Cần coi trọng công tác biên soạn lịch sử Đảng ở các địa phương

Thấu suốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta”, Ban Bí thư TƯ Đảng (Khoá IX) đã ra Chỉ thị số 15-CT/TƯ ngày 28-8-2002 về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”. BTV Tỉnh uỷ Hà Tĩnh (khoá XVI) cũng đã có Chỉ thị số 22 ngày 28-12-2007 về vấn đề này.

Thực hiện Chỉ thị của T.Ư và của Tỉnh uỷ, trong thời gian qua, các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn , xuất bản lịch sử Đảng; nhiều công trình, chuyên đề lịch sử có giá trị đã được triển khai nghiên cứu, biên soạn và xuất bản.

Nhiều địa phương ở huyện Can Lộc đã hoàn thành việc xuất bản lịch sử Đảng bộ.
Nhiều địa phương ở huyện Can Lộc đã hoàn thành việc xuất bản lịch sử Đảng bộ.

Đến nay, bộ sách Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh gồm 3 tập (từ năm 1930-2010) đã ra mắt bạn đọc; 9/12 huyện, thành phố, thị xã và 84/262 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã xuất bản và phát hành sách lịch sử Đảng. Kết quả đạt được trong công tác sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ nhận thức, lý luận, rèn luện phẩm chất đạo đức và giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tình cảm yêu nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đặc biệt là việc giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, vì thế hệ trẻ ngày nay sinh ra và lớn lên khi đất nước hoà bình, họ đã và đang được hưởng thành quả cách mạng của các thế hệ đi trước. Bởi vậy, nếu chúng ta làm tốt việc giáo dục truyền thống sẽ giúp thế hệ trẻ phát huy vai trò xung kích trên mọi lĩnh vực, nâng cao lòng yêu nước, yêu chế độ CNXH, tạo bước chuyển biến mới vững chắc hơn về ý chí, niềm tin, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ cách mạng mới.

Việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng ở tỉnh ta, thời gian qua đã có nhiều cố gắng nhưng so với mục tiêu đề ra trong các chỉ thị của T.Ư và của Tỉnh uỷ thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong 3 đơn vị khối huyện, thành phố, thị xã chưa xuất bản được lịch sử thì Đảng bộ thị xã Hồng Lĩnh nên khẩn trương tiến hành, riêng huyện Vũ Quang và huyện Lộc Hà thành lập sau, đang cần có thêm thời gian để khẳng định.

Đối với khối xã, phường, thị trấn, đến nay, chỉ đạt tỷ lệ gần 32%, tiến độ như vậy là chậm; trong đó: 2 huyện Hương Khê, Vũ Quang thì 100% đơn vị chưa xuất bản được lịch sử Đảng(?). Tìm hiểu qua cán bộ Ban tuyên giáo hai huyện trên, được biết, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng địa phương gặp muôn vàn khó khăn, từ việc sưu tầm tư liệu, thẩm định tư liệu, cử người viết v.vv…nhưng nan giải nhất vẫn là… không có kinh phí để in sách (!).

Những lý do trên rất chính đáng, tuy nhiên tại sao công tác này ở huyện Can Lộc và Cẩm Xuyên lại làm rất tốt, khi có trên 90% số xã, thị trấn hoàn thành việc xuất bản và phát hành lịch sử Đảng(?). Như vậy phải chăng những đơn vị đó nên đến Can Lộc và Cẩm Xuyên để học hỏi kinh nghiệm, đặng về làm tốt nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.

Công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng địa phương có hiệu quả thiết thực, cả trước mắt và lâu dài. Đây là một việc làm khó khăn, phức tạp vì thời gian diễn ra sự kiện đã lâu, các nhân chứng có lúc nhớ lại sự kiện không giống nhau, kinh phí để viết và in ấn eo hẹp… Thực tế ở huyện Can Lộc và Cẩm Xuyên đã khẳng định: việc dù khó nhưng nếu có quyết tâm và biện pháp chỉ đạo sát sao, các đơn vị vẫn có thể hoàn thành đúng theo yêu cầu.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn các cấp uỷ Đảng cần quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng địa phương, để thực hiện được mục tiêu “Dân ta phải biết sử ta” như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast