Nghệ sỹ Quang Đạt rước “Bác” vào Nam

Một lần nữa, nghệ sỹ Quang Đạt lại thực hiện kỷ lục mới, hành trình rước “Bác” về thăm một số trường học xưa, tới Bến Nhà rồng và cuối cùng là trao tặng “Bác” cho cụ Nguyễn Sinh Sắc tại đền thờ ở Đồng Tháp. Thông qua hành trình này, anh muốn gửi tới mọi người, nhất là thế hệ trẻ một thông điệp: Bác Hồ là một tấm gương sáng, hãy học tập Người để tiến bộ!

Quang Đạt cùng Sở Văn hóa Truyền thông Nghệ An tổ chức rước "Bác" từ làng Kim Liên

Hành trình của nghệ sỹ Quang đạt bắt đầu từ sáng 19/5, tại làng sen quê Bác. Được sự cho phép và phối hợp của Tỉnh ủy Nghệ An, Sở Văn hóa truyền thông Nghệ An và các đơn vị liên quan, nghệ sỹ Quang Đạt đã làm lễ “thỉnh” Bác tại bàn thờ nhà lưu niệm Nghệ An. Sau đó, anh cùng đoàn cổ động của tỉnh Nghệ An tiếp tục đến dâng hương Bác tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở thành phố Vinh.

Nghệ sỹ Quang Đạt cho biết: Người bạn luôn bên tôi trong cuộc hành trình này chính là chiếc xe Vespa cổ. Thực hiện chuyến đi này tôi có một tâm niệm. Sinh thời, vì lo cho nước cho dân, Bác chưa có thời gian để một lần vào thăm quê Đồng Tháp, nơi thân sinh của Người đã sống, dẫu Bác rất muốn. Lần nay, tôi muốn thực hiện tâm nguyện đó của Người, dẫu chỉ là về mặt tâm linh. Đồng thời, cuộc hành trình cũng là để hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Người. Tôi muốn mọi người tưởng nhớ đến người thật sâu sắc và học tập người nhiều hơn nữa!

Chụp ảnh lưu niệm tại quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh)

Cuộc hành trình văn hóa nên nghệ sỹ Quang Đạt cũng đã tạo nên những biểu tượng văn hóa. Cái đầu hói của Quang Đạt được làm khung để chạm lên bức ảnh bán thân của Bác Hồ. Còn chiếc Vespa cổ màu trắng của anh cũng có một không ai. Ở phần trước xe, phía trên là ngôi nhà lưu niệm, nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, bên dưới là trường Quốc học Huế, nơi Bác đã từng học. Ở vè bánh xe trước vẽ trường Dục Thanh (Phan Thiết). Cốp xe bên phải, vẽ bến nhà Rồng, nơi Bác rời tổ quốc lần đầu tiên để ra đi tìm đường cứu nước. Còn cốp xe bên trái là vẽ nhà thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp). Trong cuộc hành trình này, còn có một biểu tượng văn hóa rất đặc biệt, đó là bức tượng bán thân về Bác Hồ. Nghệ sỹ Quang Đạt cho biết, anh đã kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ được 10 triệu đồng và làm nên bức tượng này. Bức tượng được làm bằng đá non nước (Đà Nẵng); cao 60 cm, nặng 70 kg. Bắt đầu từ làng Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), quang Đạt sẽ rước “Bác” vào thăm trường Quốc Học Huế, tới trường Dục Thanh, Bến Cảng Nhà Rồng và cuối cùng là về trao tặng “Bác” cho khu di tích nhà thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Nghệ sỹ Quang Đạt tại Hà Tĩnh

Tại mỗi điểm đến, được sự giới thiệu của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Quang Đạt sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan sở tại tổ chức hoạt động kỷ niệm thật ý nghĩa. Và trong suốt chuỗi hành trình, anh sẽ kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Anh đã chuẩn bị sẵn một cuốn sổ, những người ủng hộ tiền sẽ tự chính tay mình ghi và ký vào trong. Số tiền được công khai và tích lũy thành Quỹ dành cho khuyến học.

Một điều rất đặc biệt nữa, Quang Đạt rất thích xin chữ ký. Theo anh nghĩ, mỗi cuộc hành trình rồi cũng qua, điều quan trọng là những gì ở lại. Mỗi chữ ký đều mang một tình cảm tốt đẹp. Và được đặt trong hoàn cảnh này, nó cũng trở thành một sản phẩm văn hóa. Những hình, vật mang các chữ ký này rồi sẽ được mang ra đấu giá và sung vào quỹ hoạt động từ thiện.

Nghệ sỹ Quang Đạt tên thật là Nguyễn Đức Đạt, sinh năm 1959, tại thành phố Đà Nẵng. Quang Đạt từng làm đạo diễn, diễn viên, họa sỹ, cố vấn võ thuật hơn 80 phim, trong đó phần đa là phim nhựa. Một số phim anh đã tham gia như: Đồng tiền xương máu; cảnh sát hình sự; người đàn bà không hóa đá; cô gái đất đỏ…Anh là hội viên Hội điện ảnh TPHCM. Hiện anh có một nhà trưng bày kỷ vật điện ảnh ở Bình Thuận rất độc đáo, có trên 100 huân chương, huy chương về sự nghiệp điện ảnh, báo chí, văn học nghệ thuật, 3000 tấm ảnh của điện ảnh thời ở chiến khu, 15 máy quay phim loại cổ, 40 chụp ảnh của các thời kỳ, 5 máy quay phim trước năm 1975 và nhiều tư liệu độc đáo khác...

Quang Đạt chia sẻ: “Là một người nghệ sỹ, đã đi nhiều nơi để làm phim, chứng kiến nhiều cảnh đời nên tôi rất muốn làm được điều gì đó thật ý nghĩa cho xã hội”. Từ mong muốn thiết tha đó, Quang Đạt đã sống như một “dị nhân”, trở thành một người “khùng” chẳng giống ai bằng những chuyến đi kỷ lục. Năm 2006, anh đã thực hiện chuyến đi xe máy xuyên Việt để kêu gọi ủng hộ Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Năm 2008, anh tiếp tục hành trình “Vì tuổi thơ Việt Nam”; đã kêu gọi được 400 triệu đồng và 30 ngàn áo ấm dành cho trẻ em miền núi. Năm 2010, anh lại tiếp tục hành trình xuyên Việt làm sứ giả “Vì ATGT”.

Và lần này, Quang Đạt lại đang lập kỷ lục mới. Theo dự định, đến ngày 5/6, đúng kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Quang Đạt sẽ trao tặng bức tượng bán thân cho khu di tích Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh. Số tiền anh kêu gọi ủng hộ được sẽ làm quà cho các em học sinh nghèo vượt khó tại các tỉnh, thành anh đã đi qua. Riêng người bạn đồng hành, chiếc xe Vespa cổ có trang trí độc đáo và chứa đầy chữ ký lưu giữ những tình cảm tốt đẹp trong chuyến hành trình này cũng sẽ được bán đấu giá sung cho quỹ khuyến học.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast