Bài ca của gió rừng

(Baohatinh.vn) - Ông Giám đốc Bảo tàng tỉnh nghe tin đồn sau cơn lũ mồng 10 tháng 8, ở trong rừng Vũ Quang hiện ra nhiều di vật thời Cần vương nên cử tôi đi sưu tầm.

Truyện ngắn của Đức Ban

Năm 1885, triều đình Huế thất thủ, Thượng thư Tôn Thất Thuyết và một số cận thần, lính tráng phò vua Hàm Nghi về Sơn Phòng, Hà Tĩnh. Ở đấy, vị vua 15 tuổi ra chiếu Cần vương lần thứ hai. Sỹ phu ở khắp các vùng quê kéo về tụ nghĩa dưới cờ Tán lý Quân vụ Phan Đình Phùng. Họ xây dựng căn cứ địa trong rừng Vũ Quang và chiến đấu chống giặc Pháp suốt 10 năm đằng đẵng đến năm 1895 thì thất bại. Vua Hàm Nghi thì bị giặc Pháp bắt vào cuối năm 1885. Ngài để lại cho dân trong vùng ba con voi bằng vàng, một con nghê bằng đồng, một bộ áo bào, mấy thanh kiếm… Dân chúng gọi đồ ấy là báu vật và cất giữ vẹn nguyên suốt hơn một trăm năm qua.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Ông Giám đốc nói, chẳng lẽ cuộc chiến bi tráng trong rừng Vũ Quang chỉ có mấy thứ ấy? Tháng giêng là kỷ niệm 110 năm phong trào Cần vương. Cậu làm một đợt sưu tầm. Nếu cần đón tết trên ấy. Đừng có về tay không đấy!

Một ngày đẹp trời cuối tháng chạp, tôi lên chuyến xe khách xuất phát từ thành phố lúc mờ sáng, nửa chiều thì đến thị trấn Sơn Linh. Tôi đi bộ vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Gia, ở đó, cô Len - cán bộ Bảo tàng đón tôi để dẫn vào đền thờ cụ Phan ở bên hồ Ngàn Huội. Ra khỏi Vũ Gia là gặp hồ Ngàn Huội xanh ngắt, trải hút về phía rừng. Có thể nhận ra dải đất kéo dài men theo bờ hồ trước kia là một cánh rừng già qua những gốc cây to lớn nghiêng ngả, một con suối cạn đá xám chất chồng.

Rồi chúng tôi rẽ vào một bãi đất vuông vắn đầy địa y. Cuối bãi đất là đền thờ cụ Phan Đình Phùng và nghĩa quân. Đền một gian, tường gạch, mái ngói. Giữa sân có tấm bia đá mỗi chiều hơn một mét, ghi tiểu sử và hành trạng cụ Phan. Trên bàn thờ chỉ có giá nến, bát hương và dăm bảy thứ khán thờ, hộp sắc, mâm chè, ấn kiếm… làm bằng gỗ, đường nét thô nhưng lại được sơn, nhũ sặc sỡ.

Chăm sóc đền thờ có hai người: cô Len và lão Xín. Cô Len học khoa sử đại học sư phạm. Năm Len tốt nghiệp, không nơi nào nhận giáo viên dạy sử. Đang lúng túng thì Sở Văn hóa Thông tin cần tuyển người làm công tác bảo tàng, Len ghi tên và một tháng sau thành công chức, liền đó nhận quyết định lên Ngàn Huội. Còn lão Xín người dân tộc. Hàng ngày, vào lưng chiều, lão đi bộ từ bản ra, lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ. Sau đó, lão chèo thuyền ra giữa hồ Ngàn Huội, mãi lúc không còn thấy bờ đâu nữa mới trở về. Đêm, lão hầu như không ra khỏi phòng. Ngọn đèn dầu cứ như một đốm lửa lóe sáng đến tận gà rừng gáy.

Tôi hỏi, lão Xín là người thế nào? Cô Len nói, lão là người tốt. Lão tự nguyện làm việc cho bảo tàng. Ngoài 70 ngàn đồng tiền phụ cấp, lão chẳng được hưởng gì thêm. Tôi hỏi, thật vậy à? Im lặng một lúc, cô Len nói như giải thích rằng, cố nội lão là nghĩa quân của cụ Phan bị giặc Pháp bắn chết rồi ném xuống hồ Ngàn Huội; rằng, dân bản Giàng có bài ca về chuyện bà cố nội lão Xín đi tìm chồng. Tôi hỏi, Len có thuộc bài ca ấy không? Cô đáp, em không thuộc. Tôi hỏi lại, không thuộc à? Cô lại đáp, em không thuộc. Lát sau, tôi nói, chắc lão Xín biết nhiều điều lắm. Cô Len nói, anh đi mà hỏi lão ấy.

Ngay chiều ấy, tôi và cô Len đến bản. Bản rải rác vài chục nóc nhà trên mấy ngọn đồi trọc. Nhà lão Xín nằm cuối bản. Thấy tôi, lão nheo nheo mắt nhìn nhưng không nói gì. Vợ lão đang xếp lá giong cạnh những bắp chuối rừng màu đỏ sẫm. Gian nhà thơm mùi lá tươi. Lão Xín rót nước trong cái ấm nhôm ra hai cái bát sứ có in chữ bên hông đọc không ra chữ gì rồi đẩy về phía tôi. Lão gầy, khuôn mặt rộng, rất nhiều đường nhăn nằm ngang. Lão mặc bộ quần áo màu xanh sẫm, vài cái hoa văn vẽ bằng nét thẳng và cong màu trắng và các mảng màu xanh đen. Tôi nhìn thấy trên thanh xà cạnh lối xuống bếp treo lủng lẳng mấy đụi ngô vàng, một quả bầu khô, nhúm dây giang, một xâu quả chà và và ngoài cùng ngay trên đầu tôi là một cái ống gỗ sơn đỏ, họa tiết trang trí hình rồng màu vàng. Tôi đoán đấy là rồng thời Nguyễn, nó toát ra vẻ oai nghiêm có tính áp chế theo mẫu hình rồng đời Thanh bên Tàu.

Tôi chỉ tay lên xà nhà, xin lão cho xem cái ống gỗ. Lão nói, không được đâu. Nói xong thì đến ngồi trên cái ghế làm bằng một gốc cây kê sát đầu cầu thang nhìn ra rừng. Một lúc sau, tôi hỏi là ngày chọi trâu mồng 10 tháng 8, trên này có lũ rừng phải không thì lão gật đầu rồi nói, lũ to, đem về bản ta nhiều thứ và cuốn đi nhiều thứ. Tôi hỏi lão là có thấy vật cổ nào không, vật giống như cái ống trên xà nhà ấy thì lão đứng dậy, lắc lắc đầu.

Cô Len giật áo tôi, ý bảo về. Dọc đường đi, tôi hỏi cô Len, sau cơn lũ hồi tháng 8, Len tìm được hiện vật nào cho Bảo tàng không? Không. Rừng mênh mông thế. Cô đáp gọn. Rồi tôi hỏi, Len có nghĩ là cái ống gỗ chạm hình rồng trên xà nhà lão Xín có thể là vật đựng di chiếu Cần vương không? Cô Len đáp, không. Tôi bực, nói cô ở trên này bao nhiêu lâu rồi mà hỏi cái gì cũng trả lời không biết, không biết là sao? Cô Len im lặng, mặt tỉnh bơ. Cộng tác với một người thế này, áp tết, tôi về với một con số không là chắc. Sẽ chẳng có gì để nói với ông giám đốc về di vật thời Cần vương. Lòng dạ tôi bồn chồn nghĩ đến lúc thấy gương mặt cau có của ông ta.

Nửa chiều thì lão Xín đến. Lão nói, có khách nên ta ra chứ không thì ta ở trong nhà ta. Tết sắp về bản, việc nhiều như lá cây.

Lão lấy trong cái túi vải nhàu nhĩ ra một ống nứa, một đầu nút lá chuối khô. Lão nói, rượu dân bản ta nấu bằng ngô trồng trên đồi, mày uống xem có ngon hơn rượu người Kinh không. Tôi nâng ống nứa lên uống một ngụm và “khà” một cách sành rượu rồi khen ngon, ngon. Lão có vẻ bằng lòng. Tôi nói, tôi đi sưu tầm di vật thời Cần vương, những thứ cổ xưa như cái ống gỗ có hình rồng trên xà nhà lão.

Lão nói, lão có nghe nói về Cần vương, có biết chuyện đánh nhau ở trong rừng này. Lâu rồi… Lão im bặt, đăm đăm nhìn tôi. Ánh mắt lão khắc khoải khiến tôi nhớ tới chuyện cố nội lão mà cô Len kể hôm qua. Tôi nắm lấy những ngón tay chai sạn của lão, lòng bỗng nao buồn.

Lão đứng dậy nói, ta đi xuống hồ đây. Mày có đi cùng không? Tôi nói là tôi đang muốn thế.

Thuyền đi men bờ hồ. Thấy những cành cây phủ rêu rủ lòa xòa trên đầu và nhỏ nước xuống, từng giọt. Thấy những thân cây khổng lồ nghiêng xuống mặt hồ. Thấy mặt đ­ất xôm xốp lá rụng trải dài biền biệt và nghe tiếng chim hót ríu rít đâu đây. Cảm xúc về một cổ xưa bí ẩn dòa lên trong tôi. Ra khỏi tán cây cổ thụ, thuyền quay mũi, nhè nhẹ trôi trên mặt nước lặng yên như một tấm gương bạc. Trông rõ bùn đen nhánh, mềm mại lượn sóng dưới đáy hồ.

Lão Xín hỏi, thấy gì không? Tôi đáp là thấy đáy hồ đẹp như một tấm vải hoa. Lão nói, chỉ thấy hoa thôi à? Tôi không biết trả lời ra sao.

Một dải nắng lướt qua trên đầu tôi. Tôi ngẩng lên. Chếch về phía mặt trời lặn, những tán lá cây nhuộm ráng chiều đỏ rực đang ngả cả về phía hồ. Gió từ rừng thổi ra ràn rạt trên mặt nước, phả vào mặt tôi mướt mát.

Bỗng lão Xín cất tiếng hát:

Nước Giàng rơi xuống hồ

Lá rừng bay xuống hồ

Gió nam, gió bắc, gió tây, gió đông thổi vô hồ

Hoa vàng, hoa đỏ, hoa xanh bay xuống hồ

Bà Sin đi tìm chồng

Bà Sin đi tìm cái ấm

Bà Sin đi tìm ngọn lửa…

Lửa đỏ ấm hết nước xanh

Bà Sin gặp chồng dưới hồ Ngàn Huội…

Giọng lão run run, khắc khoải. Tôi ngắm gương mặt hồn hậu, khắc khổ của lão và chợt nghĩ rằng, lão đã trải biết nhiều lắm, sâu sắc lắm.

Đêm ấy, tôi và lão Xín uống rượu đến tận khuya. Đã cuối tháng chạp, trời không trăng sao nhưng màn đêm thì xanh trong. Khắp nơi có tiếng xào xạc, rì rào… Gió à. Lão Xín nói. Gió rừng. Nó thổi ngày sang đêm, tháng sang tháng, năm sang năm, thổi mãi theo đường của nó trong rừng ấy.

Chần chừ một lát rồi tôi nói, lão hát nữa đi. Mày thật bụng muốn nghe à? Phải. Tôi nói. Tôi còn biết bà Sin trong bài ca ấy là cố nội lão.

Lão Xín ngoảnh nhìn tôi. Rồi lão quay nhìn ra hồ Ngàn Huội. Mắt lão rưng rưng. Môi lão run run, giọng lão cũng run run. Lão nói, họ ở dưới ấy khi mẹ ta chưa đẻ ta. Lâu lắm rồi. Họ ở dưới ấy lâu lắm rồi. Họ ở dưới ấy mà ta không thấy được dưới ấy… Thẳm sâu lắm.

Gió nam, gió bắc, gió tây, gió đông thổi vô hồ

Hoa vàng, hoa đỏ, hoa xanh bay xuống hồ

Bà Sin đi tìm ông Sin

Bà Sin đi tìm cái ấm

Bà Sin đi gặp ngọn lửa

Không còn biết tiếng hát từ trong ngực lão Xín phát ra hay từ trong gió rừng đang miệt mài thổi lâu mỗi mạnh dần lên.

Tôi bóp mạnh bàn tay lão. Và tôi lẩm bẩm theo trí nhớ: Bà Sin đi tìm cái ấm/ Bà Sin đi gặp ngọn lửa… Lão nói, mày thuộc bài hát. Lão vừa nói vừa cựa quậy ngón tay trong bàn tay tôi. Lặng một lúc, lão thì thào, đi ngủ đi, ngủ đi…

Tôi thức dậy không thấy lão Xín đâu nữa. Cô Len bảo, lão về lúc tưng mưng. Tôi theo đường đến nhà lão. Mỗi lão ở nhà. Lão nói, dân bản xuống xuôi sắm Tết. Ta ở nhà chờ mày. Tôi hỏi, sao lão biết tôi đến mà chờ? Lão cười cười nói, biết chớ. Tối qua cái hơi thở của mày nói với ta.

Như một phản xạ, tôi ngửa mặt nhìn lên xà nhà. Lão Xín bỗng nói, cái ống kia cụ Phan Đình Phùng cho cố nội ta hồi cố nội ta làm Chánh lãnh binh cho cụ. Cố nội ta cho cha ta. Cha ta cho ta. Mai kia ta để lại cho con ta… Nó đựng bài ca của ta. Bài ca về ông nội, bà nội ta.

Tôi rời mắt khỏi cái ống gỗ khảm hình rồng và nói rằng, chiều nay tôi về thành phố, tôi không ở lại sưu tầm hiện vật nữa; rằng tôi đã có bài ca lão hát hôm qua. Tôi xin lão bài ca ấy. Lão cười, phô cả mấy cái răng cửa nghiêng ngả rồi nói, làm sao cho được bài ca đó. Thấy vẻ ngơ ngác của tôi, lão nói tiếp, nó nằm trong đầu ta, trong bụng ta, trong gió của rừng. Mỗi lúc thấy hồ Ngàn Huội là ta hát. Ngày giỗ cố nội ta, ta hát. Lễ tiết, ta hát. Dân bản hát cùng ta, mỗi lần hát nó mỗi khác, hát cùng gió rừng, gió rừng không hết, gió rừng theo lối đi của nó…

Tôi ngoảnh nhìn ra cửa. Đào phai hồng rực khắp bản làng. Xa xa là rừng. Rừng trập trùng, như không có chỗ tận cùng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast