Ngành CNTT từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH trên địa bàn

Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 58/CT-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT), phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 60 CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo, ngành CNTT Hà Tĩnh đã có sự phát triển đáng ghi nhận, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển CNH - HĐH trên địa bàn.

Đến nay, môi trường cho ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn Hà Tĩnh đã từng bước hoàn thiện, các văn bản pháp lý ngày càng đầy đủ, toàn diện, nhất là trong phát triển hạ tầng, trong đào tạo, thu hút cán bộ, thi đua khen thưởng; trong ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước.

Hạ tầng CNTT Hà Tĩnh đã có bước nhảy vọt, quá trình đầu tư xây dựng hệ thống mạng viễn thông thế hệ mới, Internet, đường truyền chuyên dụng đã thực sự đẩy nhanh quá trình ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn. Cơ bản hạ tầng thông tin chung của tỉnh đã đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân. Mạng truyền dẫn cáp quang nội tỉnh tăng 3,43 lần so với năm 2005, đã kết nối đến 248/262 xã phường thị trấn; trên 1.000 trạm BTS (năm 2005 có 64 trạm) phủ sóng di động (kể cả 3G) đến hầu hết các khu dân cư.

Nhờ ứng dụng có hiệu quả CNTT, ngành BHXH Hà Tĩnh là một trong những đơn vị luôn giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính. Ảnh: MH
Nhờ ứng dụng có hiệu quả CNTT, ngành BHXH Hà Tĩnh là một trong những đơn vị luôn giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính. Ảnh: MH

Theo điều tra, đến tháng 6/2010 trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh có 154 ngàn máy điện thoại cố định, đạt mật độ 12 máy/100 dân; 515.382 người sử dụng điện thoại di động, đạt 39% dân số (năm 2005 là 9,3 máy/100dân). Internet đến 100% xã, phường, thị trấn, mật độ thuê bao đạt 2,7 thuê bao/100 dân (năm 2005 chủ yếu kết nối dial-up, qua đường điện thoại). Trung bình các chỉ tiêu Viễn thông đều đạt cao, riêng mật độ Internet tăng trên 55 lần.

Ngoài việc các đơn vị hành chính đã có sự đầu tư có chiều sâu về CNTT thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ như: Tổng công ty Khoáng sản, Công ty Điện lực Hà Tĩnh, Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh, Công ty Sách và Thiết bị trường học, Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh… 90% cán bộ văn phòng từ tổng công ty đến các chi nhánh, các cơ sở trực thuộc được trang bị máy tính, có hệ thống máy chủ phục vụ quản lý hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu giao dịch hàng ngày.

Các doanh nghiệp khác đã đầu tư máy tính, mạng, kết nối internet phục vụ sản xuất, kinh doanh, bước đầu có những chuyển biến trong nhận thức cũng như hiệu quả. Đặc biệt, trong cộng đồng dân cư đã có trên 22.000 máy tính phục vụ học tập, nghiên cứu và thông tin internet, đạt mật độ 6,8 máy/100 hộ gia đình. Đây là cơ sở để tiến tới xây dựng các tiêu chí về internet trong thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Hà Tĩnh đã phổ cập tin học đến 98% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, 84% cán bộ, công chức cấp huyện và gần 27% cán bộ cấp xã, phường (riêng năm 2010 đào tạo tập huấn cho trên 600 lượt CBCC từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn). 100% sở ban ngành, các huyện thị thành có cán bộ được đào tạo về quản trị mạng và lãnh đạo được bồi dưỡng kiến thức về lãnh đạo thông tin - CIO. Riêng Trường Đại học Hà Tĩnh đã có Khoa đào tạo Cử nhân CNTT (50 cử nhân/năm), 1 trường Cao đẳng nghề có đào tạo CNTT và 2 Trung tâm đào tạo kỹ thuật viên CNTT (Thuộc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ Miền trung và Công ty Cổ phần sách và Thiết bị trường học) cùng với nhiều cơ sở đào tạo tin học cơ bản

Trong cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện (bao gồm UBND cấp huyện, các cơ quan thuộc UBND tỉnh), 100% các đơn vị đã ứng dụng đồng bộ, hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý tài chính; 80% sở, ban, ngành, 50% đơn vị cấp huyện đã ứng dụng thành công phần mềm quản lý văn bản và điều tác nghiệp trực tuyến (Văn phòng điện tử di động). So với năm 2005, các doanh nghiệp SXKD chuyên ngành về CNTT có tăng nhiều về số lượng (60/20) và quy mô...

Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực CNTT có nhiều chuyển biến tích cực, cơ quan chuyên trách ngày càng thể hiện rõ vai trò, vị trí trong quá trình thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn.

Thời gian tiếp theo, CNTT Hà Tĩnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 58 CT/TW của Bộ Chính trị; không ngừng đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong mọi lĩnh vực; chăm lo nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư; hiện đại hóa hạ tầng CNTT-TT; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; xây dựng thành công Chính quyền điện tử và sự nghiệp CNH - HĐH trên địa bàn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast