Ru giấc ngàn năm

Quả đồi cao khá rộng. Áy vàng cỏ tranh lơ thơ. Hoàng hôn thoi thóp. Không gian sặc mùi thuốc súng. Chiến cụ ngổn ngang. Lô cốt đắp bằng bao cát lầm lỳ. Hàng rào kẽm gai tơi tả. Đây đó bao đạn, mũ sắt chỏng chơ. Anh dẫn tôi xuôi theo một con đường mấy giờ trước các anh cắt hàng rào đánh lên. Không theo con đường xoắn ốc lưng đồi. Hẳn anh sợ gặp mìn.

Cuối cùng, tôi cất công đi tìm. Dù biết anh giờ như bóng chim tăm cá, giữa chốn mưu sinh nhọc nhằn và rộng lớn của cõi người. Nhưng tôi không thể nấn ná thêm nữa. Cảm giác có lỗi. Cảm giác mắc nợ. Không rõ hình hài, như sợi khói, lúc có lúc không, cứ vương vất đâu đó trong sâu thẳm cõi lòng. Không thể vui yên...

Nói của đáng tội, đã mấy lần tôi nhắm mắt, gạt bỏ ý định tìm anh. Chôn vùi nó, như chôn vùi một xác chết đã khô quắt. Bởi giờ đây, anh có là gì nữa đâu trên con đường thăng tiến thơ thới của tôi? Và có ai hay biết về cái giây khắc định mệnh giữa anh và tôi ở quả đồi ấy? Tất cả đều nằm trong bí mật. Chỉ có tôi biết, anh biết. Và bầu trời mặt trận chiều hôm đen nhẻm, lem luốc khói súng chứng giám. Nhưng cũng vì thế, mà không ai cứu được anh. Giá anh đừng báo cáo lên thượng cấp, có hơn không? Lại thêm cái sự vô tình đèo bòng người con gái ấy, anh thành người bỏ đi!

Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nhưng không thể. Sự cố gắng tạo dựng vô tình đã thất bại. Mọi nơi mọi lúc. Đang ngon giấc giữa khuya, sực tỉnh. Đang hùng hồn trước công chúng, chợt nhói lên. Đang bù khú trong hơi men, bỗng đắng ngắt. Thậm chí đang mê mụ bên con bồ trẻ, chợt bay biến cả cảm hứng. Thảy nhạt nhẽo. Thảy vô ý nghĩa. Cái họng súng như con mắt đen ngòm. Và ngón tay anh đặt vào cò súng, lạnh toát mồ hôi. Ớn áy cả sống lưng...

Lúc đó, chiến trường chỉ còn lại hai người. Hai thằng Việt. Ở hai chiến tuyến. Mặt xáp mặt trong gang tấc. Tôi vừa nặng nhọc gạt mấy xác chết của chiến hữu, ngóc đầu nhỏm dậy, đã chạm ngay nòng súng lạnh tanh của anh. Hình như anh cũng vừa thoát chết. Mặt mũi lấm lem khói đạn. Hốc hác. Quân phục bươm bã. Một vết thương ở dưới bả vai, băng bó vội vàng. Máu rỉ ướt cả nách áo. Nhưng đôi mắt và họng súng thì như nhau. Xoáy xiết vào tim, xoáy xiết cân não khiến đối phương rụ rẫn. Tôi cầm chắc cái chết. Tôi đinh ninh cái chết. Chiến trận mà! Chúng ta có mặt ở đây là để giết nhau. Anh không giết tôi thì tôi giết anh. Đơn giản vậy thôi!

Nhưng bóng hòa bình ở đâu đã kịp lấp ló giữa hai người. Hình như chúng tôi vừa thoáng nhận ra nhau. Hai thằng chăn bò ở hai làng cách nhau một con hói. Mùa hạ nước đục như nước vo gạo, nhưng đó là nơi say mê của lũ trẻ hai làng. Một vùng quê hùn hụt gió lào. Miên man nắng nổi. Hạt lúa lép. Củ khoai gầy. Mùa màng lưng lẻo. Chiến tranh rền rĩ đạn bom. Xác người và xác đạn vung vãi ruộng đồng. Mười bảy tuổi anh kịp nhảy núi, theo Giải phóng. Tôi bị gom vào lính Cộng hòa. Bấy giờ đã tuổi xấp xỉ ba mươi. Tôi một vợ hai con bé dại. Anh có lẽ chưa kịp lập gia đình. Lính Giải phóng thường hẹn nhau ngày thống nhất đất nước.

Mùa hạ năm 1973. Mặt trận ở thế cài răng lược. Thế da báo. Hai bên xen kẽ trong nhau. Nhìn nhau, một mắt hoãn hòa. Mắt kia gườm goặc. Cảnh giác. Nói to bảo vệ Hiệp định Paris, ngừng bắn. Đầu óc ngún khói. Đêm đêm, thi nhau bí mật đánh úp chiếm đất, cắm cờ. Lúc đó, lính Mỹ đã cuốn gói. Lính Cộng hòa mất kẻ chống lưng. Nếu còn Mỹ, tôi và anh không thể có thời gian đối diện nhau sau trận đánh thế này. Bởi lập tức, Mỹ cho giội ngay cơn mưa đạn phi pháo nhằm phi tang!

Eng đừng bắn, tôi liều mạng nói, út còn vợ và hai con nhỏ dại. Tôi cố nói tiếng địa phương chúng tôi, cốt gợi chút tình bờ tre xóm mạc, hàng giậu mái tranh, lửa đèn gần gụi, tình nghĩa làng quê cố kết bền chặt để anh khoan lẩy cò khẩu AK trong tay. Dù hai thằng bằng tuổi nhau, nhưng anh là quân Giải phóng, giờ anh đang thế thắng, tôi phải nhún nhường xưng hô eng, út. Đứng dậy! Hai tay chắp sau ót! Bước! Tiếng anh sắc và đanh. Mũi súng vẩy qua mặt tôi, uy lực. Tôi run rẩy đứng lên. Đầu gối chợt mấy lần khuỵu xuống. Người cơ hồ tan chảy. Không xương sống. Cuối cùng loạng choạng bước.

Mình sẽ chết như thế này sao? Không hẳn giữa chiến trận bom rơi đạn lạc. Không hẳn trên pháp trường… Tôi đã liếc mắt ngó lui. Anh bước đi tập tễnh. Một vai lệch trông rất yếu. Óc tôi đã có lúc lóe lên. Tim đập dội muốn vỡ ngực. Máu dồn lên óc. Choáng váng. Hay mình quay ngoắt bất ngờ giằng lấy khẩu súng trong tay anh? Chưa biết mèo nào cắn cổ mỉu nào. Đằng nào cũng chết!

Nhưng ý nghĩ tắt lịm ngay. Ý chí xẹp như con gián. Nghe nói, quân Giải phóng đánh giáp lá cà khiếp lắm. Bọn Mẽo còn chờn. Chớ vuốt râu hùm!

Quả đồi cao khá rộng. Áy vàng cỏ tranh lơ thơ. Hoàng hôn thoi thóp. Không gian sặc mùi thuốc súng. Chiến cụ ngổn ngang. Lô cốt đắp bằng bao cát lầm lỳ. Hàng rào kẽm gai tơi tả. Đây đó bao đạn, mũ sắt chỏng chơ. Anh dẫn tôi xuôi theo một con đường mấy giờ trước các anh cắt hàng rào đánh lên. Không theo con đường xoắn ốc lưng đồi. Hẳn anh sợ gặp mìn.

Út lạy eng, tôi nói, khi đã đến chân đồi, và nom bộ anh cũng đã bớt căng thẳng. Bên eng thắng, hay bên út thắng, thì đều thống nhất nước nhà cả. Non sông đất Việt ta cũng về một cõi, hà tất phải giết nhau… Tiếng anh vẫn rắn rỏi. Và điềm tĩnh nữa. Việc sống chết, anh nói, đã có cách mạng xem xét. Chừ mi là tù binh. Hãy đi mau! Anh hất hàm theo một lối mòn quanh quất giữa vùng đồi nhấp nhô cỏ dại, ngập đến thắt lưng. Tôi, lòng đã nguôi ngoai cái chết tức thì. Liền mở miệng nằn nì. Eng không nổ súng giết út ngay, là phúc nhà út đang còn. Nhưng eng đưa út về nộp cho thượng cấp, thì cũng coi như út sẽ chết. Không đúng, anh nói, cách mạng giữ đúng luật tù binh trong chiến tranh. Không ai giết tù binh cả. Thấy anh chịu khó đối thoại, tôi lòng nhẹ nhõm đôi chút. Bạo miệng nói, cách mạng không giết út, nhưng sẽ giết cả gia đình út. Mi nói răng? Anh dừng bước, có vẻ sửng sốt. Tôi cũng dừng bước, và liếc anh, thẽ thọt phân bua. Vợ và hai con dại của út ai nuôi, cách mạng chắc? Anh như chợt ngớ ra. Vẻ tần ngần trên nét mặt. Tôi le lói niềm hy vọng. Lấn tới, nói, rứa đó, út mà ngồi một xó ngày mô, là vợ con chết đói ngày đó. Chi bằng, eng thương út, cho út trốn thoát... Hừm! Một âm thanh bật ra từ họng anh, tựa một tiếng thở dài, lại như là cái dặng hắng vô thức. Hay một phản ứng? Một phản ứng khó cắt nghĩa. Khó dò đoán. Là anh phản ứng sự bỏ trốn của tôi, hay phản ứng cái hoàn cảnh gia đình éo le của tôi? Tôi sợ anh nổi khùng. Nhưng mặt anh chợt chùng xuống. Đôi mắt thu vào trong. Đôi lông mày xô đẩy. Suy nghĩ níu giằng. Thời gian căng như dây đàn và dài vô tận. Khắc khoải. Đoạn, anh nói, thôi được, tha cho mi về! Tôi mừng húm. Nhưng anh đã nói thêm, không được quay lại cầm súng địch. Nhớ làm ăn lương thiện, nuôi vợ con, và ủng hộ cách mạng! Lời chắc nịch. Cái phần nói thêm của anh đã cùm tôi lại. Anh không ngờ tình huống này xảy ra. Tôi vẫn đứng lặng. Tay gãi tai. Mắt nhìn xuống đất. Anh trừng mắt, răng còn đứng đực ra đó, không chịu đi? Tôi nước mắt ứa ra, mếu máo thưa, làng ở trong ấp chiến lược. Ruộng đồng đầy bom mìn, hoang hóa từ lâu. Út biết bươi cào cách chi nuôi vợ con? Mà về đó, chúng chụp vô lính ngay tắp lự! Cái thằng! Anh nói, kẻ ăn mày đòi xôi sốt! Rứa mi muốn chi? Tôi liếc nhìn anh đầy lo sợ. Nhưng vẫn cố nói, cho út... quay về phía út. Hả? Không được! Anh quát, thà cho mi viên đạn! Tôi bật khóc tức tưởi, nói, út nuôi cả nhà bằng bộ áo lính này đây. Eng hiểu không? Cởi nó ra, là cả nhà chết đói!...

Nói được điều sâu kín nhất, tôi đứng lặng chờ phán quyết của anh. Và tôi chứng kiến sự dày vò đau đớn trong anh hiện trên nét mặt. Cái giây phút dài như thế kỷ. Nửa đời đánh giặc, anh đâu ngờ, sau lớp áo rằn ri kia, là những con người cầm súng vì đồng tiền bát gạo nuôi mẹ già con thơ vợ dại! Quyết định mạo hiểm đưa ra cuối cùng. Anh nói, thôi được! Nhưng tha cho mi, không phải vì hoàn cảnh riêng của mi, mà vì cách mạng. Mi quay lại đó, phải nhanh chóng trở thành đường dây bí mật của cách mạng. Phải bắt liên lạc với bên ta. Cung cấp sơ đồ bố phòng. Dẫn quân ta vào công đồn diệt bốt. Nhớ vận động nhiều anh em trong đó, để khi quân ta tấn công vào, đỡ tốn máu xương cả hai phía. Đó là con đường quay lại với cách mạng, giúp đỡ kháng chiến!

Tôi đã đi được mươi bước, quay lại, vẫn thấy anh đứng chôn chân chỗ cũ. Đảo mắt nhìn bốn phía đồng hoang. Quên cả chiến trận. Ánh nhìn tha thiết, thèm khát và mê muội. Không của người lính. Của người nông dân đang say đất và thương đất bị chiến tranh bức tử. Tôi muốn nói một câu chia sẻ nhưng lại sợ đánh động sự thiêng liêng, về đất đai mùa màng đang dào dạt trong anh, nên lại thôi...

Tôi đã làm được điều anh dặn. Thậm chí làm rất tốt. Tôi luôn là người lính Cộng hòa thoát chết trong các cứ điểm trước, về khu trú trong các cứ điểm sau. Cứ thế, theo “vết lông ngỗng” của tôi, quân ta đánh chiếm các cứ điểm địch thuận lợi. Cho đến khi toàn chiến trường Trị - Thiên giải phóng, tôi chỉ bị tập trung ít ngày, rồi được cho về quê. Không bị tập trung cải tạo cải huấn, như phần đông lính tráng Việt Nam Cộng hòa.

Tôi trở về với giấy chứng nhận có công với cách mạng, là cơ sở bí mật của cách mạng. Tôi ghé vào thành phố Huế vừa giải phóng, cắt tóc gội đầu, thay lại bộ đồ dân sự. Quần âu xanh lam, áo trắng, mũ phớt dệt bằng những sợi nhựa ni lông trắng đục, và dép râu bằng cao su đúc. Tôi ngẩng cao đầu về quê. Làng đã được giải phóng từ năm trước. Tôi vừa bước chân vô nhà, đã có hai dân quân mang súng ghé đến. Vợ con tôi chưa kịp mừng, đã xanh mắt. Mặt cắt không ra hạt máu. Hai dân quân xem giấy tôi rất kỹ, lật qua lật lại mấy lần. Đoạn bắt tay, nói, anh cừ lắm! Đến lúc đó, vợ tôi chợt òa khóc. Khóc rất to. Khóc nức khóc nở. Khóc không giữ gìn, ý tứ. Tôi mắng yêu, mình khóc chi bải hải bơ hơ! Hai dân quân cũng nói, chị đừng khóc, anh ấy đã tìm được cách mạng, lập công to. Vợ tôi vẫn khóc ngon lành. Khóc hả hê. Hẳn bao năm, cô ấy lo sốt vó. Sợ tôi không tránh khỏi gây nợ máu...

Tôi sốt sắng đi tìm anh, vị ân nhân của tôi, ngay chiều hôm đó. Là tôi muốn đến thăm ba mẹ anh, chứ hẳn anh đang mải miết theo đà tấn công thần tốc của quân ta vào giải phóng Sài Gòn. Nhưng tôi đã rơi vào tuyệt vọng! Cha mẹ anh bị đánh đập khảo tra liên miên, kể từ khi anh trốn theo Giải phóng, nhất là sau những trận tập kích ban đêm của quân ta vào các cứ điểm địch quanh vùng. Chúng nghi là anh đã dẫn quân về. Chỉ có anh mới thông thạo địa hình thế nớ. Không chịu nổi đòn thù, hai ông bà già đã lần lượt khuất núi. Ngôi nhà, chỉ còn lại nắm tro than trên nền đất nguội lạnh. Lan man cỏ gấu. Hèn chi, ở mặt trận, đôi mắt anh nhìn đối phương cứ như họng súng. Nghe nói năm trước anh có về. Lầm lì và mệt mỏi. Bị khai trừ Đảng, bị tước quân tịch, vì tự ý thả tù binh về đồn giặc. Chỉ thiếu nước ra tòa án binh!

Tôi thấy đau nhói như rơi xuống vực thẳm… Cảm thấy lỗi ở mình và tự hỏi, mình có cứu được anh không? Biết tìm anh ở đâu? Mãi mấy năm sau khi trở thành chủ tịch xã, tôi mới biết thêm chút ít qua một cán bộ huyện, trước ở cùng đơn vị với anh. Nhưng đó là một tin thêm buồn. Anh đã trượt dài. Số là, nghe nói khi đánh vào giải phóng Đông Hà năm 1972, anh gặp phải cô bé bị vùi lấp giữa tro bụi và khói súng. Mẹ cô bé đã chết giữa làn đạn giao tranh. Cô bé khoảng mười hai, mười ba tuổi. Dáng vẻ lam lũ, nhem nhuốc. Đôi mắt to thất thần. Anh định lao lên theo hướng súng, nhưng đã bị đôi mắt ấy ghìm lại. Anh xốc cô bé lên lưng, cõng chạy theo. Khi ra đến rìa thành phố, anh gặp một ngôi nhà nhỏ của một bà mẹ. Hình như làm nghề bán xôi. Mùi xôi trên bếp thoảng thơm. Bà vừa từ dưới hầm chui lên. Anh mừng quá, thưa: “Mạ ơi, con là quân Giải phóng. Mạ cho con gởi cháu bé lại đây. Thắng giặc, con quay trở lại...”

Anh đã quay lại đó sau ngày miền Nam giải phóng. Cô bé đã bước vào tuổi mười sáu. Bà cụ bán xôi đã nuôi dạy cô bé theo cách con gái nhà nghèo. Cô gái đã trọng vì nghĩa, mến vì đức của anh ngỏ lời trước. Nghe nói hai người đã cưới nhau vài năm sau đó. Họ thành con nuôi của bà cụ. Được bà thương như con đẻ bởi bà chỉ còn một mình. Chồng và con bà hoạt động du kích, đã lần lượt hy sinh hơn mười năm trước. Anh chị đã có một mụn con trai. Một tổ ấm hạnh phúc. Nhưng hóa ra, vợ anh là con rơi của viên trung tá ngụy khét tiếng ở vùng chiến thuật một xưa. Hắn ta di tản sang Mỹ, rồi thành Việt kiều yêu nước và quay về tìm được con gái, đưa qua bên kia. Nói là đi chơi ít tháng, nhưng đã mấy năm chị không thấy trở về. Bà cụ bán xôi, thoạt đầu thì phiền muộn, về sau thấy đau đớn. Một nỗi đau nhức nhối không gọi thành tên. Nó hành hạ tuổi già của bà, khi nhìn hai cha con anh chờ đợi mỏi mòn trong vô vọng. Đến nỗi bà héo hon mà qua đời. Anh, không ruộng đất, không nghề ngỗng, vốn đói rách, giờ thêm đói rách...

Tôi đã đi tìm anh theo phác họa của anh cán bộ huyện năm ấy. Tôi, sau bao năm bị cuốn vào guồng máy giành và giữ chút quyền lực quyền lợi của cán bộ đương thời, cái guồng máy vô hình và se siết, làm tê liệt cảm xúc, trơ lì tình nghĩa, giờ đây, khi sắp nghỉ, thấy có gì như xấu hổ. Như bội tín. Mỗi lần nhớ đến anh, nghĩ đến anh...

Tôi đã tìm được vị trí túp lều bà cụ bán xôi thuở ấy. Nhưng ở đó đã mọc lên một siêu thị lớn, cao đến gần chục tầng. Cha con anh, không biết trôi dạt về đâu? Tôi vẩn vơ một lúc ở các khu phố mới, khu tái định cư xung quanh, hy vọng có anh ở đó. Nhưng vẫn bặt vô âm tín. Tôi chán nản quay lại cái siêu thị to lớn kia, la cà hỏi mấy chú bảo vệ. Không ai biết anh. Nhưng tôi bị bên trong siêu thị thu hút. Bởi sự bóng lộn của hàng hóa, bởi hơi mát từ các máy điều hòa, và bởi người vào kẻ ra tấp nập. Ừ, thì vào xem một chút cho biết. Đời mình hết cuốn vào đánh nhau, lại cuốn vào cuộc chiến đói nghèo. Nào đã ngó một siêu thị hiện đại thế này đâu! Các cầu thang cuốn, nom hệt máng nước chảy, như nâng bổng bàn chân người. Trôi trong rừng hoa hàng hóa. Lóa mắt lóa mũi. Chẳng mấy phút tôi đã có mặt ở tầng trên cùng. Tường kính trong veo, nom rõ phố xá dưới chân và làng mạc ruộng đồng trải dài mênh mông. Cao xa kia là dãy Trường Sơn màu lam, ngổn ngang mây trắng. Thấp hơn là những triền đồi xanh màu lục, chạy tít mờ xa. Thốt nhiên, tôi như nhìn được quả đồi ấy. Lẫn trong lô xô gò đồi miền cỏ tranh gió lào. Có thể không phải mắt tôi nhìn thấy, mà ký ức tôi nhìn thấy. Nhưng chẳng sao! Cái chính là giờ đây, không hiểu sao, tôi lại tha thiết đến đó. Day dứt đến đó.

Và tôi xắng xở ra đi. Không tìm được anh, thì tôi tìm lại ngọn đồi định mệnh, xui chúng tôi gặp nhau thuở ấy.

Sau chừng ấy năm, mọi cái hoàn toàn đổi khác. Không còn dấu vết những vùng mặt trận xưa, nơi diễn ra các trận chiến đẫm máu, giành giật từng tấc đất. Tôi phóng xe máy đi theo những trục đường lớn, quanh quất các sườn đồi. Hai phía là những khu làng cây xanh khép tán. Những cánh rừng hồ tiêu, cà phê, cao su tiểu điền phủ xanh mặt đất. Vừa đi vừa hỏi đường, vài tiếng đồng hồ sau, tôi đã nom thấy nó từ xa. Một quả đồi bát úp. Cây cỏ lưa thưa. Những cánh đồng hoang hóa cỏ dại bao quanh chân nó xưa kia, đã thành những ruộng cà phê xanh tốt có vẻ đã cho thu hoạch vài ba mùa. Dựng xe bên một gốc cây, tôi theo con đường xoắn ốc lên đỉnh đồi. Đó là con đường xe chở nước và chiến cụ ngày xưa cho lính tráng tụi tôi chốt giữ. Quả đồi cũng đã được khai phá, cà phê trồng đã được vài năm nhưng thiếu nước nên chậm lớn. Càng lên cao, cà phê còi cọc dần, trên đỉnh, thậm chí chết héo sạch. Lô cốt bằng bao cát xưa vẫn còn. Người ta dựng vài tấm tôn che nắng. Gió đánh cành cạch. Cách đó mươi bước chân, chỗ miệng giếng cũ, một thằng bé chừng mười sáu tuổi đang quay tời. Đất kéo lên đổ bốn phía, màu nâu đỏ dưới nắng lóa. Cái giếng này chỉ có nước vào mùa mưa. Tạnh mưa, nước hạ xuống rất nhanh. Giêng hai đã trơ đáy. Sáu, bảy tháng tiếp theo quả đồi như khét cháy, trơ ra dưới cái nắng thiêu đốt, chỉ khắc khoải một loài cỏ tranh vàng áy, lơ thơ dưới hàng rào kẽm gai. Nước được đưa đến bằng xe tẹc, cho lính tráng hàng ngày.

Tôi đến sát thằng bé, đưa mắt nhìn xuống đáy giếng thẳm đen. Lúc sau quen mắt, thấy một bóng người mờ ảo bé tí. Và tiếng cúp mổ vào lòng đất giội lên lạch xạch. Không hiểu sao, tôi nhất quyết thằng bé này là con trai anh. Và người dưới giếng kia nhất định là anh. Một niềm tin mơ hồ, nhưng quả quyết. Tôi xắn quần vo áo, nắm lấy tay quay. Bảo thằng bé nghỉ đi một lúc. Được thể, nó phóng một mạch thẳng xuống chân đồi. Trời gần trưa, gió nóng thông thốc thổi quét đỉnh đồi. Bụi cuốn mù mịt. Tôi nhẫn nại quay tời. Đổ ra bốn phía những gàu đất đỏ lẫn đá gan gà nâu sẫm. Đếm vòng quay dây tời, tôi ước giếng sâu đã gần vài chục mét. Đất vẫn rời rã. Độ tiếng đồng hồ sau, tôi tời lên không phải gàu đất mà là một con người lấm láp đánh trần, quần cộc, gầy nhẳng, đen cháy. Mồ hôi nhớp nháp. Đất dính bết mái tóc bờm xơm điểm bạc. Đất đong đầy hai hốc lõm trên hai xương đòn gánh. Một vết sẹo như con cua đồng bám dưới bả vai phía trước, gần nách. Đích thị là anh!

Nắng gắt. Chúng tôi chui vào khoảng râm rách loang lổ dưới mái tôn gầy. Tôi lấy ra chai nước lọc và mấy ổ mì không. Anh hất hàm về góc lều, ý bảo hai cha con cũng có đem theo bữa trưa. Chúng tôi ăn mì không với nước lọc ngon lành. Thấy tôi hay nhìn trộm vết sẹo, anh nói trong hơi thở còn hổn hển: “Một mảnh phóng lựu chết tiệt. May nó chỉ găm trúng phần mềm.” Rồi anh lái sang: “Anh làm chi ở đây? Con trai tôi đâu?” Tôi bảo: “Thằng bé vừa chạy xuống chân đồi”.

Anh kín đáo quan sát tôi rất kỹ. Nhưng tôi biết, anh không thể nhận ra. Giữa tôi bây giờ, với anh lính Cộng hòa mũ sắt áo quần rằn ri tóc tai bờm xơm vì lâu ngày ở chốt thuở ấy, là trời vực. Tôi bảo, tôi đi thị sát, xem chỗ nào còn đất mua làm trang trại. Anh lắc đầu, không có! Tôi hỏi, sao anh lại chọn nơi này? Anh nói, khi có đất thì mình không tiền. Khi có chút tiền đền bù giải tỏa, thì chỉ còn quả đồi này. Lát sau, anh nói thêm, đất này cũng có chút kỷ niệm riêng tư. Tôi hiểu chút kỷ niệm riêng tư của anh là gì rồi. Và sợ lộ thân phận, nên không gợi lại.

Cuối bữa ăn, nhìn những hàng cà phê chết khô, và mặt đồi lóa nắng, tôi cố ý hỏi một câu bâng quơ: “Anh đã tính kỹ chưa?” Là tôi muốn nói về chuyện tìm nước cho quả đồi mùa khô, nhưng anh hăng hái nói: “Kỹ rồi. Vỏ quả đồi này không dưới 8 héc. Tính sản lượng và giá cả cà phê thấp nhất thời hiện tại, trừ chi phí, vị chi mỗi vụ tôi có không dưới nửa tỷ đồng!” Anh dừng một lát, quả quyết: “Vấn đề chỉ còn là chuyện nước tưới. Phải vắt đất ra nước, thay trời làm mưa!” Anh với qua, vốc một nắm đất vừa kéo lên lúc nãy. Nắm chặt lại trong lòng tay, rồi ngả ra. Đất nở bung. Tôi kín đáo nén tiếng thở dài. Thì ra, ông lính Việt cộng nào sau chiến tranh, cũng đầy ý chí làm giàu, làm đại gia. Nhưng hình như, giữa ý chí trên chiến trường, với chí ý chí trên thương trường, không có họ hàng gì với nhau. Tôi nghĩ thế. Trước đây, đã nhiều lần tôi nghĩ, nếu tìm được anh, tôi sẽ giới thiệu với bà con, để họ bầu anh làm chủ tịch xã, thay tôi. Nhưng giờ thấy thế này, tôi phải suy nghĩ lại.

Đợi một lát, tôi khẽ khàng thưa: “Quả đồi này cao xấp xỉ bốn chục mét, so với đất bằng dưới kia. Muốn có nước, giếng anh tức thị phải sâu xấp xỉ năm chục mét. Đào thủ công kiểu này, liệu có thành?” Anh trầm ngâm, bảo: “Nói hệt thằng bé nhà tôi! Nhưng tôi nhất định, quả đồi này phải có nước!” Thấy anh chịu khó thảo luận, tôi lại thưa: “Đào đến chừng này, có thể khoan và lắp máy bơm. Nhưng nếu thế, có khi khoan ngay ở chân đồi, thuận hơn. Với điều kiện là có mạch nước ngầm. Và hẳn chi phí cho khoan, lắp máy và kéo điện, là không nhỏ đâu”. Sắc mặt anh chợt trở nên căng thẳng, hệt lần chạm nhau hai mươi năm trước. Nhưng tôi không thể bỏ mặc anh với ý chí làm giàu vô vọng trên quả đồi định mệnh này. Tôi lại hạ giọng thân tình: “Hay... anh chuyển sang loại cây chịu hạn. Thông, bạch đàn, tràm hoa vàng. Kinh tế thấp, lâu hoàn vốn nhưng cũng bán được gỗ, và góp phần cải tạo môi trường sinh thái?” Anh không nói gì. Mắt nhìn xa xăm. Ánh nhìn không điểm cuối. Mông lung. Lát sau, anh đứng dậy phủi đít quần, nói: “Muộn rồi!” Tôi không biết, anh nói muộn là trời đã chuyển sang chiều, hay đã muộn trong chọn hướng đi cho quả đồi.

Sự việc ấy cứ ám ảnh tôi. Lay thức tôi. Năm sau tôi quay trở lại sau khi đã tìm được nguồn cây giống từ một dự án. Quả đồi hoe hoắt. Tất cả như đã chết. Hoang phế. Xác nắng vụn vãi, lấp loáng mặt đất. Xác gió hong hanh thổi bạt lưng đồi. Xác cây cà phê quăn queo tơi tả. Những đống đất nâu sẫm đào lên phai tàn. Có lẽ anh đã nướng những đồng tiền đền bù cuối cùng, vào canh bạc với mùa khô nghiệt ngã nơi đây. Một lần nữa, tôi lại mất dấu của anh. Nhưng mùa mưa năm đó, tôi đã cho trồng các loại cây chịu hạn lên khắp quả đồi cho anh...

*

* *

Giữa chiều. Tôi bị chuông điện thoại réo gọi lúc đang gò lưng viết báo cáo. Khỉ thế! Làm cái anh chủ tịch xã như nuôi con mọn. Trăm thứ rượt đuổi sau lưng, vây bủa đời người. Ngày hội tuyển quân đầu năm, quy hoạch nông thôn mới chậm trễ, cứu đói ngày giáp hạt, giải phóng mặt bằng ì ạch, dịch lợn tai xanh bùng phát, sinh con thứ ba tăng đột biến, trạm y tế xuống cấp, sóng sông liếm sát chân làng, tín dụng đen vỡ, người dân kêu cứu... Không biết bây giờ là chuyện gì nữa đây?

Tôi nhấp ngụm nước rồi rời cơ quan. Phóng xe theo con đường trục liên thôn. Nắng hắt xuống nền đường bê tông nóng rực. Mươi phút sau, đã thấy phía trước một nhóm người khá đông đứng quây vòng tròn dưới bóng mấy gốc dương già. Tai nạn giao thông chắc? Có tiếng khóc sụt sịt. Nhiều người kéo vạt áo, kín đáo lau nước mắt. Sau lưng họ, tựa vào gốc cây, một chiếc xe máy già nua, không mang không đèn. Bụi đường lấm láp. Trên yên thồ, một đòn gánh đèo hai sọt sắt trong đó lỏng chỏng mấy vỏ đạn pháo, vỏ bom bi. Có cả mấy lưỡi cày mòn. “Có chuyện chi rứa?” Tôi hỏi và rẽ lối bước vào. Không gian sặc mùi thuốc súng. Dưới đất, một xác người nằm đắp chiếu. Đứng sát cạnh, một ông già tuổi chừng bảy mươi, đang ôm thằng bé co ro. Thằng bé chừng tám tuổi run như cầy sấy. Mặt xanh như tàu lá. Nước mắt ràn rụa. Áo quần dính đầy máu. Một nắm hương cắm vào nửa viên gạch vỡ dựng ngược đặt trên đầu người quá cố. Khói bay nhạt nhòa. Tôi đảo mắt bốn phía, hỏi, có ai chứng kiến chuyện gì xảy ra không? Báo cáo anh, ông già gỡ tay thằng bé, bước lên nói, người này ngồi nghỉ dưới gốc cây. Tôi mời ông vào nhà uống nước. Ông ta nói có gì bán giúp ông với. Tôi đang định đi lôi cái bình thuốc sâu hỏng, vứt ở xó chuồng gà. Là giúp ông ấy thôi. Đã có tuổi mà lăn lộn theo chuyện đào bới thu gom phế liệu, ắt gia đình gặp khó. Nhưng thằng bé con nhà Ngật bên kia đường, đã lên tiếng. Ông ơi, nó nói, cháu có cái này bán cho ông. Nhưng để cháu làm sạch đất đã. Thằng bé để cái vật rỉ rét xuống đường. Và kỳ cạch gõ. Tôi và ông ấy ngồi uống trà, trên cái chõng tre trước hiên. Chén nước đưa lên môi, ông ta vừa nhấp được một ngụm. Thốt nhiên, ông ấy như bị điện giật. Đôi mắt lóe sáng. Mái tóc bờm xơm như dựng đứng lên. Đôi tai cũng dựng đứng. Hai cánh mũi phập phồng. Tuồng như ông ngửi được mùi gì. Ông nghe thấy tiếng gì. Hay ông cảm được cái gì. Rất lạ. Và tức khắc, cùng với chén nước vỡ tung trên sân nhà, là bóng ông như một con mèo rừng, tung ra đường cái. Như một mũi tên. Một ánh chớp lóe xanh. Một tiếng nổ đanh và gọn. Một cột khói trùm lên. Tiếng thằng bé nhà Ngật khóc thét. Tôi lao ra. Một cảnh tượng thương tâm và hãi hùng. Trong vầng khói đen đang tan, người ông nằm sấp. Lưng nghiêng về phía thằng bé. Bụng áp chặt, đè chết con ác thú. Không cho nó chạm được móng vuốt vào thằng bé. Máu đẫm mặt đường bê tông. Có lẽ là quả lựu đạn mỏ vịt!

Ông già nói xong, đưa tay xoa đầu thằng bé đoạn nói thêm, cảm nhận của tôi không sai. Ông ấy là một người tốt. Một người dũng cảm. Có lẽ, xưa kia là lính đặc công!

Ông già chưa dứt lời, bỗng từ đám đông, đồng loạt bật lên tiếng nấc. Có nhiều tiếng khóc to. Thương xót.

Tôi cúi xuống nâng tấm chiếu lên. Một gương mặt trắng xanh vì mất máu. Đôi mắt mở to như ngạc nhiên. Những nếp cơ mặt xoắn vặn đau đớn. Trái lựu đạn đã lấy mất một phần ngực sát bụng. Thổi bay hai vạt áo trước. Phơi ra tấm ngực gầy nhom. Tôi hực lên một tiếng. Đất dưới chân như sụp xuống. Mắt hoa đom đóm. Cái vết sẹo như con cua đồng ở dưới bả vai bị máu bắn lên, lấm tấm đỏ. Tôi lui ra, tựa bệt vào gốc cây. Nước mắt trào ra. Nhức buốt. Là anh đấy ư? Tôi tìm được anh trong tình cảnh đau thương này sao?

Tôi cho quàn thi hài anh ở trụ sở ủy ban. Quan tài phủ cờ đỏ sao vàng. Những dòng người, không ai hẹn ai, đến viếng anh không ngớt. Ai cũng rưng rưng, thương xót.

Bộ phận khâm liệm trao cho tôi một lá thư mỏng lấy ra từ túi áo anh. Đó là thư con trai anh gửi từ một trường đại học. Cháu nói về một khoản tiền phải đóng hàng tháng. Tôi nói với mọi người, đã tìm được địa chỉ người quá cố.

Trưa hôm sau, tôi cùng năm trai tráng, thuê xe chở anh ngược hướng đi vào. Sau hai tiếng đống hồ, xe đã lượn theo đường trôn ốc lên mặt quả đồi ấy. Quả đồi định mệnh. Bốn phía, cây tôi trồng thay anh, đã lên cao nửa thân người. Chúng tôi chôn cất anh ở khoảng trung tâm. Đầu quay về mặt trời lặn. Tôi bảo mọi người lên xe về trước, còn mình đốt lên nắm hương cắm xuống chân mộ. Và khóc nức nở. Không biết, tôi khóc vì anh, hay khóc vì tôi.

Lúc đó, mặt trời đã ngả về tây. Chiến trường xưa chỉ còn lại hai người. Một người nằm dưới mộ. Một anh hùng. Và hoàng hôn ném những tia nắng áy vàng lên lưng đồi. Gió mải miết rang khô mặt đất. Nhưng những hàng thông non đã biết thắp lên những cây nến nhỏ. Cháy không nguôi giữa trời chiều. Những hàng bạch đàn, tràm hoa vàng đã biết tự tách vỏ để lớn lên sau mỗi mùa hạn nắng. Và chúng đã biết cất lên bản nhạc vi vu vi vu, ru giấc mơ ngàn năm của anh.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast