Nhức nhối thực trạng chất thải y tế (bài cuối): Cần sự quyết tâm từ nhiều phía

(Baohatinh.vn) - Khó khăn chung trong vấn đề xử lý rác mà đa số bệnh viện gặp phải hiện nay là kinh phí. Không chỉ việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải cực kỳ tốn kém mà trong quá trình vận hành, các lò đốt “ngốn” quá nhiều nhiên liệu khiến các bệnh viện “dè dặt” trong việc xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến.

Bài 1: Dân “kêu trời” vì… rác!

Bài 2: Quy chế quản lý - có như không!

Nan giải bài toán kinh phí

Thực trạng “vắng” bệnh nhân của một số bệnh viện tuyến huyện khiến nguồn thu trở nên hạn hẹp, gây khó khăn trong việc cân đối thu chi. Các bệnh viện chủ yếu hoạt động theo chế độ công ích nên không có vốn đầu tư cho xử lý chất thải. Kinh phí để vận hành hệ thống xử lý chất thải cũng chưa được đưa vào định mức cấp cho đầu giường bệnh, bệnh viện phải tự cân đối các khoản chi trong kinh phí khám chữa bệnh để xử lý chất thải, vì thế, việc xử lý không đạt chuẩn, không ổn định.

Việc lưu giữ chất thải quá thời gian quy định (nhiều hơn 48h) sẽ gây ô nhiễm. (Trong ảnh: Rác để quá 48 tiếng ở BVĐK Cẩm Xuyên).
Việc lưu giữ chất thải quá thời gian quy định (nhiều hơn 48h) sẽ gây ô nhiễm. (Trong ảnh: Rác để quá 48 tiếng ở BVĐK Cẩm Xuyên).

Ông Nguyễn Văn Toại - Giám đốc BVĐK Vũ Quang chia sẻ: “Bệnh viện không có nhiều bệnh nhân điều trị nên nguồn thu tương đối ít. Đồng thời, lượng rác thải không nhiều, trong 1-2 ngày khó có đủ lượng rác để đốt cho một lần vận hành lò. Trong một tuần, cũng chỉ khoảng 70-80 kg nên bệnh viện thường đốt rác 2 lần/tuần”.

Để xây dựng một lò đốt rác cho bệnh viện dưới 150 giường bệnh theo công nghệ Pháp tiêu tốn trên 2 tỷ đồng, đối với lò công nghệ Nhật Bản cũng phải mất 700-800 triệu đồng. Ông Trần Nguyên Phú - Giám đốc BVĐK thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Bệnh viện cũng muốn có hệ thống xử lý chất thải nhưng không có kinh phí nên đành chịu. Phải chờ các nguồn hỗ trợ, chúng tôi mới có thể xây dựng được. Đến nay, các công trình về cơ bản đã hoàn thành, đang chờ thẩm định và cấp giấy phép. Dù chưa có hệ thống xử lý rác đúng quy chuẩn nhưng do tính cấp thiết trong việc khám chữa bệnh cho người dân nên bệnh viện vẫn phải đi vào hoạt động, cũng là phục vụ lợi ích người dân”.

Trong khi đó, những bệnh viện đã có hệ thống xử lý chất thải khá hiện đại như BVĐK tỉnh lại phải mất một khoản chi phí khá lớn để vận hành lò đốt. Ông Lê Quế - Phó Giám đốc bệnh viện cho hay: “Tính ra, cứ 1 kg rác phải mất khoảng 0,7 lít dầu. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi phải chi khoảng 50 triệu đồng chi phí vận hành lò đốt”. Đây rõ ràng là một áp lực không nhỏ trong bối cảnh hiện nay, khiến các bệnh viện, nhất là tuyến huyện không mấy “mặn mà” với công nghệ mới trong xử lý rác thải.

Ứng dụng công nghệ mới bao giờ thành hiện thực?

Hà Tĩnh hiện có 19 bệnh viện, 10 phòng khám đa khoa khu vực, 262 trạm y tế và một số phòng khám chữa bệnh tư nhân hàng ngày thải ra môi trường một lượng lớn chất thải các loại. Theo thống kê, hàng năm, tổng lượng nước thải y tế trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 412.450m3; tổng lượng chất thải rắn y tế, nguy hại phát sinh khoảng 136 tấn/năm, trong đó, tổng lượng chất thải rắn nguy hại được xử lý 115 tấn (đạt 84%); 14/19 bệnh viện đã hoàn thiện và đưa lò đốt và hệ thống xử lý nước thải y tế vào hoạt động. Ngoài ra, chất thải y tế phát sinh tại các trạm y tế xã, phường, phòng khám tư nhân hầu như chưa được thu gom xử lý theo quy định.

Rác thải y tế được vứt bừa bãi tại BVĐK Hương Khê.
Rác thải y tế được vứt bừa bãi tại BVĐK Hương Khê.

Theo ông Nguyễn Văn Anh - Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế Hà Tĩnh: Khó khăn nhất trong xử lý chất thải ở đa số các bệnh viện là việc xử lý chai lọ thủy tinh, dù Bộ Y tế đã có yêu cầu cụ thể nghiền và tái chế thành bê tông nhưng đến nay mới rất ít bệnh viện thực hiện. Nhiều quy định của Bộ Y tế và Bộ TN&MT được ban hành trong thời gian gần đây, sau rất lâu so với thời gian quy hoạch và xây dựng các bệnh viện nên việc thực hiện theo quy định còn gặp nhiều khó khăn và cần có thời gian. Nguồn nhân lực xử lý chất thải y tế hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, kiến thức quản lý, xử lý chất thải y tế hạn chế nên quá trình thực hiện còn có những sai sót.

Hiện tại, Bộ Y tế đã có khuyến cáo các bệnh viện chuyển sang công nghệ “vi sóng kết hợp hơi nước bão hòa” trong xử lý chất thải y tế. Công nghệ này sử dụng năng lượng vi sóng ở tần số khoảng 2450 MHz, kết hợp hơi nước (bão hòa) ở áp suất thường hoặc áp suất cao làm ẩm tất cả bề mặt chất thải, tăng hiệu suất diệt khuẩn, vận hành đơn giản, tăng khả năng tái chế chất thải an toàn… Theo kết quả ứng dụng tại một số bệnh viện tuyến T.Ư, công nghệ hấp vi sóng sử dụng điện năng và tái sử dụng được chất thải thông dụng, cũng như một số chất thải sắc nhọn nguy hại bằng công nghệ hấp nghiền... Về mặt nhân lực, chỉ cần một nhân viên kỹ thuật là đủ phối hợp với mạng lưới thu gom tại các khoa, phòng. Công nghệ “vi sóng kết hợp hơi nước bão hòa” cũng không thải ra khí độc hại, phát huy được hiệu quả cao đối với các chất thải lây nhiễm, chi phí vận hành thấp, không gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường...

Tuy nhiên, chi phí để đầu tư xây dựng công nghệ này khá cao, khoảng 5 tỷ đồng/hệ thống. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào xử lý chất thải đang là một bài toán khó đối với các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT: Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện quản lý, vận hành lò đốt theo đúng quy định; quản lý chặt chẽ phân loại rác thải y tế. Khai thác công suất của lò đốt để xử lý chất thải nguy hại. Đối với các cơ sở y tế tuyến xã, cần thu gom rác, định kỳ vận chuyển về bệnh viện tuyến huyện để đốt, phát huy hiệu quả lò đốt.

Ông Đặng Bá Lục - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh: Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện và xử phạt hành chính đối với một số cơ sở y tế có sai phạm trong xử lý rác thải y tế. Thời gian tới, chi cục tiếp tục tranh thủ nguồn lực đầu tư cho các bệnh viện trong quá trình xử lý chất thải; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra để đảm bảo các bệnh viện sẽ vận hành, sử dụng tốt các lò đốt đã được xây dựng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast