Mỹ phản đối thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông

Mỹ sẽ triển khai thêm vũ khí và lực lượng tới châu Á-TBD nhằm duy trì cam kết xoay trục chiến lược sang khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 1/6 khẳng định quân đội nước này sẽ triển khai thêm không lực, binh sĩ và vũ khí công nghệ cao tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Washington đang đẩy nhanh kế hoạch tái cân bằng chiến lược.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 12 (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 12 (Ảnh: AFP)


Trong bài phát biểu về an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Hagel đã cam kết với các đồng minh và đối tác tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La thường niên ở Singapore rằng Mỹ hoàn toàn đủ khả năng tiếp tục xoay trục chiến lược sang khu vực này bất chấp việc ngân sách bị eo hẹp.

Theo ông Hagel, dù trong "những viễn cảnh ngân sách tồi tệ nhất”, Mỹ vẫn chiếm tới 40% chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh các nỗ lực của Mỹ trong việc làm sâu sắc mối quan hệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực thông qua các cam kết song phương và đa phương. Ông cho biết sẽ mời những người đồng cấp thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham dự một hội nghị, do Mỹ chủ trì lần đầu tiên, tại Hawaii, trong năm 2014.

Ngoài ra, ông Hagel cũng tái khẳng định cam kết của Washington về việc đến năm 2020, sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân tại châu Á - Thái Bình Dương, trong khi lực lượng Lục quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng sẽ nối lại các vai trò của mình ở khu vực này sau khi rút khỏi hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Theo ông Hagel, trong tương lai, Lầu Năm Góc sẽ "ưu tiên triển khai" các hệ thống vũ khí tân tiến nhất tới Thái Bình Dương, bao gồm máy bay tiêm kích tránh radaz F-22 Raptor, máy bay tiêm kích tàng hình F-35 và tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia.

Đề cập tới các tranh chấp chủ quyền biển đảo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo sẽ không dung thứ cho các nỗ lực của bất kỳ nước nào nhằm làm thay đổi hiện trạng của quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc là Senkaku/Điếu Ngư cũng như các quần đảo được các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Ông Hagel nêu rõ: "Mỹ kiên quyết chống lại mọi nỗ lực mang tính ép buộc nhằm thay đổi hiện trạng" các quần đảo này, đồng thời khuyến cáo "các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông kiềm chế như đã cam kết hồi năm 2002 và tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề".

Trước đó, ngày 31/5, phát biểu tại Singapore sau cuộc gặp người đồng cấp Indonesia Purnomo Yusgiantoro, ông Hagel tuyên bố nước này sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Indonesia.

Sau cuộc gặp giữa hai bộ trưởng bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-La, phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little cho biết: "Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ và xem xét tiến bộ đạt được trong những năm gần đây nhằm tăng cường diễn tập và huấn luyện, cũng như đối thoại thường xuyên về chính sách quốc phòng".

Theo ông Little, Bộ trưởng Hagel đã nhắc lại tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền như một điều kiện tiên quyết cho quan hệ quân sự mật thiết hơn và "thảo luận về sự ủng hộ của Mỹ với việc hiện đại hóa quân đội Indonesia, trong đó có các hợp đồng quân sự Mỹ dành cho nước ngoài". Sự quan tâm của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ với Indonesia phù hợp với sự chuyển hướng chiến lược của Tổng thống Mỹ Barack Obama sang khu vực Thái Bình Dương, được công bố hồi tháng 1/2012 sau một thập niên chiến tranh tại Afghanistan và Iraq./.

    Theo TTXVN

    Đọc thêm

    Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast