Khắc phục những bất cập phát sinh trong thi hành Luật Đất đai 2003

(Baohatinh.vn) - So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai sửa đổi có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều. Luật Đất đai 2013 đã thể chế hóa đúng và đầy đủ những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời khắc phục, giải quyết được những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2003. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 có những điểm mới cơ bản sau:

Luật Đất đai năm 2013 đã cụ thể hóa các quyền của Nhà nước đối với đất đai như: quyền của đại diện chủ sở hữu; quyền quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyền quyết định thu hồi, trưng dụng đất đai; quyền quyết định giá đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai…

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai như: quy định rõ 15 nội dung quản lý của Nhà nước đối với đất đai; trách nhiệm cụ thể của Nhà nước về quản lý đất đai; những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số; trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin đất đai và trách nhiệm của công chức địa chính tại xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung những nội dung cơ bản trong việc điều tra, đánh giá về tài nguyên đất đai, bao gồm đánh giá về số lượng và chất lượng nhằm khắc phục bất cập Luật Đất đai năm 2003 chỉ điều tra đánh giá về số lượng; bổ sung những quy định quan trọng trong nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đó là: quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải đảm bảo tính đặc thù, liên kết đánh giá các vùng KT-XH, xử lý được mối quan hệ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch kế hoạch các ngành, lĩnh vực và của địa phương, đặc biệt yêu cầu quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp xã; bổ sung và làm rõ việc phân bổ chỉ tiêu các loại đất theo từng cấp quy hoạch, lồng ghép nội dung quy hoạch sử dụng đất của các vùng KT-XH và quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện nhằm tăng tính liên kết giữa các vùng, đồng thời rút ngắn thời gian hoàn thành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đặc biệt quy định nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất gắn với nhu cầu sử dụng đất hàng năm của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với năng lực đầu tư và huy động nguồn lực, khắc phục lãng phí trong việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư.

Đồng thời, luật quy định cụ thể, rõ ràng từ nguyên tắc đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch như: việc lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp quốc gia và cấp tỉnh và cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử theo quy định.

Ngoài ra, luật thiết lập sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong và nước ngoài; quy định cụ thể điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư đó là phải có năng lực tài chính đảm bảo tiến độ dự án và phải ký quỹ theo quy định của Luật Đầu tư nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án. Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định về điều kiện được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng, dự án đầu tư tại khu vực biên giới, ven biển và hải đảo. Cụ thể: chuyển mục đích đất trồng lúa từ 10 ha trở lên và 20 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng; chuyển dưới 10 ha đất trồng lúa và dưới 20 ha rừng phòng hộ phải có nghị quyết của HĐND tỉnh.

Trên nguyên tắc bình đẳng, Luật Đất đai 2013 cũng quy định rõ các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư để Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Luật được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình và tổ chức sử dụng đất phù hợp với từng hình thức như giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và quy định các điều kiện khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình. Bên cạnh đó, luật quy định bình đẳng hơn về quyền và nghĩa vụ về đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ chế thu hút cho đầu tư phát triển kinh tế của tổ chức nước ngoài.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast