Sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh nên đọc trước tuổi 30

Người Á Đông có câu “tam thập nhi lập”, vì vậy, trước tuổi 30 là khoảng thời gian rất quan trọng để định hình nên một con người trưởng thành thực thụ. Những cuốn sách dưới đây có thể sẽ phần nào giúp cho sự trưởng thành đó diễn ra một cách suôn sẻ, tốt đẹp hơn.

Những đầu sách dưới đây dành cho những thanh niên đang ở độ tuổi ngoài 20, là những cuốn sách nên đọc, tập trung vào các chủ đề như thấu hiểu bản thân, hình thành thế giới quan, xây dựng nền tảng sự nghiệp…

Những năm tháng ngoài 20 là khoảng thời gian chứng kiến nhiều sự đổi thay, thử thách và cơ hội, nếu có được một sự định hướng đúng đắn, đây sẽ chính là khoảng thời gian hiệu quả nhất để bạn sớm nhận ra mình là ai, mình trông đợi gì từ cuộc sống và làm thế nào để đạt được những kỳ vọng đó.

Cách duy nhất để làm được phần lớn những điều này, đó là đứng vững và rút ra kinh nghiệm sau những được - mất, thành - bại, ngoài ra, cũng sẽ rất hữu ích nếu bạn có được cho mình những kinh nghiệm quý báu đã được tích lũy từ những người đi trước thông qua những cuốn sách bổ ích.

“Meditations” (Thiền) - Marcus Aurelius: Khi trưởng thành, bạn sẽ nhận ra rằng hiếm khi cuộc sống được như những gì bạn mong đợi. “Meditations” là cuốn sách mang đầy tính trải nghiệm cá nhân, nhưng cũng là tâm sự thường thấy ở tuổi ngoài 20. Cuốn sách tập trung vào việc tạo dựng sức mạnh tinh thần vững chãi, do Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius (trị vì từ năm 161-180) viết nên. Đời sau vẫn luôn nhớ về ông như một trong những vị hoàng đế của triết lý. Cuốn sách đã được ông viết trong giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời, từ đó, ông đưa ra những lời khuyên quý giá về việc kiểm soát cảm xúc và vượt qua những chướng ngại trong đời.

“The Myth of Sisyphus and Other Essays” (Thần thoại về Sisyphus) - Albert Camus: Chúng ta cần có một lý do để mỗi sáng thức dậy, bước ra khỏi giường và tiếp tục cố gắng sống trọn vẹn một ngày. Nếu không có được những lý do để cố gắng, chúng ta sẽ tự hỏi ý nghĩa của cuộc sống này là gì. Tác giả Albert Camus đã mượn một câu chuyện thần thoại về Sisyphus - kẻ bị Thượng đế trừng phạt vĩnh viễn phải đẩy một tảng đá lớn lên tới đỉnh đồi để rồi hòn đá lại lăn xuống và Sisyphus phải đẩy lại từ đầu. Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều nên cố gắng vì những mục đích được xác định rõ ràng, sống vui vẻ, hạnh phúc với một nhãn quan minh bạch. Vất vả, chướng ngại không phải là điều đáng sợ bởi chẳng có đam mê nào không có thử thách.

“Tội ác và trừng phạt” - Fyodor Dostoyevsky: Sẽ có những lúc bạn cảm thấy như thể mọi thứ xung quanh đều chống lại mình và tự hỏi tại sao mình phải tiếp tục cố gắng. Cuốn tiểu thuyết của Fyodor Dostoyevsky không chỉ là một câu chuyện hấp dẫn mà còn là cuộc tranh luận về sự hư vô của cuộc đời. “Tội ác và trừng phạt” kể về anh thanh niên Raskolnikov bị dằn vặt bởi một hành động thoạt tưởng là vì chính nghĩa. Tác phẩm là sự khái quát về nỗi đau và sự chịu đựng mà thường những trí tuệ và nhân cách lớn hay gặp phải khi đối diện với thực tế cuộc đời.

“Anna Karenina” - Leo Tolstoy: Cuốn tiểu thuyết xoay quanh chuyện tình của người thiếu phụ Anna Karenina và chàng bá tước Vronsky - một mối tình bị cả xã hội đương thời lên án, để qua đó khắc họa những xung đột trong mọi mặt của sự tồn tại, từ trong nội tại con người, cho đến tình yêu, gia đình, và ra ngoài xã hội. Tất cả như muốn chống lại Anna trên con đường đi tìm hạnh phúc đích thực của cuộc đời nàng.

“Hoàng tử bé” - Antoine de Saint-Exupéry: Không có tác phẩm nào khai thác những ẩn ức của tuổi thơ và nỗi buồn của sự trưởng thành tuyệt vời hơn cuốn “Hoàng tử bé”. Tất cả người lớn đều đã từng là trẻ nhỏ, nhưng chỉ một số ít nhớ được điều này.

“The Power of Myth” (Sức mạnh của thần thoại) - Joseph Campbell: Cuốn sách được viết dưới dạng phỏng vấn giữa tác giả và một nhà báo để qua đó thể hiện nhãn quan của tác giả rằng mỗi con người chúng ta đều sống trong những câu chuyện thần thoại của riêng mình. Chúng ta mải miết cố gắng đạt được những giá trị bên ngoài nhưng nhiều khi quên mất giá trị bên trong - những giá trị chỉ có ý nghĩa đối với riêng bản thân mình nhưng lại vô cùng quan trọng để làm nên ý nghĩa cuộc đời

“The Bhagavad Gita”: Câu chuyện thần thoại trong Hindu giáo kể về hoàng tử Arjuna, chàng ra trận nhưng trong lòng ngập tràn nghi ngờ vì kẻ thù của chàng chính là bạn bè và những người thân trong gia đình. Chàng đi tìm vị thần tối cao Krishna để xin lời khuyên. Thần đã giải thích cho chàng tại sao chàng cần ra trận và giành chiến thắng. Đây là cuốn sách đã truyền cảm hứng cho anh hùng dân tộc Ấn Độ - Mahatma Gandhi. Cuốn sách cũng dành cho những người đọc đang đi tìm mục đích của cuộc đời mình và không sợ hãi tiến về phía trước.

“Siddhartha” (Câu chuyện dòng sông) - Hermann Hesse: Lấy bối cảnh Ấn Độ xưa kia và tìm cảm hứng từ câu chuyện về Đức Phật, tác phẩm xoay quanh hành trình trưởng thành về tâm tưởng của người thanh niên có tên Siddartha.

“The Year of Magical Thinking” (Suy nghĩ kỳ diệu) - Joan Didion: Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những nỗi buồn như khi người thân qua đời, chia ly, tan vỡ, thất bại… Tuy vậy, chúng ta cần phải học cả cách buồn bã. Tác giả Joan Didion đã kể lại câu chuyện của bản thân bà khi chồng bà qua đời. Khi chúng ta quyết định sống tiếp cuộc đời mình, sẽ đến lúc, chúng ta buộc phải để những người quá cố yên nghỉ, để họ thực sự ra đi khỏi tâm tưởng của mình.

“The God of Small Things” (Vị thần của những điều nhỏ nhặt) - Arundhati Roy: Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ấn Độ phản ánh những phức tạp của sự trưởng thành. Trong cuộc sống có vô vàn những suy nghĩ và những điều để nói, nhưng đôi khi, chỉ có những điều nhỏ nhặt có thể nói ra, những điều lớn lao nằm lại, lặn vào trong và không thể nói.

“Fun Home” (Ngôi nhà vui vẻ) - Alison Bechdel: Một phần của sự trưởng thành đó là tìm thấy ý nghĩa trong những kỷ niệm của tuổi ấu thơ.

“White Teeth” (Răng trắng) - Zadie Smith: Trưởng thành còn có nghĩa là chấp nhận những điều vốn đã tồn tại mặc định từ khi ta ra đời. Như trong câu chuyện của nhà văn Zadie Smith, cô được sinh ra trong một gia đình nhập cư, với những khác biệt về tôn giáo, chủng tộc. Điều đó tạo nên một Zadie Smith khác biệt khi về với gia đình và khi ra ngoài xã hội.

“The Brief Wondrous Life of Oscar Wao” (Cuộc đời ngắn ngủi kỳ lạ của Oscar Wao) - Junot Díaz: Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời của một thanh niên người Dominica nhập cư vào Mỹ. Oscar vừa phải thừa hưởng những truyền thống của gia đình, vừa phải hòa nhập với xã hội mình đang sống, dù đôi khi hai điều này chống lại nhau.

“The Beggar Maid” (Cô hầu gái nghèo) - Alice Munro: Tác phẩm của nữ nhà văn giành giải Nobel Văn học tập hợp những câu chuyện ngắn xung quanh quá trình trưởng thành của Rose từ khi còn nhỏ. Điều đáng nhớ nhất trong cuộc đời Rose, đó là cách cô đi từ xuất thân nghèo khó vươn lên trở thành một phụ nữ trẻ thượng lưu, tinh tế.

“The World According to Garp” (Thế giới theo cách nhìn của Garp) - John Irving: Tác phẩm tiếp tục là cuộc đồng hành cùng quá trình trưởng thành của nhân vật nam chính - T. S. Garp. Khi đưa nhãn quan của mình vào cuộc đời của một người khác, chứng kiến những sự kiện trong cuộc đời họ, chắc chắn bạn sẽ rút ra được điều gì đó cho riêng mình.

“Between the World and Me” (Giữa thế giới và tôi) - Ta-Nehisi Coates: Cuốn hồi ký được viết dưới dạng một lá thư gửi cho người con trai của nhà văn, kể về tuổi thơ, thời thanh niên và những năm tháng lập nghiệp của tác giả và cách ông hình thành nên thế giới quan của riêng mình. Đây là cuốn sách đã hấp dẫn cả Tổng thống Mỹ Barack Obama.

“First They Killed My Father” (Trước tiên họ giết cha tôi) - Loung Ung: Cuốn tự truyện kể lại một phần ký ức của tác giả khi còn sống ở Campuchia hồi cuối thập niên 1970, cả gia đình bà đã phải trải qua bất hạnh vì nạn diệt chủng Pol Pot của Khmer Đỏ. Cách mà tác giả đương đầu với bi kịch này là một ví dụ điển hình cho cách chúng ta đương đầu với những sự kiện gây chấn động trong cuộc đời mình, để thấy cuộc đời này vẫn luôn đẹp đẽ dù có thể đôi khi chúng ta cảm thấy không có nhiều niềm vui trong cuộc sống.

“The Truth” (Sự thật) - Neil Strauss: Cuốn sách là chuyến hành trình của nhân vật nam chính trải qua những liệu pháp cân bằng lại đời sống tình cảm của mình để chuẩn bị bước vào một mối quan hệ dài lâu với tình yêu đích thực. Tác phẩm được viết bằng giọng văn hài hước, thấm thía, sẽ cho người đọc những góc nhìn cận cảnh vào đời sống lứa đôi.

Sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh nên đọc trước tuổi 30 ảnh 5

“Phép lạ của sự tỉnh thức” - Thích Nhất Hạnh: Khoa học nhận thức đã khẳng định rằng thiền đưa lại nhiều lợi ích, như giúp giảm căng thẳng, gia tăng khả năng nhận thức, thúc đẩy trí nhớ. Cuốn “Phép lạ của sự tỉnh thức” do thiền sư người Việt - Thích Nhất Hạnh thực hiện là sự giới thiệu hoàn hảo cho những ai muốn tìm tới thiền. Cuốn sách vốn là tập hợp những lá thư được thiền sư viết gửi cho một người bạn.

“So Good They Can't Ignore You” (Quá tuyệt họ không thể lờ bạn) - Cal Newport: Lời khuyên phổ biến nhất khi một người trẻ bắt đầu khởi nghiệp đó là hãy theo đuổi đam mê. Tuy vậy, quan điểm của tác giả Cal Newport có chút khác biệt, là một giáo sư, ông nhận thấy rằng, việc thành thạo một kỹ năng nghề nghiệp cũng có thể đưa tới cho bạn niềm đam mê, thêm vào đó, năng lực nghề nghiệp có thể mở ra những cánh cửa bất ngờ, cho phép bạn tiến xa. Tác giả Cal Newport không khuyên bạn từ bỏ ước mơ, nhưng hãy đảm bảo rằng ước mơ đi liền với thực tế và hãy khiến bản thân trở thành một người có giá trị trong thị trường lao động.

“The Intelligent Investor” (Nhà đầu tư thông minh) - Benjamin Graham: Đây là cuốn sách gối đầu giường dành cho những ai mới bước chân vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh và nhiều tỉ phú lớn trên thế giới đã từng đọc cuốn này để tìm thấy nguồn cảm hứng từ đây. Cho dù lĩnh vực làm việc của bạn có thể không liên quan tới tài chính, nhưng những lời khuyên của tác giả Graham sẽ giúp bạn xử lý những vấn đề tài chính cá nhân một cách hiệu quả về lâu dài.

“Give and Take” (Cho và nhận) - Adam Grant: Trong cuốn sách do nhà tâm lý học Adam Grant thực hiện, ông chỉ ra rằng những người đưa lại nhiều giá trị cho những người xung quanh nhất chính là những người thành công nhất.

“The Power Broker” (Người buôn quyền lực) - Robert Caro: Cuốn tiểu sử kể về cuộc đời của kiến trúc sư Robert Moses - người đã lên ý tưởng thiết kế quy hoạch thành phố New York, sẽ cho người đọc hiểu rõ cách làm việc của những con người quyền lực, cách để họ đạt được thứ mình muốn và khiến mọi việc diễn ra theo đúng ý muốn của mình.

“Flow” (Chảy) - Mihaly Csikszentmihalyi: Trong cuộc sống chúng ta luôn làm tất cả để cuối cùng dẫn đến một cái đích chung, đó là có được hạnh phúc. Vậy hạnh phúc tác động tới cuộc sống của chúng ta theo cơ chế như thế nào? Đối với tác giả Csikszentmihalyi, hạnh phúc là một sản phẩm của đời sống khi chúng ta không ngừng mở rộng những giới hạn của bản thân để qua đó khám phá chính mình. Hạnh phúc là một trải nghiệm đầy tính cá nhân, không thể copy như một công thức.

“Crossing the Unknown Sea” (Băng qua vùng biển chưa biết đến) - David Whyte: Vai trò của công việc trong cuộc sống là rất lớn, đó không chỉ là “chiếc cần câu cơm” mà còn là cuộc đối thoại không ngừng giữa một người với thế giới và với chính mình. David Whyte không so sánh công việc với những nấc thang mà chúng ta có thể bình thản đặt từng bước chân của mình lên đó, ngược lại, công việc giống như một vùng biển có khi tĩnh lặng, có khi dậy sóng mà chúng ta buộc phải băng qua.

“How Will You Measure Your Life?” (Bạn sẽ đong đếm cuộc đời mình như thế nào?) - Clayton Christensen: Khi tác giả Christensen tốt nghiệp từ trường kinh doanh Harvard năm 1979, ông và các bạn học của mình cảm thấy như thể họ đang có cả một tương lai ngời ngời đợi chờ phía trước, tuy vậy, khi họp lớp năm 25 tuổi, một vài người trong số họ đã trượt dài và đang phải trải qua những cơn khủng hoảng. Cuốn sách sẽ lý giải tại sao có những người tưởng như đang được cuộc đời rất ưu ái mà cuối cùng lại để đời mình trở nên vụn vỡ, trong khi những người bình thường hơn có thể lại tiến xa.

Theo dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast