Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá ngoại tệ và kiềm chế lạm phát dưới hai con số, hạn chế nhập siêu

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại họp phiên thường kỳ tháng 10 của Chính phủ nhằm đánh giá tình hình phát triển KT - XH tháng 10 và bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ từ nay đến cuối năm.

Trong 10 tháng qua, thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) đạt gần 116,2 nghìn tỷ đồng, đạt 90,5% kế hoạch năm; đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9 tỷ USD, tăng 7,1% so cùng kỳ năm 2009, nếu tính cả số dự án cấp mới và tăng vốn thì đạt gần 12,8 tỷ USD, giảm 41,9% so cùng kỳ năm trước; tổng trị giá vốn ODA được ký thông qua các hiệp định đạt hơn 2,2 tỷ USD, giải ngân đạt hơn 2,1 tỷ USD, bằng 87% kế hoạch năm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 6,25 tỷ USD, mười tháng ước đạt gần 57,8 tỷ USD, tăng 23,3% so cùng kỳ năm 2009 và gấp bốn lần so chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội thông qua (hơn 6%). Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước khoảng 7,35 tỷ USD, mười tháng qua ước khoảng 67,28 tỷ USD, tăng 20,7% so cùng kỳ năm trước. Nhập siêu tháng 10 là 1,1 tỷ USD, bằng 17,6% kim ngạch xuất khẩu; nhập siêu mười tháng ước khoảng 9,5 tỷ USD, bằng 16,45% tổng kim ngạch xuất khẩu, là tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong nhiều năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 1,05% so tháng trước, thấp hơn mức tăng của tháng 9-2010 (1,31%) nhưng vẫn là mức cao so cùng kỳ các năm trước, tính bình quân, CPI mười tháng qua tăng 8,75% so cùng kỳ năm 2009. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 ước đạt hơn 72 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2009, tính chung mười tháng, con số này đạt 645,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 đạt gần 136,3 nghìn tỷ đồng, mười tháng qua đạt 1.282 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so cùng kỳ năm 2009.

Ðánh giá chung, tình hình KT - XH 10 tháng phát triển theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so kế hoạch năm. Sản xuất nông, lâm, thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt nhưng vẫn đạt khá. Tỷ lệ nhập siêu tiếp tục giảm, ngành dịch vụ phát triển khá. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được quan tâm và cải thiện, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng tiếp tục ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm và giữ vững. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Giá cả hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm đang có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm, lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức khá cao, ảnh hưởng việc tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị bảy nhóm giải pháp cần triển khai thực hiện trong các tháng tới gồm: các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường công tác bình ổn giá, điều hành thị trường bảo đảm cung - cầu hàng hóa với giá cả ổn định, nhất là các mặt hàng thiết yếu; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, nhất là điều hành tỷ giá, hoạt động của thị trường vàng, ngoại tệ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư các dự án sử dụng vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ; thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội và an toàn giao thông dịp cuối năm và các sự kiện lớn của đất nước.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Thời gian qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng mừng, về cơ bản, có thể đạt được các mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Trong đó, mức tăng trưởng GDP năm 2010 nhiều khả năng đạt 6,7%; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng cao, đầu tư xây dựng cơ bản vượt tiến độ. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thu ngân sách vượt mức kế hoạch, góp phần giảm bội chi ngân sách; xuất khẩu tăng mạnh hơn dự kiến, góp phần giảm mạnh nhập siêu. Cán cân thanh toán ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, việc làm mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn được bảo đảm tốt; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Về đối ngoại, dư luận thế giới đánh giá rất cao vị thế và vai trò tích cực của Việt Nam qua nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2010.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục nhanh sản xuất, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân, kiên quyết không để bất cứ người dân nào thiếu đói. Về giải pháp hạn chế thiệt hại thiên tai, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan cần nghiên cứu, đề xuất chương trình hỗ trợ nhân dân xây nhà kiên cố hai tầng, nhà tránh, trú bão cho cộng đồng, coi đây là giải pháp căn cơ đối phó lũ lụt, giảm nhẹ thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu: Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề, nổi lên các vấn đề quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới, trong nước để có biện pháp đối phó kịp thời. Trong đó, biện pháp quan trọng là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá USD/VND và kiềm chế lạm phát dưới hai con số, hạn chế nhập siêu. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thì sẽ đạt được mục tiêu này. Thủ tướng nhấn mạnh: Từ nay đến Tết Nguyên đán, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quyết liệt, tăng cường kiểm soát giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng lợi dụng đầu cơ, tăng giá; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Thủ tướng cũng khẳng định: Chính phủ quyết tâm giữ ổn định tỷ giá, chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu (sử dụng quỹ bình ổn giá), giá than, giá điện từ nay đến hết năm. Ðể bảo đảm đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, Thủ tướng giao Bộ Công thương chịu trách nhiệm tính toán, cân đối đủ điện, tập trung nỗ lực cao nhất đưa các nguồn điện mới vào vận hành, đồng thời thực hiện triệt để, quyết liệt việc tiết kiệm điện.

Về an sinh xã hội, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải làm tốt công tác chăm lo công tác y tế, văn hóa, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Trong đó, Bộ Y tế cần tập trung giải quyết vấn đề bình ổn giá thuốc, nhất là tại các nhà thuốc trong bệnh viện, tập trung giải quyết vấn đề quá tải người khám chữa bệnh tại các bệnh viện ung bướu, nhi, chấn thương... Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội dịp cuối năm. Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng là công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, do đó phải xây dựng các biện pháp thu hút các nguồn vốn đầu tư, cân đối đủ nguồn vốn cho các dự án.

Ðối với vụ việc ở Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Thủ tướng lưu ý phải xử lý một cách bình tĩnh và thận trọng, theo đúng quy định của pháp luật, cái gì làm sai thì phải sửa, cái gì tốt thì cần phát huy. Cá nhân nào sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ sẽ kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc, công khai. Việc tái cơ cấu Vinashin phải giảm tới mức thấp nhất thiệt hại, bảo đảm mục tiêu tập đoàn này tập trung vào lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu biển để Việt Nam-một quốc gia biển, có nền công nghiệp tàu biển phát triển.

Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội cần thận trọng, chính xác, đúng định hướng, khách quan, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, lòng tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, điều hành của Chính phủ.

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast