Người vợ liệt sĩ với cảnh ngộ thương tâm

Gặp mẹ Đoàn Thị Khanh tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn một bà cụ tóc bạc phơ năm nay đã 84 tuổi, cái tuổi đã gần đất xa trời lại phải lụi cụi trong túp lều dựng lên bằng tre nứa.

Mẹ Khanh trong túp lều của mình

Mới ngửa mặt nhìn lên đã thấy những lỗ hổng từ đỉnh nóc, chỉ cần một trận mưa lớn thôi nhà mẹ Khanh có thể ngập từ nền tới giường chiếu. Ngoài chiếc giường gỗ cũ kỹ, đặt gần bức vách được tạo nên bằng mấy tàu lá cọ, với mấy chiếc quần áo cũ phơi lên chỉ có một chiếc kiềng ba chân, mẹ dùng nó đun nước nấu cơm và đốt lửa sưởi trong những đêm đông giá lạnh. Càng nhiều tuổi, với cảnh sống quá bần hàn khiến sức khoẻ mẹ Khanh càng giảm sút, đặc biệt là những hôm rét giá mẹ lại càng đau mỏi rụng rời chân tay. Mẹ nói trong ánh mắt mờ đục có phần tủi thân " Đời tui khổ lắm, khổ từ khi về nhà chồng tới dừ. Lúc tui 23 tuổi chồng mất, để lại hai đứa con thơ dại, con Đối mới hai tuổi còn thằng Minh mới ba tháng tuổi, hai đứa đều chưa biết mặt cha. Tui thương con, thương cả cha mẹ chồng nên đành ở vậy nuôi con. Con Đối là con gái đầu hồi nớ nó học hết cấp ba rồi làm cán bộ nhà nước. Bây giờ nó nghỉ hưu rồi, vợ chồng nó cũng vất vả nên thương mẹ nhưng không giúp mẹ được gì. Còn thằng Minh ở nhà làm ruộng lại con đông, nó ốm đau luôn nên lại càng khốn khổ ". Mẹ Khanh thều thào tiếp : " Tui đã mấy lần nhờ con, nhờ dâu viết hộ kêu gọi chính quyền địa phương xã và huyện hỗ trợ làm cho tôi một căn nhà tình nghĩa. Không gì tôi cũng là vợ liệt sĩ thời Điện Biên Phủ chú à.Thế mà đơn cứ gửi lên xã Sơn Mai và huyện Hương Sơn lần này đến lượt nọ tốn nhiều giấy mực nhưng trông mãi chẳng thấy ai giúp.."

Mẹ Khanh vừa tâm sự vừa lấy tấm bằng "Tổ quốc ghi công" ghi rõ " Liệt sĩ Trần Đình Khanh, chiến sĩ Quân đội nhân dân. Nguyên quán xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp ". Mẹ Khanh còn nhớ và kể vanh vách cho tôi " Ông Khanh nhà tôi mất ngày 25 tháng 3 năm 1954 trong một trận mang bộc phá đánh chiếm đồi A1 ở Điện biên Phủ ".

Thời còn trẻ mẹ Khanh tuy khoẻ nhưng là nông dân chất phác thật thà, vườn tược không có gì thu hoạch. Một thời làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, mỗi vụ được vài yến thóc cùng với rau lang, sắn lát để nuôi nấng con cái trưởng thành đã là may mắn lắm rồi. Chồng mất, chịu sự cô đơn tủi nhục đằng đẳng, khi đứa con gái thoát ly và lấy chồng niềm hy vọng duy nhất của mẹ là đứa con trai Trần Ngọc Minh có sức khoẻ dồi dào, làm ăn phát đạt để làm ấm thêm lòng già trong cảnh trời chiều nắng sắp tắt, ấy vậy mà nỗi đau làm dày vò tâm can mẹ Khanh một lần nữa. Anh Trần Ngọc Minh thời thanh niên thuộc diện khoẻ nhất làng, công việc đồng áng siêng năng, nhưng do đông con nên vợ chồng anh Minh thường xuyên phải đối mặt với gia cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Theo chị Hiển vợ anh Minh cho biết " Có một thời gian dài anh Minh được hợp tác xã giao nhiệm vụ bảo vệ và cấp phát thuốc trừ sâu cho xã viên. Do ảnh hưởng của chất độc thuốc trừ sâu nên anh Minh bị lâm bệnh nặng, vừa đau tim vừa bị viêm phế quản. Hơn 15 năm nay anh Minh đã không sản xuất được lại phải chống đỡ với nhiều cơn đau tim dữ dội. Không có tiền mua thuốc, nhiều lần anh lại phải cậy nhờ vào đồng tiền trợ cấp chế độ của mẹ anh.."

Mẹ Đoàn Thị Khanh đang cần có sự giúp sức của cộng đồng để mẹ có một ngôi nhà tình nghĩa và tạo mọi điều kiện để giúp đỡ gia đình anh Minh trong lúc quẫn bách này. Đây vừa là đạo lý vừa là trách nhiệm của xã hội.

Mọi liên hệ xin gửi về : Báo Hà Tĩnh - 34 Nguyễn Công Trứ - TP. Hà Tĩnh hoặc Đoàn Thị Khanh ( xóm Mai Hồ, xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh )

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast