"Cống hiến là lẽ sống, niềm tin là hạnh phúc”!

(Baohatinh.vn) - “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”- đó là câu thơ của nhà thơ Tố Hữu và cũng là tâm tư, tình cảm của ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh. Mỗi khi nghĩ đến Người, dường như ông có thêm động lực, làm việc hiệu quả hơn, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với gia đình, với xã hội...

Đương chức luôn bận rộn

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đang là Phó Bí thư Đoàn xã Thạch Châu (Thạch Hà), Trần Thanh Bình đã ký đơn tình nguyện bằng máu để được xông pha nơi chiến trường đánh giặc.

Trải qua gần 13 năm chinh chiến, trường học quân đội đã rèn cho ông trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp Học viện Chính trị Quân đội, ông được điều động về công tác ở Cục Chính trị Quân đoàn I. Chất lính được đào luyện trong máu và nước mắt, đó là lòng quả cảm, chấp nhận hy sinh, sự thanh cao, trung thực, tình yêu thương đồng đội, yêu thương con người. Chỉ thế thôi đã nói lên thật nhiều phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ trong ông.

cong hien la le song niem tin la hanh phuc

Ông Trần Thanh Bình tặng quà cho con chiến sĩ hải quân Nguyễn Hữu Thủy (thị trấn Thạch Hà) làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa.

Đất nước hòa bình, thống nhất, Trần Thanh Bình lại tình nguyện về huyện theo chủ trương của Đảng với khát vọng được thử sức ở môi trường mới. Ông làm ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, theo dõi các huyện miền núi phía Tây xứ Nghệ, rồi làm Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn 8 năm; sau về làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Huyện ủy Thạch Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Khắc sâu những lời dạy của Bác, ở môi trường công tác nào, ông luôn phục tùng sự phân công của tổ chức, không đắn đo, toan tính, luôn nhiệt huyết, tận tâm với công việc, lăn lộn với cơ sở; biết chắt lọc, khai thác trí tuệ của mọi người, vì ông nghĩ “Cuộc đời chẳng có gì khó, chỉ sợ mình không chịu khó mà thôi”.

Điều đáng trân trọng nhất ở ông là sau mấy chục năm rời quân ngũ, phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ vẫn vẹn nguyên và ngày càng tỏa sáng. Chức trách, nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao có khi này, khi khác, nhưng nhịp đập trái tim người lính chỉ có tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng, với con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Ông luôn tâm niệm: “Cống hiến là lẽ sống, niềm tin là hạnh phúc”. Ông đã tham mưu nhiều chủ trương phát triển KT-XH, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ vậy, Thạch Hà thường là đơn vị “châm ngòi” cho các phong trào như giao thông nông thôn, quy hoạch sắp xếp hệ thống trường học, xây dựng cụm tuyến an toàn làm chủ và liên kết đào tạo đại học, tuyển dụng trí thức trẻ… Và sau này, nhiều người trong đội ngũ cán bộ mà ông có công dìu dắt, rèn luyện đã phát triển thành những cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng người dân nhiều địa phương vẫn khắc sâu hình ảnh một người lãnh đạo xuống cơ sở “bám đồng lội ruộng”, chỉ đạo làm công trình thủy lợi để có nước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp dân xóa đói giảm nghèo. Ông đã không quản sớm hôm, mưa nắng đôn đốc việc làm đường giao thông, góp ý xây dựng trường học, trạm xá, hội quán… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Không ít lần ông về từng thôn xóm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, dựa vào dân để làm công tác cán bộ, chọn đúng người có đức, có tài và nhiệt huyết ra gánh vác nhiệm vụ của địa phương, đưa phong trào đi lên. Ở Trần Thanh Bình, lý trí và tình cảm hòa quyện với nhau, thành niềm tin sắt son, làm cho con người có tình yêu thương lớn, có lòng trung thành và lối sống thanh bạch; giúp con người vượt qua mọi cám dỗ của tiền bạc, danh vọng… Ông sống rất bình dị, mẫu mực và liêm khiết, hòa đồng với mọi người trong cuộc sống nhưng rất nghiêm khắc với công việc và với chính bản thân, kể cả việc sử dụng phương tiện và tài sản công. Ông cho rằng: “Tiền tài, danh vọng rồi cũng mất đi, cái đọng lại vĩnh hằng là tình đời và tình người chân chính”.

Về hưu không an nhàn

Sau hơn 40 năm chiến đấu và công tác, năm 2009, ông Trần Thanh Bình được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu. Lẽ ra ở cái tuổi đó người ta có thể nghỉ ngơi, nhưng ông lại tiếp tục gánh vác trách nhiệm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. Theo suy nghĩ của ông, làm công tác khuyến học, khuyến tài cũng là cơ hội để mình góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh để đường đến trường của các em bớt đi những gập ghềnh, để ươm mầm những tài năng cho quê hương, đất nước.

cong hien la le song niem tin la hanh phuc

Ông Trần Thanh Bình đến thăm và trao học bổng cho học sinh nghèo phường Sông Trí, TX. Kỳ Anh

Làm khuyến học đòi hỏi đức tính kiên trì, chịu khó và cả chịu… nhục, bởi việc xã hội hóa huy động các nguồn lực cho giáo dục đâu phải dễ, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp ủng hộ quỹ khuyến học trong thời buổi suy thoái kinh tế càng khó hơn, chừng nào họ chưa tin mình thì khó mà thành công. Nhưng thôi, “mình đi xin cho các cháu học sinh nghèo, chứ có phải xin cho bản thân đâu”. Nghĩ vậy, làm được vậy, ông thấy mình thanh thản, càng nhiệt huyết hơn trong công việc.

Trần Thanh Bình không những tâm huyết mà còn luôn sáng tạo. Ông tham mưu để chính quyền và các đoàn thể cùng vào cuộc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng học tập, các hoạt động bổ trợ giáo dục, tạo được nhiều mô hình có sức thuyết phục cao.

Vừa tích cực đi vận động, ông vừa tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chủ trương tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật để xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài nhưng ý nghĩa sâu xa là đánh thức truyền thống hiếu học và sự quan tâm của mỗi người dân đối với sự học của con em. Hai lần tổ chức sự kiện với chủ đề “Vì lợi ích trăm năm trồng người” năm 2012 và “Ươm mầm trí tuệ đất Hồng Lam” năm 2016, hội đã vận động được nguồn quỹ gần 46 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, Hội Khuyến học Hà Tĩnh đã huy động được 201 tỷ đồng quỹ khuyến học, đã trao thưởng và tặng học bổng cho hàng trăm ngàn lượt học sinh, sinh viên.

Niềm vui của ông Trần Thanh Bình nằm ở giá trị tinh thần từ những suất học bổng hỗ trợ học sinh. Số tiền nhận mỗi suất học bổng có thể không nhiều về giá trị vật chất, nhưng đã nhen lên trong các em niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp hơn ở cuộc sống để vượt khó vươn lên, đồng thời giúp cho phụ huynh, học sinh và cả cộng đồng am hiểu sự học, hình thành được động cơ học tập đúng đắn, góp phần xây dựng xã hội học tập bền vững.

Ở tuổi thất thập và đã 50 năm tuổi Đảng, không chỉ miệt mài với công tác khuyến học, khuyến tài, mà bằng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được sau mấy chục năm công tác, ông vẫn viết báo, viết sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là thế hệ trẻ. Ông đã thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

Sống là làm việc hết mình, ông Trần Thanh Bình luôn được mọi người nhắc tới với một tình cảm trân trọng, quý mến, là con người của công việc. Hạnh phúc lớn nhất của ông là được phục vụ nhân dân. Ông tìm thấy niềm vui lớn trong mối quan hệ yêu thương của mình đối với xã hội và của xã hội đối với mình.

Ông là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xứng đáng với tấm Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp đã trao tặng.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast