Nhớ lời Bác dặn về chăm sóc người có công

(Baohatinh.vn) - Trước lúc đi xa, Bác Hồ kính yêu để lại cho đời sau những dòng Di chúc rất đỗi thiêng liêng: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ là những người có công với cách mạng, có công với Tổ quốc, có công với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, thương yêu và giúp đỡ họ” (Bản Di chúc viết năm 1968). Thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Bác, 45 năm qua, cùng cả nước, Hà Tĩnh luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc các gia đình chính sách, những người có công với cách mạng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Trần Tiến Dũng tặng quà cho đối tượng chính sách tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Trần Tiến Dũng tặng quà cho đối tượng chính sách tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Hà Tĩnh đã đóng góp sức người, sức của cùng cả nước làm nên sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Hàng vạn con em Hà Tĩnh anh dũng chiến đấu trên khắp mọi chiến trường, đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Để ghi công và tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh bằng nhiều việc làm thiết thực góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công với cách mạng và các gia đình chính sách. Nhiều hoạt động được các cấp, ngành, địa phương và ngành LĐ-TB&XH tỉnh triển khai thời gian qua có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sáng ngời truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Võ Xuân Linh chia sẻ: Cùng với thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, ngành LĐ-TB&XH đã tích cực chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ, xác nhận và giải quyết chế độ chính sách cho 296.588 đối tượng. Mỗi năm, gần 50.000 người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên; 55.000 người được trợ cấp 1 lần và các chế độ ưu đãi về giáo dục, y tế, trang bị dụng cụ chỉnh hình... với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.

Ngành LĐ-TB&XH cũng tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực, xã hội hóa các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, tạo sức mạnh tổng hợp, chăm lo cải thiện đời sống cho người có công và gia đình chính sách; trở thành phong trào sâu rộng, lan tỏa trong toàn xã hội. Tính đến nay, toàn tỉnh đã huy động hơn 46,523 tỷ đồng xây dựng quỹ tình nghĩa; hỗ trợ xây mới 1.614 nhà, sửa chữa 1.785 nhà; tặng 9.454 sổ tiết kiệm và hàng ngàn suất quà cho các đối tượng chính sách, gia đình người có công với kinh phí trên 146,523 tỷ đồng…

Riêng 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã giải quyết chế độ mai táng phí và tuất từ trần, thờ cúng liệt sỹ cho gần 1.400 đối tượng; ưu đãi GD&ĐT 1.329 đối tượng; chi trả kịp thời chế độ đối với các trường hợp hưởng trợ cấp thường xuyên, 1 lần và các chính sách khác; đề nghị cấp lại bằng Tổ quốc ghi công 335 đối tượng; tổ chức lễ truy điệu, an táng 9 hài cốt liệt sỹ, chuyên gia hy sinh tại nước Cộng hòa DCND Lào về nước; tổ chức thăm hỏi, tặng hàng trăm ngàn suất quà cho người có công nhân dịp lễ, tết.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ năm nay, ngoài suất quà Chủ tịch nước tặng, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh còn được UBND tỉnh trích 997.800.000 đồng từ nguồn đảm bảo xã hội để tặng quà với trị giá 200.000 đồng/suất. Ngoài ra, các ngành, đoàn thể và địa phương còn tổ chức nhiều chương trình hoạt động tri ân thiết thực, có ý nghĩa nhân văn. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành, tổ chức, đoàn thể đã dành thời gian đến các địa phương ân cần thăm hỏi, tặng hàng ngàn suất quà tri ân người có công, thân nhân các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Toàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” hết sức thiết thực, góp phần chăm sóc chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng.

Mẹ Việt Nam anh hùng Chu Thị Nhỏ (95 tuổi, ở thôn 6, Cẩm Thăng, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Con trai duy nhất nằm lại chiến trường vì độc lập, tự do của dân tộc nhưng tôi không hề cô đơn vì được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và bà con xóm làng chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình, chu đáo. Tôi càng thấy tự hào về con trai mình...”. Cùng chung cảm xúc, cụ Bùi Quốc Tùng (71 tuổi, tổ dân phố 13, thị trấn Cẩm Xuyên), thương binh hạng 4/4, bày tỏ: “Trở về từ chiến trường, không còn khả năng lao động, nhưng cơm Đảng, áo dân và tình làng, nghĩa xóm đùm bọc, tiếp sức, giúp tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.

Công tác chính sách đối với người có công và phong trào “đền ơn, đáp nghĩa” trở thành trách nhiệm, việc làm thường xuyên của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, sáng ngời truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, như lời căn dặn của Bác. Đó là những hành động tri ân thiết thực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và các gia đình chính sách đã cống hiến vì độc lập, tự do của dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast