Danh nhân làng quê

(Baohatinh.vn) - Thật không ngờ ông anh họ Đinh Văn Thiêm của tôi lại biết vẽ mà vẽ đẹp thế! Bảy mươi tuổi, học hành chưa qua nổi lớp 4 trường làng, mỹ thuật thì còn chưa biết thế nào là palét là panhxô. Vậy mà ông vẽ cái đình, cái chùa, cái cổng làng làng tôi, cái làng ngoại thành Hà Nội xưa hẻo lánh như cái làng Mùi của ông Lỗ Tấn, sao mà đẹp vậy!

Mà đây là vẽ theo trí nhớ. Chứ đình, chùa, miếu mạo cổng làng xưa cũ nay còn đâu. Kháng chiến Tây phá, rồi cải cách ruộng đất, ta cũng phá hết rồi còn đâu. Nhưng hóa ra không chỉ biết vẽ, ông anh tôi còn thông thuộc cả lịch sử làng tôi nữa.

Danh nhân làng quê ảnh 1

Minh họa của Huy Tùng

Nghe ông nói tôi mới biết: Hà Nội đã tổng kê được hơn 300 làng nghề. Và nếu Nhị Khê có nghề thợ tiện, Lai Xá có nghề chụp ảnh, Ngũ Xã có nghề đúc đồng, Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên có nghề nặn tò he... thì làng tôi tên cũ là Kim Liên nay gọi là phố Kim Hoa, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội, có nghề cắt tóc.

Tự hào về nghề truyền thống làng, ông anh họ tôi nói:

- Tính sơ qua để cậu biết nhé. Khắp Hà Nội này có nơi nào không có người làng mình lập nghiệp? Ví dụ: Cụ Tống Du có cửa hiệu cắt tóc ở ngã ba Cửa Nam. Cụ Phạm Ngọc Phúc ở đầu phố Hàng Bông đệm. Phố Hàng Bài có ông Cả Nghi. Hàng Quạt có cụ Hai Thuyết. Phố Bà Triệu có cụ Hai Chùa, cụ Tư Thưởng. Phố Hàng Khay có cụ Hai Chăm, cụ Ba Chép. Hàng Trống có ông Lý Lợi, ông Hai Ty. Còn ở Hải Phòng có cụ Ba Khang. Ở Vinh có ông Ba Lĩnh. Lạng Sơn có ông Ba Lễ, Cả Trung, Hai Dậu. Sơn Tây có ông Hai Yên...

Cướp lời ông, tôi nói:

- Ba em là ông Hai Yên đó. Nhưng mà anh này, nghe nói sở dĩ làng mình có nghề vít đầu vít cổ thiên hạ này là do ông thầy địa lý Tả Ao yểm hướng đình cho.

Ông anh tôi cười:

- Cụ Tả Ao là ông Thánh Địa lý, ông Tổ phong thủy nước ta, quê quán nghe đâu là ở vùng Nghệ Tĩnh. Tả Ao phong thủy nhất trên đời/ Họa phúc cầm cân định chẳng sai/ Mắt thánh trông xuyên ba thước đất/ Tay thần xoay chuyển bốn phương trời. Truyền thuyết kể rằng, cụ đi qua làng ta, ghé vào một quán nước, cụ hỏi, dân làng mình nói: có nguyện vọng trở thành kẻ oai vọng, có thể vít đầu vít cổ thiên hạ. Thế là cụ xoay hướng đình, đàn ông cả làng từ đó theo nghề cắt tóc.

Tôi chưa kịp bầy tỏ sự thích thú thì ông anh tôi đã kéo tay tôi:

- Cậu này! Làng ta không những là một làng nghề truyền thống mà còn một làng cổ, địa thế đẹp, phong cảnh với đầm hồ, sông nước vây quanh thì vô cùng hữu tình kỳ thú. Cái gì cũng đáng gọi là mỹ lệ. Kể cả cái kiệu rước bảy tầng đặt đồ lễ ngày hội làng, thật không nơi nào bằng! Cậu thấy có nên viết một cuốn Lịch sử làng ta không?

- Một cuốn Lịch sử làng! Hay quá!

Đáp lại tiếng reo hoan hỉ của tôi, ông anh tôi gật gù và cả quyết: Anh sẽ bắt tay ngay hôm nay và bảo đảm với chú ba tháng nữa anh sẽ xong bản thảo để đưa chú duyệt!

Nói là làm, đó là phong cách của ông anh họ tôi. Tiếc thay, ba tháng sau, tôi chủ động gọi điện cho ông thì được biết, ông chưa hề động bút.

- Sao thế bác Thiêm? Thiếu tư liệu à?

- Cũng có một phần.

- Thế thì vì lý do gì?

- Là dân viết lách cậu hoàn toàn biết chứ sao lại còn hỏi!

- Khó hiểu nhỉ?

- Đơn giản chỉ là thế này... Nhưng mà thôi, chuyện đó nói sau. Còn bây giờ, chủ nhật tuần tới là ngày rằm, cậu hãy về làng. Về làng làm gì? Cứ biết là thế đã.

*

Hồi hộp, sáng ngày rằm, tôi vừa ló mặt vào cổng làng thì ông anh tôi dáng đã chờ sẵn, liền túm lấy tôi.

Thì ra hôm nay làng tôi mở hội. Và tôi nhận ra ngay Hội làng tôi đáng tự hào thật. Đây là dịp để mọi người ôn lại lịch sử làng, một ngôi làng ngoại thành xinh đẹp, có nghề truyền thống và có bề dày văn hóa phong tục riêng. Trước hết là không khí hội làng rất vui. Thôi thì đủ! Ở bãi cỏ đầu làng cùng với cuộc thi ăn giải 500 ngàn đồng cho ai cắt tóc nhanh nhất và đẹp nhất, còn có các trò chọi gà, chọi chim, cờ người, đánh đu, đánh vật, đi cầu phao, đập nồi, bắt vịt, leo cột mỡ, ăn mía xong lấy bã mía thổi cơm trên thuyền. Cũng là trò chơi nhưng mang tính chất ăn thua thì tổ chức ở cạnh đình; đó là cò quay, tôm cá, xóc đĩa, tài sửu, ném vòng.

Tuy nhiên, sau khi dẫn tôi đi thăm thú các nơi, ông anh tôi ghé tai tôi, bảo: Chưa đến lúc cậu bị choáng đâu! Và tôi đã giật mình tự hỏi: Cái gì mà tôi bị choáng? Cuối cùng thì cái giây phút chờ đợi của tôi và ông bác tôi đã tới! Ngả trưa. Ngoài đường, người từ đâu bỗng dồn ứ tới. Đây là lúc các giáp, các chi mang cỗ lên đình. Cỗ là cỗ chay bày bàn, không nấu bầy bát, vì sợ hai ngày sẽ thiu ôi. Mỗi mâm cỗ đặt một tầng. Hợp tất cả lại thành một kiệu cỗ bảy tầng. Bảy tầng tượng trưng cho bảy giáp của làng. Bảy bàn chồng lên nhau, mỗi bàn cao ba mươi săng ti mét, ngang sáu mươi lăm săng ti mét, rộng năm mươi săng ti mét.

- Cậu để ý xem. Tầng 1, con lợn quay. Tầng 2, mâm xôi con gà sống thiến. Tầng 3, các loại giò chả. Tầng 4, các loại bánh trái như: bánh xu xê, bánh mảnh cộng, bánh cốm, bánh bàng, bánh gừng, bánh nhện. Tầng 5, các trái quả. Tầng 6, hoa bày đĩa cùng trầu têm cánh phượng. Tầng 7, các tranh vẽ các điển tích như: Tam Anh chiến Lã Bố, Võ Tòng đả hổ...

Hội tan. Tiễn tôi ra cổng làng, ông bác tôi nắm tay tôi liến thoắng một hồi. Rồi kết luận:

- Cậu yên tâm đi! Có cảm hứng rồi. Một tháng nữa cậu sẽ nhận được bản thảo cuốn Lịch sử làng của tôi.

*

Cảm hứng! Ông anh họ tôi đã có nó như buồm đã có gió. Vậy thì tôi chắc mẩm chỉ ít hôm nữa thôi là những trang bản thảo Lịch sử làng tôi do ông viết đã có trong tay tôi rồi. Tiếc thay, sự thật lại không phải như thế. Năm lần bảy lượt tôi gọi điện cho ông, tôi chỉ nhận được câu trả lời ừ hữ và sau cùng là lời khất lần.

- Thú thật với cậu là tôi đã tự lừa dối mình mà không biết!

Rốt cuộc đó là lời thú nhận của ông. Ông chưa hề viết được chữ nào trong mấy trăm trang bản thảo mới có dự định trong đầu. Vì sao vậy? Vì nguồn cảm hứng tưởng đã đến mà hóa ra chưa đến.

- Cậu Khang ơi! Tất nhiên, làng mình không phải đất giầu có. Như cái làng Diễn Tháp ở Kinh Bắc, chỉ buôn bán đồng nát và trăm thứ bà dằn, thượng vàng hạ cám mà có cả trăm tỷ phú. Cũng không phải đất học, không phải đất khoa bảng. Như cái làng Quỳnh Đôi xứ Nghệ: Làng ta khoa bảng thật nhiều. Như cây trên núi, như diều trên không.

Ngừng một lát, ông anh họ tôi tiếp, giọng bỗng chuyển sang ngào ngạt khác thường:

- Buồn lắm cậu ạ. Và xem ra dân làng mình cũng ít công trạng với non sông, đất nước này. Trong khi đó, cậu biết không, làng Kim Phương bên cạnh mình, xưa có một ông Nghè, một ông Cống, còn tiến sĩ, văn nghệ sĩ, giáo sư bây giờ họ có đến cả chục. Lại có cả một ông bộ trưởng. Kháng chiến chống Pháp có một anh hùng. Kháng chiến chống Mỹ có năm dũng sĩ. Còn làng mình đàn ông chỉ có nghề cắt tóc dạo, đàn bà thì chỉ biết trồng rau muống. Danh nhân chẳng có lấy một mống! Còn học vị? Cao nhất chỉ là ông Công dạy tiểu học, năm 1968, đi dạy ở Ănggôla hai năm. Chưa kể, nói về mặt tiêu cực thì nổi danh ở làng mình còn là đội sếp Cương, sếp bốt patidăng thời Tây tạm chiếm, nổi tiếng gian ác, được Tây thưởng Bắc đẩu bội tinh, giờ 90 tuổi vẫn được Tây cho ăn lương.

Nói câu cuối cùng, ông anh họ tôi thở hắt ra và nỗi thất vọng từ ông lan truyền ngay lập tức sang tôi. Tôi ngắt máy. Và hiểu rằng, một dự định, một hào hứng thế là đã tiêu tan!

Nhưng, may thay một lần nữa tôi lại nhầm. Nửa tháng sau, không thể tưởng tượng nổi, một cú điện thoại đột ngột reo vang trong buồng tôi và tôi nhận ngay ra ở đầu dây đằng kia là tiếng nói hổn hển lấp trong hơi thở của ông anh họ tôi:

- Cậu Khang ơi! Cậu có biết câu thơ này là của ai không? Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời/ Mỗi số phận mang một phần lịch sử. Của ông nhà thơ Nga Evghêni

Eptushenko đấy!

- Anh nói thế để làm gì em chưa hiểu.

- Thế thì thế này. Tôi đã tìm được năm người đáng gọi là danh nhân làng ta rồi! Ông Bường! Chú có nhớ ông Bường lưng gù gù ở xóm Đầm đi cắt tóc dong ở mấy làng bên Vọng không? Năm 1944, thời tiền khởi nghĩa mùa thu năm 1945, chính ông đã để truyền đơn Việt Minh trong hòm đựng đồ cắt tóc của ông, rồi đi phân phát cho các cơ sở trong thành phố, cậu ạ. Ông Bường bảo cùng hoạt động trong tổ Việt Minh với ông có 4 ông nữa, trong đó có cả ông thân sinh ra cậu. Hiện còn sống thì có ông Khiền có cửa hàng bán giò đứng tên cháu nội là Liễn ở phố 345. Giờ, anh còn đi xác minh một tin quan trọng nữa cơ. Mình có ba dũng sĩ diệt Mỹ và một liệt sỹ có tên tuổi hẳn hoi, công tích có ghi ở Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo kia. Còn hồi chống Mỹ có ông Trung là sư trưởng tên lửa bắn rơi B52 ở Vĩnh Linh, được phong anh hùng nữa cơ! Ông Trung là người xóm Đầm, con trai bà Cả Quế đó, cậu có nhớ không? Núi Thái Sơn ở ngay trước mặt mà không trông thấy, có chết cha không!

Chao ôi! Cuối cùng thì nỗi ngậm ngùi trong ông anh họ tôi và trong tôi nữa về sự thiếu vắng danh nhân đã được giải tỏa. Danh nhân, đó là ánh hào quang, là niềm tự hào khích lệ vô giá, là điểm tựa cho con người hôm nay. Danh nhân, linh hồn bất tử của làng quê ta! Ra là vậy, nghèo gì thì nghèo chứ không thể nghèo các giá trị tinh thần!

“Thế hóa ra ba em cũng là người tham gia cách mạng từ hồi tiền khởi nghĩa...”. Ngây người, tôi lắp bắp không nói nên lời. Chỉ thấy trong tai đang đầy ặp tiếng reo rổn rảng như thác đổ tràn đầy hứng khởi lặp đi lặp lại của ông anh tôi:

- Có hứng rồi. Lời hứa như đinh đóng cột đây! Một tháng nữa, tôi sẽ viết xong bản thảo và cậu chuẩn bị tinh thần đọc nhé!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast