Cha chồng

(Baohatinh.vn) - Em sống với cha chồng từ ngày cưới Thảnh. Thảnh là kĩ sư xây dựng, sống xa vợ hàng ngàn cây số. Quanh năm, anh ấy đi theo công trình, thường là vùng đồng bào ít người sinh sống, con gái đẹp nhưng lành, không nói chuyện có duyên như em.

Thảnh rất chịu khó nghe em nói. Những lần về phép, hai đứa trùm chăn rủ rỉ những chuyện không đâu. Nhưng, xoay đi xoay lại, cuối cùng cũng trở về với đề tài người đàn ông thứ hai trong căn nhà đó. Thảnh thường im lặng. Nhìn khuôn mặt không vui của Thảnh, em biết Thảnh rất khó xử.

Dăm ba tuần phép, Thảnh đi. Em trở về với cuộc sống thường nhật, buồn thiu thắt.

Minh họa của Huy Tùng
Minh họa của Huy Tùng

Cha chồng là cán bộ huyện nghỉ hưu. Một thời thét ra lửa nhưng của nả chẳng có gì ngoài căn nhà khá rộng rãi. Em về làm dâu, cha chồng viết ngay hai câu đối treo trước phòng khách, đại loại em là ngọn lửa giữ ấm cho nhà chồng. Em cúi đầu cười mỉm. Nụ cười chấp chới, lả tả rơi như cánh chim nghiêng của thời con gái. Đêm tân hôn, Thảnh say. Anh ấy úp mặt vào lưng em, ngủ mê mệt. Trong giấc ngủ khó nhọc nhưng say sưa ấy, Thảnh như đứa trẻ đã được bú mớm no nê. Cảm giác bình yên nồng nàn trên hàng mi cong rợp của Thảnh.

Đêm ấy, cái đêm mà em đã ngồi dậy hàng chục lần, đã chuồi người thoát khỏi bàn tay Thảnh, giận dỗi nằm ép mình dưới góc giường, em nhận ra bầu trời đen vần vũ. Em không như Thảnh. Trời ạ, giá mà em sống được giản đơn như Thảnh. Nếu Thảnh là em, những ngày mới của cuộc đời sẽ là mưa xuân ấm áp. Đã có lần em nửa đùa nửa thật nói với Thảnh, em chỉ yêu mình Thảnh. Giá mà…Lần ấy, em chưa nói hết câu. May mà em đã kịp dừng lại.

Em dậy sớm nấu nướng. Thú thực, đây là lần đầu tiên em làm công việc này. Bữa ăn sáng cho ngày “ra mắt” đầu tiên khá hoàn hảo vì có ba sự lựa chọn trên bàn ăn. Mỗi người lại được pha sẵn một ly sữa nóng. Khi ngồi vào bàn, em lễ phép:

- Dạ, thưa cha, cha ngủ ngon chứ ạ!

Cha chồng kiệm lời, gật đầu nhẹ rồi ăn hết khẩu phần của mình. Em cũng không dám nói gì, đưa mắt ý tứ nhìn Thảnh. Nhưng, có lẽ Thảnh đã quen với không khí này nên không để ý đến thái độ của em.

Ăn sáng xong, cha chồng gọi em lại, giọng thoảng:

- Mì trộn không nát nhưng hơi cay và mặn. Người già như cha không nên ăn nhiều muối, con chú ý để lần sau nấu vừa hơn. Sáng dậy, không gian yên tĩnh, nhà mình lại nuôi nhiều chim nên con cần phải đi đứng nhẹ nhàng. Sáng nay, con kéo dép loẹt quẹt làm cả nhà thức giấc. Con phải chú ý học dần.

Em là đứa con gái bướng bỉnh. Mọi cái phải để em tự làm, em không thích người khác bảo em phải thế này, thế kia. Câu nói của cha chồng vào ngày đầu tiên em làm dâu đẩy em vào thế phòng thủ. Trước khi làm việc gì, em cũng giật bắn mình. Có thể sau khoảng thời gian tính toán, em lại làm như em muốn, nhưng thú thực là em khó chịu vô cùng.

Nửa tháng sau ngày cưới, Thảnh đi. Anh ấy phải bù phép cho những ngày cần cự li và cường độ để “cưa” đổ em. Trong căn nhà ấy, chỉ còn em và cha chồng. Nơi em sống um tùm cây cối, xanh mướt vào mùa hè nhưng âm u những ngày mưa. Đến bảy giờ hơn, nhà nào nhà nấy tắt đèn đi ngủ. Hàng đêm, em chong đèn, mắt nhìn ra khoảng trời đêm hoang hoải. Bóng trăng nhòe tướp táp, bóng trăng gãy vỡ trên tán cây long não ướp hương trước thềm nhà. Em phải đóng chặt cửa. Ánh trăng lạnh lùng loe theo ngăn vách, hắt những ánh sáng vàng lợt lên tường nhà. Sao ngày xưa em lại có thể mơ màng theo ánh trăng? Tiếng đàn ghi-ta bập bùng và ánh trăng đêm đã khiến trái tim em mơ màng, thổn thức. Vậy mà, bây giờ em lại sợ. Em đè mình trên trang giấy, trải lòng với Thảnh. Anh ấy gọi điện về, thời buổi bây giờ ai còn bày đặt thư từ. Thảnh mong em sống tốt, chờ ngày Thảnh xin được về gần.

Thì anh ơi, em vẫn sống tốt đấy thôi. Sáng nào em cũng dậy sớm nấu ăn sáng theo thực đơn. Món ăn nấu hơi đặm, em để riêng cho mình. Em đi lại rón rén, chân trần vào mùa hè và chân tất vào mùa đông. Sáng, trưa, tối đều đặn nấu cơm, chưa lần nào đứt bữa, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ. Khách khứa đến nhà, bất luận là đang làm việc gì cũng phải ra pha trà, ngồi yên để cha chồng giới thiệu em với khách. Có những vị khách đến thường xuyên, nghe mỏi tai lời giới thiệu. Khi em ý tứ ngồi ghé bên mép ghế, các cụ nói đỡ:

- Con dâu nhà ông gia phép không ai bằng! Thôi, cháu vào trong cơm nước đi.

Em lặng lẽ rút lui. Chống cằm trong căn phòng ngăn nắp nhưng thiếu hơi ấm của đàn ông, nước mắt em rơi nhòe trang sách. Ngoài kia, sầu đông ào ào trút lá.

Lại một mùa đông nhàu nhĩ, tê tái rũ áo trong lối ngõ dài hun hút!

* *

*

Không mấy khi em lên giường trước mười giờ. Nhưng hai cha con bao giờ cũng ăn tối khi ánh nắng còn chếch trên mé núi. Người già ngủ sớm. Em phải chiều theo thói quen của cha chồng. Bữa ăn nào cũng nhạt thếch. Hai người khác giới tính, không cùng máu mủ, lại thuộc hai thế hệ, khác nhau về quan điểm. Suốt bữa ăn, em cúi mặt vào bát, chan canh rồi cố nuốt. Ngày mới về làm dâu, em ý tứ gắp miếng ngon cho cha chồng. Nhưng ông ấy trả lại, bảo rằng, làm thế mất vệ sinh… Ấy thế mà thành quen. Ngày Thảnh về, bữa ăn cũng nhạt thênh thếch. Khi chỉ có hai vợ chồng, Thảnh nói, anh không muốn làm cha chạnh lòng. Ông đã sống cảnh “gà trống nuôi con” gần bốn mươi năm. Đàn bà đối với ông đều bạc, kể cả khi ông có chức quyền, địa vị.

Năm thứ ba em về làm dâu, cha chồng dẫn về một cô gái. Khuôn mặt rám nắng, đôi mắt to tròn nhưng chậm chạp. Hai người phụ nữ tuổi không hơn nhau là mấy ngồi đối diện nhau trên chiếc bàn giả mây đặt giữa nhà. Em nhìn cô ấy bằng ánh mắt thương hại.

- Chị thương ông ấy thật lòng chứ?

Thảnh hỏi. Giọng nhẹ như sương. Con người Thảnh cũng thật lạ, không bao giờ bày tỏ hết trạng thái cảm xúc trong con người mình. Em thì khác. Em không quan tâm đến việc hai người họ có gì với nhau không, em chỉ biết một sự thực là nếu người đàn bà đó đến thì người ra đi sẽ là em.

Em ở lại. Như một chiến tích. Nhưng cuộc sống của em hàng ngày, hàng giờ u buồn như cánh hoa sầu đông nhạt tím rớt bên mé cửa. Cha chồng lặng lẽ nuốt không khí với những điếu xì gà to như ngón chân cái. Em liên tưởng đến Thảnh. Khi anh ấy về với em, khi em có anh ấy trong căn nhà rợp lá xanh, Thảnh đã kịp trở thành người đàn ông ngày ngày nuốt không khí… Em thương mình hay Thảnh? Như hoa sầu đông nở tím trời sau những ngày vật vã trút lá, hay lặng lẽ trút lá sau những ngày bừng xuân sắc!!! Em không dám để cho những ý nghĩ trong đầu mình tự do tung tẩy.

Cha chồng ngày một yếu đi. Xì gà ông châm nhưng không dám hút. Bác sĩ nói, phổi của ông đã có những chấm đen. Ngày ngày, cha chồng im lặng ngồi ngắm những cây sầu đông, ngắm những nụ hoa tím bời bời trong màu xanh ngộp mắt. Và nuốt khí trời có mùi thơm nồng nã.

Em nhìn bức ảnh phóng to ở giữa nhà rồi lén mắt nhìn thân hình già nua, ốm yếu của cha chồng trong ánh nắng vàng võ. Đó là một bức ảnh đẹp. Ánh sáng và đường ven nửa khuôn mặt được người chụp trau chuốt, làm cho bức ảnh bừng sáng và đôi mắt người con trai rất có hồn. Quả thực, người con trai trong bức ảnh đó rất quyến rũ. Nụ cười bờn bợn, như sương giăng, như khói phủ… Nụ cười làm cho kẻ đối diện phải ngậm ngùi, tiếc nuối.

Người trong ảnh hàng ngày ngồi nhìn nắng mưa xiên rớt. Ông không còn đủ sức để lật hết một tờ báo. Nhưng cuốn phim cuộc đời vẫn chậm chạp quay trong đầu ông. Em sợ, rất sợ những chiều bóng nắng chảy xuội qua kẽ lá, tiếng ve sầu râm ran và bóng cha chồng ngồi bất động trước thềm nhà. Những mối tình sâu nặng làm ông bần thần thương nhớ hay những kẻ bạc tình làm ông đau? Em thường ra khỏi nhà rất sớm, đến cơ quan khi mới có mặt nhân viên bảo vệ. Em phát hiện ra không khí ở bên ngoài khác xa nơi đặt giường cưới của em và Thảnh. Dần dà, em tìm được cho mình những niềm vui mới. Em vất vào tủ lạnh những thức ăn mua sẵn, em mua nồi hẹn giờ, mua lò vi sóng. Bữa ăn của em và bố chồng trở nên đơn giản. Em ra khỏi nhà bằng lời chào nhẹ tênh: “Thưa cha, con đi”. Em đi đến tối mịt. Cha chồng quay mặt vào tường khi em dọn cơm lên bàn. Ông ấy ngủ khi chưa ăn tối. Rồi em quen. Em mặc kệ sự giận dỗi của người đàn ông là cha của Thảnh. Nhưng em cũng biết rút kinh nghiệm. Em nấu sẵn cơm nước cả ngày cho cha chồng. Nhìn cơm vơi trong nồi điện, em biết ông ấy không đói.

Em không sống tốt được như lời nhắn qua điện thoại của Thảnh bởi em biết mình sắp hóa điên. Làm sao em có thể sống khi nhìn trời bằng một vuông cửa sổ tím hoang hoải màu sầu đông? Thảnh nói, anh không thích con gái xinh nhưng ăn nói vụng về. Nhưng mà Thảnh ơi, gái bản bây giờ không còn như trước… Váy xòe xuống chợ bằng lưng cong và xe máy chạy tung trời. Em không tin Thảnh từ chối chum rượu gái bản rót từ vòi tre chuốt kĩ. Mà Thảnh đã uống rồi là phải uống nữa…

Đó là em nghĩ thế. Thảnh cười hiền lành, dụi dụi đầu húi cua vào ngực em như người biết lỗi. Thời gian là chú ngựa đã thắng yên cương. Em nhìn cha chồng mà ngân ngấn nước thương Thảnh. Dù gì ông ấy cũng từng là quan chức, mùi vị cuộc đời ít nhiều đã được nếm. Còn Thảnh, biền biệt giữa núi rừng, có máy định vị cũng không xác định được đâu là nơi vợ con mình đang sống. Tuổi già xồng xộc sau lưng. Khi anh ấy về với em, khi em có anh ấy trong căn nhà rợp lá xanh, Thảnh đã kịp trở thành người đàn ông ngày ngày nuốt không khí!!!

Ngày Thảnh về phép, cha chồng kêu người đến làm cơm, mời bằng hết cháu chắt họ tộc… Em thấy ngờm ngợp. Đúng là có tật không thể không giật mình. Nhưng ngoài dự đoán của em, cha chồng tự tay khui rượu ngoại, nhón chén bằng hai ngón tay, chun miệng uống như một kẻ trai chính hiệu. Chưa bao giờ em bắt gặp hình ảnh trẻ trung, tươi mới của người đàn ông đã ngoài tám mươi như giây phút này. Ngoài vườn, sầu đông nở, tím rưng rức một góc trời.

Sau bữa tiệc, cha chồng đổ bệnh. Niềm vui bí mật thái quá cùng những chum rượu ngoại khiến ông không thể đi lại được. Em bị cột chân vào ba gian nhà mái bằng, trần ốp gỗ mít. Bây giờ em trở thành “ôsin” thực thụ. Em nuối tiếc những ngày nhìn bóng cha chồng ngồi bất động trên bộ bàn ghế giả mây. Điếu xì gà to châm nhưng không hút, khói thuốc hăng hắc len cả vào mái tóc già khô gãy. Ít ra, ngôi nhà vẫn còn sự sống.

Thảnh cắt phép. Rồi xin nghỉ không lương. Sáng sáng, em ra khỏi nhà với lỉnh kỉnh thứ cần mua. Thảnh tất bật với việc tắm rửa, nấu nướng, bón đút cho cha. Thằng con trai bốn tuổi của vợ chồng em lặng lẽ quan sát. Nó ngồi bó gối như ông cụ non. Rồi nó chạy theo em, lý nhí: “Con thương nội quá. Sao người ta lại phải già mẹ nhỉ?”. Em không trả lời. Em đang mải nghĩ, nếu mình có bệnh, Thảnh có chăm em như cha của Thảnh không? Ừ, em biết, đừng bao giờ so sánh, đừng bao giờ

cự nự về điều đó. Đàn ông sẵn sàng vứt toẹt vào mặt: “Cô ấy à, cứ thử đắp chăn nằm đấy xem…”.

Cha chồng em không qua khỏi. Ông đi nhẹ nhàng như cánh sầu đông nhạt màu rớt bên hiên vắng. Em và Thảnh mặc áo xô trắng, trùm mặt cũng bằng vải thô màu trắng. Thảnh khóc như đứa trẻ. Em rân rấn nước nhưng không thể chuồi ra ngoài. Cúng ba ngày cho cha, Thảnh uống rượu cho đỡ buồn hay Thảnh thèm nó thì em không biết, nhưng em đếm kĩ, bao giờ anh ấy cũng uống chén chẵn. Tự nhiên em thấy ngờ ngợ, lo lo. Gái bản không cho trai uống rượu không chẵn bao giờ. Em nhìn vào mắt Thảnh. Đôi mắt với hàng mi cong rợp sao thấy vời vợi cách xa. Em ấp mặt vào ngực Thảnh, nhịp đập con tim Thảnh sao nghe bình yên như dòng sông mùa hạ!!!

Thảnh đi. Dù em đã tìm mọi cách giữ Thảnh. Anh ấy nói với em rằng, công trình đang còn dang dở. Em hỏi, phải bao nhiêu nữa bọn anh mới hoàn thành? Thảnh cúi đầu không đáp. Trong dáng đi vội vã của Thảnh, em biết công trình của Thảnh không bao giờ xong. Đó là một buổi chiều nhàu nhĩ, sầu đông trút lá đầy cả một khoảng sân. Khói hương từ bàn thờ cha chồng luẩn quẩn ở góc vắng, nơi ngày trước ông ấy thường để xì gà. Em như cánh chim nghiêng rớt. Như cành sầu đông nở tím bời, quăng mình hoang hoải trong buổi chiều nhớt nhát.

Cây sầu đông mé cửa gãy ngang thân khi trời không có gió. Thân cây rỗng ruột, cành trơ trụi, không lá, trông xác xơ như rong rều mùa lũ. Em luẩn quẩn với nhang bàn, ngày ba bữa chắp tay trước ngực… Cha chồng lướt gió nhẹ tênh, khói xì gà bợn trong màu nắng u u. Ông chỉ tay vào đôi câu đối. Em bần thần soi mắt mình qua khung cửa có mầm cây sầu đông vươn lộc.

Nơi công trình đang thi công dang dở, Thảnh không nhìn thấy dáng em đã chúi về phía trước!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast