Dịu dàng và mạnh mẽ

Đó là những gì thường trực khi tôi nghĩ về các chị - những cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Kỳ Anh. Dịu dàng và mạnh mẽ không chỉ là tính cách mà còn là một “giải pháp” hiệu quả trong hoạt động. Đặc biệt, trong hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện di dời tái định cư, bàn giao mặt bằng cho các dự án lớn trên địa bàn, Hội LHPN Kỳ Anh đã có những đóng góp không nhỏ.

Tuy đã hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyên, vận động nhân dân di dời tái định cư để bàn giao mặt bằng cho tập đoàn Formosa nhưng khi tôi đề cập đến vấn đề này chị Chu Thị Thùy – Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Lợi còn tràn đầy nhiệt huyết. Những câu chuyện về tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, tái định cư cứ thế ào ào tuôn ra. Chị Thùy kể, trong những ngày đầu đi tuyên truyền, hầu hết đều gặp phải sự chống đối của người dân. Thâm chí, có những người thấy mặt mấy người cán bộ đến, họ biết ngay là đến để tuyên truyền, vận động di dời nên chưa đợi đến lúc người ta vào nhà họ đã mắng như tát nước và mặt.

Cán bộ, họi viên Hội LHPN Kỳ Anh giúp dân tháo gỡ nhà di dời tái định cư
Cán bộ, họi viên Hội LHPN Kỳ Anh giúp dân tháo gỡ nhà di dời tái định cư

Thấu hiểu người dân, chia sẻ tâm lý vào thời điểm này của họ nên những người làm công tác tuyên truyền, vận động đã có cách ứng xử phù hợp và linh hoạt. Đặc biệt, đối với những tuyên truyền viên là phụ nữ lại rất có ưu thế trong hoàn cảnh này. Tuyên tuyền chủ trương của Nhà nước để người dân hiểu được đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân, là việc phải tuân thủ nhưng khi gặp sự đối kháng (vì tâm lý) thì các chị lại nhẫn nhịn. Như chuyện “cơm sôi bớt lửa ấy”, những lúc ấy các chị rất bình tĩnh và giữ im lặng, chờ cho đến khi đối tượng hết “sôi” lại tiếp tục công việc.

Mưa dầm thấm lâu, ngày thêm ngày, người dân càng nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương di dời tái định cư của tỉnh, từ đó, họ đã tích cực hưởng ứng. Đến nay, tất cả các hộ dân thuộc diện di dời đã đến nơi ở mới. Chị Thùy vui vẻ: Tuyên truyền, vận động dân di dời là một hoạt động rất khó, phức tạp. Vì vậy, chị em xác định hoạt động thì phải mạnh mẽ nhưng xử lý tình huống thì phải hết sức mềm dẻo. Chị em đã vào cuộc được như thế và đã thành công. Thành công về di dời đã dành những quan trọng hơn là sự thành công ở lòng dân. Giờ mỗi lần gặp lại những người phản kháng quyết liệt trước đây họ lại rất vui vẻ.

Đó là một trong những chia sẻ của cấp Hội cơ sở về hoạt động tuyên truyền, vận động người dân di dân tái định cư, giải phóng mắt bằng. Trong thời gian qua, Hội LHPN huyện Kỳ Anh và các cấp Hội cơ sở thuộc các xã vùng dự án đã vào cuộc rất quyết liệt về hoạt động này. Các cấp Hội xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, được ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, ngay sau khi có chủ trương của tỉnh, các cấp Hội đã đồng loạt triển khai các hoạt động như: Tổ chức họp BCB phụ nữ các xã vùng dự án để triển khai hoạt động; tổ chức sinh hoạt chi hội để tuyên truyền về các nội dung của chủ trương gắn với các chuyên đề về xây dựng hạnh phúc gia đình; tổ chức các hội thi, hái hoa dân chủ tìm hiểu về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác đền bù, GPMB, đào tạo nghề; trực tiếp đến tận các hộ gia đình để vận động, giải thích; thăm hỏi, tặng quà động viên các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Từ sự vào cuộc mạnh mẽ, sát thực và với những ứng biến linh hoạt, phù hợp, các chị đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể nhanh chóng xóa bỏ được tâm lý không muốn di dời vùng quê của người dân, khơi dậy được tinh thần trách nhiệm và khí thế tích cực thực hiện chủ trương di dời trong dân.

Khi lòng dân đồng thuận, cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp lại đồng hành chia sẻ khó khăn với người dân trong quá trình thực hiện di dời, tái định cư, ổn định đời sống. Trong thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ Kỳ Anh đã huy động 1590 cán bộ, hội viên trong toàn huyện giúp đỡ hàng ngàn ngày công cho 875 gia đình tháo gỡ nhà cửa, vận chuyển nguyên vật liệu lên khu tái định cư. Mặt khác, thực tế lại đòi hỏi ở chị em một nhiệm vụ đồng hành khác, đó là khi người dân thực hiện di dời đồng nghĩa với việc họ nhận tiền đền bù.

Với những người dân thuộc vùng di dời huyện Kỳ Anh, bao đời nay họ chỉ sống với hạt lúa, củ khoai nhưng lần này họ lại cầm trong tay đến hàng trăm triệu đồng. Để phát huy hiệu quả đồng tiền đó như thế nào thì người dân còn “mù” lắm. Vì vậy, các cấp Hội Phụ nữ đã nhanh chóng vào cuộc, tập trung tuyên truyền cho hội viên về việc bảo quản tiền và chi tiêu đúng mục đích như gửi tiền vào ngân hàng để tránh bị mất mát, đầu tư xây nhà trên vùng đất mới, chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế để đảm bảo đời sống lâu dài; mua sắm hợp lý…

Nhờ sự đồng hành sát sao của Hội phụ nữ nên 100% số tiền đền bù trong dân không bị mất mát; nhiều hội viên đã nhanh chóng làm nhà ở và đầu tư phát triển kinh tế, tạo thu nhập ngay từ khi mới về nơi ở mới, sớm ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, trong suốt cuộc hành trình tuyên truyền, vận động, giúp người dân di dời tái định cư, điều để các cán bộ Hội băn khoăn, trăn trở nhất là vấn đề việc làm. Rất nhiều hội viên đến nơi ở mới không có việc làm. Để tháo gỡ bức xúc này, Hội LHPN huyện đã chủ động tham mưu với huyện trong việc tìm kiếm việc làm, huy động các nguồn lực hỗ trợ. Tính đến thời điểm này, Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức được 6 hội thảo về chuyển đổi nghề cho cán bộ, hội viên; 20 lớp tập huấn về chế biến dậu phụ, mây tre đan cho 600 lượt cán bộ, hội viên. Các cấp Hội cơ sở còn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, đúc gạch táp lô, làm đậu, mây tre đan, dịch vụ buôn bán nhỏ, kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải, dịch vụ ăn uống…. Riêng địa bàn các xã vùng tái định cư, Hội đã xây dựng được 150 mô hình kinh tế các loại, cho thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng/tháng/người.

Ngoài ra, một số chị em đã tham gia học nghề đón đầu dự án. Hiện đang có 55 hội viên tham gia học tiếng Trung; một số đã phiên dịch cho người nước ngoài, cho các nhà hàng với thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng…

Đến nay, công tác GPMB ở huyện Kỳ Anh đạt nhiều kết quả tốt, bước đầu tạo điều kiện cho các dự án triển khai trên địa bàn, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Phụ nữ huyện. Tuy nhiên, với đặc thù của Kỳ Anh, nhiều dự án lớn và mới tiếp tục được triển khai, qui mô mở rộng dự án tại các xã lân cận … thì công tác GPMB còn là nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài. Điều đặc biệt quan tâm nữa là tính chất phức tạp của hoạt động ngày càng tăng. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, ngành, các tổ chức, đoàn thể tiếp tục vào cuộc với những yêu cầu mới.

Chị Hà Thị Lam – Chủ tịch Hội LHPN Kỳ Anh cho biết: Để tiếp tục triển khai hoạt động hiệu quả, bên cạnh nhưng kinh nghiệm đã có, Hội cũng đã xác định những khó khăn thách thức trước mắt như trình độ, năng lực vận động của một số cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế; nhận thức của hội viên còn thấp, lập trường tư tưởng không vững vàng, dễ bị kích động, lôi kéo; đời sống, việc làm của gia đình nhiều hội viên chưa ổn định… Thời gian tới, Hội sẽ tập trung nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, hội viên. Và trên cơ sở đó sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của người phụ nữ để vào cuộc, đóng góp công sức xây dựng khu công nghiệp phía Nam Hà Tĩnh phát triển, góp phần làm giàu quê hương, đất nước cũng như để nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế cho chị em phụ nữ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast