Ngân hàng - doanh nghiệp: Cùng chung một thuyền!

(Baohatinh.vn) - Khẳng định doanh nghiệp (DN) là đối tác chiến lược, có tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh tiền tệ, các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh đã tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy cho vay DN, tăng cường sự kết nối để đồng hành hiệu quả, cùng phát triển bền vững.

Ngân hàng - doanh nghiệp: Cùng chung một thuyền! ảnh 1

DN luôn là khách hàng chiến lược, chiếm dư nợ cho vay khá lớn trong hầu hết các ngân hàng thương mại.

Đồng hành, hợp tác

“Các tổ chức tín dụng cũng là những DN hoạt động ở một lĩnh vực hết sức nhạy cảm là kinh doanh tiền tệ, có tác động quan trọng đến nhiều DN ở các lĩnh vực SXKD khác. Bởi vậy, trong quá trình hoạt động, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng hài hòa giữa nhiệm vụ kinh doanh với vai trò phục vụ, hỗ trợ các DN trên địa bàn” - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến khẳng định.

DN luôn là khách hàng chiến lược, chiếm dư nợ cho vay khá lớn trong hầu hết các ngân hàng thương mại. Trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 9 đạt hơn 24.000 tỷ đồng của toàn ngành ngân hàng, dư nợ cho vay đối với DN và HTX chiếm gần 35%. “Các chính sách chăm sóc khách hàng DN được Vietcombank chú trọng bằng việc nghiên cứu, phân loại các đối tượng khách hàng lớn, nhỏ để có chính sách, sản phẩm cho vay linh hoạt. Những năm gần đây, chi nhánh tập trung cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của DN nhằm góp phần tăng sức mạnh đầu kéo, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Vietcombank Hà Tĩnh đã ký kết cho vay 3 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp của Mitraco, đến nay, đã giải ngân được 36,26 tỷ đồng cho dự án Nhà máy Chế biến súc sản Mitraco” - Trưởng phòng Khách hàng DN Vietcombank Nguyễn Thị Ngợi cho biết.

Chia sẻ khó khăn với DN, những năm gần đây, các ngân hàng thương mại không chỉ tăng cường tìm kiếm khách hàng, dự án có hiệu quả để đầu tư mà còn tích cực thực hiện việc gia hạn nợ và cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho khách hàng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 780 khách hàng với dư nợ 430 tỷ đồng. Cùng với đó, các ngân hàng đã chủ động áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh, Chính phủ, tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ cho hàng trăm DN. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số cho vay theo các quyết định về hỗ trợ lãi suất trên địa bàn đạt hơn 1.900 tỷ đồng với số lãi hỗ trợ khách hàng trên 51 tỷ đồng.

Ngân hàng - doanh nghiệp: Cùng chung một thuyền! ảnh 2

Xây dựng mối quan hệ đối tác truyền thống với Vietcombank Hà Tĩnh đã giúp Công ty CP Thủy sản Nam Hà Tĩnh chủ động nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cần hơn sự gắn kết

Mặc dù vậy, so với nhu cầu, mong muốn của các DN, HTX thì sự đồng hành, hợp tác đó vẫn chưa thực sự rộng mở đối với số đông khách hàng. Với phần lớn các DN nhỏ và vừa trên địa bàn, đặc biệt là những DN mới đi vào hoạt động, việc lo tài sản thế chấp để vay vốn thực hiện phương án SXKD vẫn luôn là bài toán hóc búa. Ngay cả những DN đã có thâm niên vay vốn tín dụng thì mong muốn ngân hàng định giá tài sản thế chấp cao hơn để có thể vay số vốn lớn, đáp ứng nhu cầu SXKD vẫn thường xuyên được đề xuất trên các diễn đàn đối thoại giữa ngân hàng và DN.

Đối với các HTX, loại hình kinh tế tập thể nhiều tiềm năng nhưng năng lực hoạt động chưa thực sự vững chắc, việc vay vốn tín dụng càng khó khăn hơn. Giám đốc HTX Minh Lộc (Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) Trần Xuân Bính cho biết: HTX vừa hoàn thành thủ tục cấp đất 50 năm trả tiền 1 lần cho 4,5 ha đất trang trại chăn nuôi và muốn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, tiếp cận ngân hàng để đề xuất nguyện vọng, HTX không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình ngay từ đầu của tổ chức tín dụng.

Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Thu Hằng (Kỳ Phong, Kỳ Anh) lại lúng túng khi muốn vay thêm 8 tỷ đồng để hoàn thành dự án nuôi 600 con lợn nái. “Hiện tại, chúng tôi đã được vay 4,7 tỷ đồng bằng hình thức thế chấp tài sản để đưa vào nuôi 300 con lợn nái. Không còn tài sản để đảm bảo cho số tiền cần vay thêm, HTX đang lúng túng trong việc tiếp cận vốn bằng hình thức tín chấp”, bà Trần Thị Thu Hằng - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Thu Hằng bày tỏ.

Ngân hàng phải tuân thủ các quy định, quy trình cho vay theo đúng luật và sự chỉ đạo của toàn hệ thống, nhất là trong giai đoạn yêu cầu về chất lượng tín dụng đang đặt lên hàng đầu như hiện nay. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều DN, HTX, để hai bên có thể cùng chung một con thuyền vượt qua sóng gió, các tổ chức tín dụng cần thực sự sâu sát trong quá trình xem xét, thẩm định, có sự cởi mở, mạnh dạn hơn nữa trong việc tăng cho vay tín chấp, nhất là khi đã đánh giá được tính khả thi của các dự án SXKD.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast