Trưởng ban quản lý KKT Vũng Áng Hồ Anh Tuấn cho biết: Mới hơn 6 năm đi vào hoạt động nhưng KKT Vũng Áng đã “hút’ được trên 100 nhà đầu tư trong và ngoài nước với số vốn đầu tư lên đến khoảng hàng chục tỷ USD. Hiếm KKT nào như Vũng Áng thu hút được nhiều “đại gia” trong và nước và quốc tế như Tập đoàn Formosa (Đài Loan), Tập đoàn Human (Hàn Quốc), môt số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, Ấn Độ, nước bạn Lào cùng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam… đã từng bước đưa KKT Vũng Áng lên vị thế mới trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Chính vì thế, trong giai đoạn kinh tế trong nước và quốc tế đang bao trùm một màu xám với bao khó khăn vốn liếng nhưng tại KKT Vũng Áng vẫn hối hả tiếng xe, tiếng máy thi công trên biển, trên đất liền… như chưa hề có suy thoái kinh tế. KKT Vũng Áng ra đời muộn nhưng đang khẳng định sự phát triển theo hướng công nghiệp nặng, như: điện năng, luyện kim, lọc hóa dầu, chế biến lâm sản…nên đã được Chính phủ chọn là một trong 5 KKT trọng điểm ưu tiên đầu tư trong thời gian tới. Nếu trước đây, Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư bằng mọi cách, thì nay KKT này đang hướng tới ưu tiên các dự án công nghệ sạch, công nghệ có hàm lượng chất xám cao hay giải quyết nhiều lao động…

Nhộn nhịp công trường Formosa
Nhộn nhịp công trường Formosa

Chỉ tính riêng Tập đoàn Formosa trong bốn năm qua đã bỏ ra hàng tỷ USD để bơm cát từ biển lên san lấp hàng nghìn ha mặt bằng; đóng cọc lò cao số 1; thi công kè chắn sóng, bến số 1 Cảng Sơn Dương; thiết kế, đặt mua thiết bị lò cao... Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cùng các nhà thầu đã chuẩn bị hoàn tất các công đoạn cuối cùng để đưa nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW với giá đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào hoạt động đầu năm 2013. Nhà đầu tư Nhật Bản đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để khởi công đầu tư nhà máy nhiệt điện 2 trị giá hơn 1,5 tỷ USD vào năm 2013…

Nếu theo đúng kế hoạch ký kết giữa các nhà đầu tư và tỉnh nhà, chỉ tính đến năm 2015, chúng ta sẽ thu ngân sách từ KKT này khoảng 2.500 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.

Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo
Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo

Ra đời trong hoàn cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn, phải thắt chặt hầu bao để giảm thiểu lạm phát nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng KKT hầu như còn hạn chế nhưng theo Trưởng ban quản lý KKT Cầu Treo Trần Báu Hà: Nhờ có chính sách ưu đãi đặc biệt nên đến nay đã có hàng chục dự án, hàng trăm doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào KKT Cầu Treo. Được biết, KKT Cầu Treo đang là điểm đến của các nhà đầu tư; là cầu nối để tạo sự phát triển cho nước bạn Lào. Nên KKT Cầu Treo được xếp thứ hạng ưu tiên đầu tư khá cao, là một trong 8 KKT miền núi trong cả nước đang được Chính phủ lựa chọn đầu tư. Trong lúc buộc phải cắt giảm nhiều khoản đầu tư công, kể cả các KKT thì cả hai KKT của Hà Tĩnh vẫn được ưu tiên đầu tư. Đây chính là tín hiệu mừng, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với Hà Tĩnh. Nhằm tạo điều kiện cho chúng ta phải thu hút được nhiều nhà đầu tư, sớm tạo ra nhiều con gà “đẻ trứng vàng” tại các KKT.

Cũng theo ông Trần Báu Hà: Nhằm cụ thể hóa thỏa thuận chiến lược về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, KHKT giữa hai nước (giai đoạn 2011-2020, được phép của Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước, Hà Tĩnh đang gấp rút thành lập khu mậu dịch kinh tế biên giới giữa Hà Tĩnh và Bôlykhămxay (nước bạn Lào) theo mô hình: “Một khu vực, hai quốc gia, một chính sách”. Đồng thời, nước bạn Lào chuẩn bị nâng cấp tuyến đường 1E, nối Lạc Sao đến Tà Khẹt, rút ngắn quảng đường hơn 50 km từ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan qua cầu Hữu Nghị 3 đến Khăm Muộn (Lào) về cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và loại bỏ đoạn đường đèo nguy hiểm gần 100 km.

Bên cạnh đó, nước bạn Lào và Thái Lan đang nâng cấp cặp cửa khẩu ThaXạẠt (Lào) và Phu Xay (Thái Lan) thành cửa khẩu quốc tế. Cặp cửa khẩu này nằm ở đoạn cuối QL 8, sát sông MêKông, cách ngã ba Thoòng Bèng khoảng 10 km. Như vậy, hàng hóa từ các tỉnh Đông bắc Thái Lan, Trung Lào về cảng Vũng Áng chỉ qua hai cửa khẩu quốc tế và QL 8 –một trong những trục xuyên Á ngắn nhất. Đây là một lợi thế cực lớn giúp các doanh nghiệp Lào, Thái Lan khi xuất nhập hàng hóa đến các nước Đông bắc Á và ngược lại. Hiện tuyến QL 8 đang được nâng cấp mở rộng để trở thành tuyến đường xuyên Á.

Tuyến đường giao thông giữa 2 cửa khẩu Cầu Treo và Nậm Phao góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại giữa 2 nước Việt Nam - Lào
Tuyến đường giao thông giữa 2 cửa khẩu Cầu Treo và Nậm Phao góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại giữa 2 nước Việt Nam - Lào

KKT Cầu Treo với lợi thế là các khu phi thuế quan sẽ hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy nhanh việc phát triển thương mại, dịch vụ, sản xuất, gia công…Đây được xem là động lực để phát triển miền Tây Hà Tĩnh trong thời gian tới.

Hệ thống Cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương cùng các tuyến quốc lộ xuyên Á là cửa ngõ thuận lợi cho Hà Tĩnh và khu vực vươn ra biển lớn. Đây cũng chính là tiền đề lớn để tỉnh ta thu hút đầu tư vào các KKT. Cùng với các chính sách ưu đãi của chính quyền các cấp, cải cách thủ tục hành chính triệt để, giải phóng mặt bằng nhanh gọn…tỉnh ta sẽ có những bước đột phá lớn về kinh tế, trong đó có kinh tế biển từ các KKT và cảng biển.(Xin xem bài 3 ở kỳ sau)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast