Dòng nhạc thiếu nhi: Nỗi lo “già hóa”

(Baohatinh.vn) - Việc các em thiếu nhi gồng mình hát những bài hát người lớn, quằn quại trong các bản nhạc tình dường như đã không còn ngỡ ngàng với khán giả. Vậy nhưng, câu chuyện chưa bao giờ hết “sốt”, bởi thực tế hình ảnh đó xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội, chương trình giải trí truyền hình. Điều này cho thấy dòng nhạc thiếu nhi đang dần bị lãng quên và thay thế...

“Vang bóng một thời”

Những thập niên của thế kỷ 20, giai điệu nhẹ nhàng của các bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng, Em đi giữa biển vàng, Em là búp măng non, Khăn quàng thắm mãi vai em, Em bay lên trong đêm pháo hoa… được đông đảo thiếu nhi nâng niu như một món ăn tinh thần vô giá. Tên tuổi của những Phạm Tuyên, Phong Nhã, Hoàng Lân, Phạm Trọng Cầu… được biết đến như là những vị cha đáng kính của trẻ em trên khắp mọi miền đất nước. Thế hệ học sinh ngày ấy hát và múa theo sự nhịp nhàng, ngân nga của Em đi giữa biển vàng, nghe mêng mang trên đồng lúa hát, hương lúa chín thoang thoảng bay… hay Khi trong phương Đông vừa hé ánh dương, khăn quàng trên vai chúng em đến trường…

“Doremon tóc xoăn” – Nguyễn Hoàng Anh với những tiết mục "già hóa". Ảnh Zing.vn
“Doremon tóc xoăn” – Nguyễn Hoàng Anh với những tiết mục "già hóa". Ảnh Zing.vn

Công chúng cũng từng hâm mộ sự ngây thơ, đáng yêu trong các ca khúc thiếu nhi của Xuân Mai, Xuân Nghi những năm 2000. Ở giai đoạn ấy, Báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học giáo dục VTV, Ban Âm nhạc - Đài Tiếng nói Việt Nam đã bình chọn 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20. Tuyển tập ấy phần nào khẳng định sức sống mãnh liệt của các ca khúc thiếu nhi với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình thầy trò, bè bạn nhẹ nhàng mà sâu sắc. Vậy nhưng, bước sang thế kỷ mới, những bài hát ấy dường như bị lãng quên trong vòng xoáy của toàn cầu hóa, khi thị trường âm nhạc phát triển như vũ bão. Thay vào đó là những điệu nhảy rock, hiphop, những bản nhạc dồn dập như Con bướm xuân, Gangnam style…

Khi thiếu nhi hát nhạc người lớn

Cùng với xu thế hội nhập, sự giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ, âm nhạc Việt cũng không tránh khỏi sự tác động từ bên ngoài. Những bản nhạc ngoại lời Việt, những nhóm nhạc trẻ xuất hiện ngày một nhiều. Trong khi đó, các giai điệu thiếu nhi mờ nhạt rồi dần bị lãng quên. Thay thế thời “hoàng kim” của Xuân Mai, Xuân Nghi là Bé Châu, Lon Ton, Thiên Ngân, rồi các nhóm nhạc HKT, HKT-M, ACK... với trang phục biểu diễn bó sát, tóc nhuộm đỏ, hát những bài yêu đương mùi mẫn đi kèm vũ điệu sôi động.

Không chỉ sản xuất các clip ca nhạc thiên về tình yêu như Anh không yêu em, Thuốc giảm đau, Lời yêu, các em còn được nhà quản lý xây dựng chương trình biểu diễn khắp các tỉnh, thành và cả nước ngoài. Điều đáng trách là một bộ phận công chúng không nhận thấy sự kệch cỡm mà chào đón các em như một hiện tượng cách tân, một trào lưu phá cách trong âm nhạc. Họ đâu biết những màn trình diễn ấy phải đánh đổi bao nhiêu công sức, thời gian tập luyện về thanh nhạc, vũ đạo. Trong các cuộc gặp mặt, họp báo, sự cường điệu cũng làm mất vẻ hồn nhiên đúng nghĩa của một đứa trẻ. Đó dường như là cuộc đua về danh tiếng, lượng người hâm mộ và doanh thu, lợi nhuận ăn theo từ các ca sĩ nhí.

Hiện nay, dạo quanh các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp đường dẫn tương tự như “Cô bé 3 tuổi hát Tìm lại bầu trời, Suy nghĩ trong anh, Teen vọng cổ”. Thậm chí, chương trình ti vi với các kênh iTV, YanTV… cũng phần lớn phát sóng nhạc trẻ, nhạc Hàn với lời lẽ nặng về yêu đương, trang phục biểu diễn không phù hợp. Vậy mà, nhiều em nhỏ lắc lư hát theo một cách thuần thục, đọc vanh vách tên bài hát và ca sĩ thể hiện.

Trong các buổi lễ sinh nhật, đêm hội tết thiếu nhi, tết trung thu... những bài nhạc chế với ngôn từ sến sẩm, phản cảm nhưng lại được các em say sưa hát và lấy đó làm vui thích, sáng tạo. Tôi đã từng tròn mắt khi nghe cậu em học lớp 2 nghêu ngao: đến bao giờ mới được có em, đến bao giờ thấy được cầu vồng… Các em bắt chước câu từ, giai điệu rồi dần hiểu những lời lẽ yêu đương, khiến lối suy nghĩ trở nên nhạy cảm, tâm hồn già dặn hơn. Điều này tác động xấu đến quá trình hình thành tính cách của con trẻ.

Thời gian gần đây, các chương trình truyền hình phiên bản “nhí” xuất hiện dày đặc lại càng khẳng định, chẳng thể nào “hạ nhiệt” câu chuyện trẻ em hát nhạc người lớn. Khi chương trình Đồ Rê Mí ra đời, công chúng vững tin hơn ở một gameshow đúng nghĩa, nơi các ca khúc thiếu nhi được khẳng định, các em nhỏ được tự do thể hiện bản thân, hứa hẹn tạo ra một sân chơi tài năng cho thiếu nhi. Nhưng vừa qua, chương trình bỗng dưng được nhào nặn theo lối “người lớn hóa” khi các em song ca Bóng cây K’nia, Biển hát chiều nay… cùng người lớn, hay phiên bản Nobody nhí nhảnh ăn theo một nhóm nhạc Hàn Quốc.

Liệu các em có thực sự hiểu nội dung, cảm xúc cần thể hiện khi hát ca khúc người lớn? (Trong ảnh: Thí sinh Giọng hát Việt nhí 2014 Quỳnh Anh thể hiện Khúc hát sông quê). Ảnh: Dienanh24h
Liệu các em có thực sự hiểu nội dung, cảm xúc cần thể hiện khi hát ca khúc người lớn? (Trong ảnh: Thí sinh Giọng hát Việt nhí 2014 Quỳnh Anh thể hiện Khúc hát sông quê). Ảnh: Dienanh24h

Ngay cả với Giọng hát Việt nhí, người ta có cảm nhận rằng, nhà sản xuất, huấn luyện viên đang hướng các em đến sự già hóa trong ca khúc và phong cách trình diễn. Tất cả đều chín chắn, dạn dĩ khi thể hiện Làng lúa làng hoa, Thương nhau lý tơ hồng, Bóng ma… Thậm chí, có cô bé hát một loạt ca khúc nhạc Trịnh: Còn tuổi nào cho em, Một cõi đi về, Hoa vàng mấy độ... Âm nhạc đúng điệu và đi vào lòng người ở chỗ, người hát thực sự đặt mình vào bài hát để cảm nhận cảm xúc, ý nghĩa mà tác giả gửi gắm. Liệu các em có thực sự hiểu hết những ca từ mà mình cất lên, hiểu đúng hoàn cảnh và cảm xúc mình cần thể hiện?!

Tuy vậy, không thể nói tất cả các bài hát người lớn đều không dành cho thiếu nhi. Các em vẫn có thể hát Cây vĩ cầm, Mẹ yêu... theo hướng cách tân trong phối khí, biểu diễn, miễn là phù hợp lứa tuổi. Giọng hát Việt nhí đã từng sửa lời bài hát Sóng tình thành Sóng tình bạn, từ Thương nhau lý tơ hồng của tình cảm lứa đôi thành tình cảm bạn bè từ hai miền đất nước. Mặc dù cải biên đã có sự phù hợp, các thí sinh nhí biểu diễn khá ăn ý, nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Bởi đó chỉ là sự vay mượn tạm thời và cách làm này cũng chưa được phát huy, phổ biến.

Trăn trở tìm hướng đi

Bên lề các chương trình truyền hình, nhiều người lý giải việc trẻ em hát nhạc người lớn là do thiếu vắng ca khúc dành cho thiếu nhi. Các ca khúc đều đã cũ, không phù hợp xu hướng âm nhạc hiện đại, không phô diễn được khả năng cảm thụ, thanh nhạc của thí sinh. Điều này quả không sai, bởi hiện nay, hầu như không có bài hát mới cho lứa tuổi thiếu nhi. Đợt phát động sáng tác năm 2013, cuộc thi Giọng hát Việt nhí chỉ nhận được 49 ca khúc từ 12 tác giả, hầu như chúng đều không được sử dụng vì không… phù hợp. Trên thực tế, nước ta vẫn có các đợt vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi, có tôn vinh, trao giải, nhưng sau một thời gian không được phổ biến, các ca khúc lại “nằm yên bất động”. Phần lớn nhạc sĩ bây giờ không còn mặn mà với nhạc thiếu nhi mà chú tâm vào dòng nhạc thị trường, bởi có nhiều đơn đặt hàng và lợi nhuận “khủng” nhờ ăn theo thị hiếu của khán giả.

Trong các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng vừa qua, có dịp cùng các đội viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) làm lễ kết nạp đội viên, tôi đã rất thích thú khi các em hát vang bài Hát về Anh do chính cô giáo Nguyễn Hoài Ngọc sáng tác. Cô Ngọc chia sẻ: “Những ca từ được thai nghén ngay khi hoạt động làm báo tường kỷ niệm ngày sinh Lý Tự Trọng được phát động. Vừa tri ân tấm gương anh hùng liệt sỹ, bài hát vừa là món quà tôi gửi đến các học trò nhỏ để các em thêm yêu quê hương, đất nước”.

Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam, không hề thiếu những bài hát có thể phô diễn chất giọng, khả năng cảm thụ của các em. Các ca khúc đều đa dạng chủ đề, từ ca ngợi Đảng, cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước đến tình cảm gia đình, tình thầy trò, bè bạn như: Màu cờ tôi yêu, Ca ngợi Tổ quốc, Bàn tay mẹ, Bụi phấn, Cánh én tuổi thơ… Việc chọn những bài hát này không hề mâu thuẫn với việc lựa chọn tài năng âm nhạc bởi chúng có cường độ, tiết tấu không thua kém các bài hát dành cho người lớn.

Thiếu nhi hát nhạc người lớn không chỉ bởi từ tác động mạnh mẽ của dòng nhạc thị trường mà còn do các ông bố, bà mẹ lơ là dạy dỗ, quản lý con cái trong việc nghe gì, xem gì. Trong khi đó, chương trình truyền hình chỉ quan tâm số lượng và nhu cầu khán giả. Để âm nhạc thực sự là cầu nối tâm hồn, giúp các em phát triển tự nhiên, cần quan tâm đến việc sáng tác các ca khúc thiếu nhi và có cách phổ biến hiệu quả, đồng thời, phụ huynh phải định hướng đúng đắn khi giáo dục con cái, có sự phối hợp mật thiết giữa gia đình – nhà trường. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có một chế tài phù hợp trong quản lý chương trình thiếu nhi để tạo ra sân chơi thực sự lành mạnh, phù hợp lứa tuổi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast