Lệnh trừng phạt của Mỹ khó đóng băng kho vàng Nga

Lệnh trừng phạt của Mỹ có thể cản trở Nga thực hiện các giao dịch vàng, song không thể đóng băng hoàn toàn kho vàng 2.300 tấn của Moskva.

Mỹ đang kìm hãm khả năng bán vàng dự trữ và huy động tiền của Nga trong nỗ lực mới nhất nhằm gây áp lực lên Moskva vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Bộ Tài chính Mỹ hôm 24/3 tuyên bố bất kỳ giao dịch vàng nào liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài chính Quốc gia Nga hoặc Bộ Tài chính Nga đều bị cấm theo lệnh trừng phạt.

Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ 2.300 tấn vàng, trị giá khoảng 140 tỷ USD, theo Hội đồng Vàng Thế giới. Đây là kho dự trữ vàng lớn thứ năm trên thế giới, liên tục được tích lũy trong những năm gần đây.

Lệnh trừng phạt của Mỹ khó đóng băng kho vàng Nga

Một nhân viên đang đánh giá những thỏi vàng nguyên chất 99,99% tại nhà máy kim loại màu Krastsvetmet ở thành phố Krasnoyarsk, Siberia, Nga, hôm 10/3. Ảnh: Reuters.

Giới chuyên gia cho rằng, Nga có thể sử dụng vàng để hỗ trợ đồng tiền của mình. Một cách giúp họ làm điều này là đổi vàng lấy những loại ngoại hối có tính thanh khoản cao hơn mà không phải chịu lệnh trừng phạt hiện hành từ phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Cách khác là bán vàng thỏi thông qua các chợ vàng và đại lý. Vàng cũng có thể được dùng để mua hàng hóa và dịch vụ từ những người bán thiện chí.

Sau quyết định trừng phạt từ Mỹ, nỗ lực bán vàng của Nga sẽ trở nên khó khăn hơn, nhưng không phải là không thể, bình luận viên Amrith Ramkumar và Caitlin Ostroff của WSJ nhận định.

Venezuela từng chuyển một số vàng của mình qua các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hay Uganda để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ. Nga hoàn toàn có thể thử cách tương tự, bán vàng tới các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, hay thông qua những bên trung gian.

Nga cũng có thể bán ra lượng lớn vàng đã được tinh chế từ lâu và không nằm trong phần dự trữ chính thức của đất nước. Dùng vàng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay là một phương án khả thi khác.

“Họ chắc chắn sẽ tìm ra cách để vẫn có thể bán được vàng”, Jeffrey Christian, quan chức cấp cao tại công ty tư vấn và nghiên cứu kim loại quý CPM Group, Mỹ, nhận xét. “Vàng được mọi người yêu thích suốt nhiều thiên niên kỷ qua, một phần vì tính bí mật của nó”.

Phần lớn vàng trên thế giới được theo dõi bởi các trung tâm giao dịch ở London và New York, do Hiệp hội Thị trường Vàng bạc London (LBMA) và CME Group giám sát. LBMA và CME gần đây đã loại 6 nhà máy tinh luyện kim loại quý Nga khỏi danh sách được công nhận của họ, ngăn chặn vàng từ Nga xâm nhập thị trường. Chỉ những thanh vàng tiêu chuẩn từ các nhà máy tinh luyện đã qua phê duyệt mới được lưu trữ trong các kho lưu ký của LBMA và CME, với mỗi thanh đều được theo dõi chặt chẽ và ghi chép đầy đủ đặc tính.

“Hầu hết mọi người đều muốn tìm nguồn cung cấp kim loại từ một nhà tinh luyện hợp pháp hoặc một bên nào đó được chứng nhận”, Suki Cooper, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu kim loại quý tại Standard Chartered, cho biết.

Theo một số nhà phân tích, vàng bên ngoài các kênh chính thức trên gần như không có thông tin nào khác ngoài tờ giấy chứng nhận hoặc ký hiệu thể hiện nơi nó được tinh chế ban đầu. Điều này đồng nghĩa vẫn tồn tại những kênh giúp Nga bán được vàng và thu về ngoại tệ.

Vàng không phải là nguồn quy đổi ngoại tệ duy nhất của Nga. Nước này vẫn tiếp tục thu lượng lớn USD và euro nhờ bán dầu và khí đốt cho châu Âu, bên phụ thuộc lớn vào năng lượng của Nga.

Sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, Moskva đã ra lệnh cho các nhà xuất khẩu dầu khí bán 80% doanh thu ngoại tệ của họ lấy đồng ruble như một cách để tạo ra nhu cầu với đồng nội tệ.

Oksana Lukicheva, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Open Investments, cho rằng với thực tế hầu hết trong 2.300 tấn vàng của Nga đang được lưu trữ trong các hầm chứa ở nước này, giới chức các nước phương Tây sẽ không thể chạm được vào chúng sau lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, Nga cũng phải đối mặt với thực tế rằng nước này sẽ không thể bán được vàng hợp pháp trên thị trường thế giới, theo Denis Raksha, tổng giám đốc công ty tư vấn chuyên gia Neocon có trụ sở ở Nga.

“Phần lớn số vàng đó vẫn sẽ ở Nga, vấn đề không phải nằm ở chỗ sẽ có ai đó đến tịch thu, hay đóng băng chúng ở nơi khác. Vấn đề là Nga sẽ không thể đường đường chính chính bán số vàng đó ra bên ngoài. Không ngân hàng trung ương nước nào có thể mua vàng của Nga mà không hứng chịu lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ”, Raksha nhấn mạnh.

Theo Vũ Hoàng VnExpress (AP, WSJ)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast