Nâng bước quê nghèo

(Baohatinh.vn) - 5 năm đồng hành với những miền quê nghèo, dự án “Phát triển hệ thống thủy lợi quy mô nhỏ cho các xã nghèo Hà Tĩnh” (ISDP) đã đầu tư hơn 64 công trình thủy lợi nhỏ, cung cấp nước tưới cho sản xuất và phục vụ đời sống dân sinh. Vượt ra khỏi ý nghĩa của một dự án nhằm khai thác tiềm năng kinh tế, những công trình này còn mang tính nhân văn sâu sắc đối với người dân vùng khó khăn nhất của tỉnh.

Trở lại Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên), con đường dẫn đến đập Bàu Bà, ô tô có thể chạy bon bon trên thân đập. Được dự án ISDP đầu tư xây dựng thân đập và các tuyến kênh dẫn, cảnh quan cả vùng gần như đã thay đổi. Hồ chứa mênh mang nước nằm ngay dưới chân núi tạo nên phong cảnh thiên nhiên mát mẻ, hữu tình.

Nhiều công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh được đầu tư từ dự án ISDP.
Nhiều công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh được đầu tư từ dự án ISDP.

Đứng trên thân đập, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lạc Võ Kim Diệp chỉ tay về phía hạ du: “Trước đây, cả vùng đất canh tác hơn 52 ha phía dưới chỉ biết “ngửa cổ nhờ trời” cho nước sản xuất. Mùa được, mùa mất, bà con đã nghèo lại càng khó khăn. Từ sau khi được dự án đầu tư nâng cấp hệ thống đập Bàu Bà, nước được đưa về tận chân ruộng. Không chỉ ổn định sản xuất, công trình là đầu mối chính cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong xã, đồng thời môi trường sinh thái, khí hậu cũng được cải thiện đáng kể”.

Đập Bàu Bà và hệ thống kênh dẫn là một trong những công trình thuộc nhóm đầu tư đợt I của dự án ISDP Hà Tĩnh. Khởi công vào đầu năm 2010, dự án có tổng mức đầu tư trên 7,3 tỷ đồng, trong đó Quỹ OFID tài trợ gần 6 tỷ đồng, còn lại là nguồn đối ứng của địa phương. Hiện nay, công trình đã được cải tạo, nâng cấp một cách toàn diện, đảm bảo an toàn theo tần suất thiết kế với trữ lượng 410.000 m3 và hệ thống kênh dẫn, các công trình phụ trợ, nhằm hoàn thiện mục tiêu cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho địa phương và cắt lũ vào mùa mưa lũ cho vùng hạ lưu đập.

5 năm đồng hành cùng Hà Tĩnh cũng chừng ấy năm dự án ISDP gắn bó với những miền quê nghèo khó, nơi có những người nông dân đang ngày ngày nỗ lực chiến đấu với đói nghèo. Xã Tượng Sơn (Thạch Hà) là một vùng đất như thế. Nằm trong vùng bãi ngang, hầu như vụ sản xuất nào bà con nông dân cũng phải đối mặt với cảnh “đồng khô, cỏ cháy”. Nhất là ở những vùng cuối kênh tưới ở Nương Cháy, những nhát cuốc nện xuống nền đất hạn như muốn bật trở lại. Biết đấy, nhưng “lực bất tòng tâm”, ngân sách địa phương không đủ trang trải. Cho đến khi, trạm bơm Nương Cháy và tuyến kênh do dự án ISDP đâu tư hoàn thành thì nguồn nước tưới cho 100 ha đất canh tác được giải quyết ổn định.

Ông Dương Kim Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết: “Đây là vụ thứ 2, trạm bơm Nương Cháy đưa vào sử dụng, so với trước, năng suất lúa, rau màu được cải thiện rõ rệt. Bây giờ, bà con sản xuất không chỉ để đủ ăn mà còn đầu tư thâm canh, phát triển rau màu, góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Xuất phát từ mục tiêu đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi quy mô nhỏ, gồm: hồ chứa và đập lấy nước (tập trung ở vùng miền núi, trung du, bán sơn địa); kiên cố hóa các công trình mương nội đồng để thay thế hệ thống kênh có kết cấu bằng đất, gạch xây; xây dựng các trạm bơm nhằm mục tiêu đảm bảo nước tưới cho các khu vực không thể sử dụng hệ thống nước tưới tự nhiên hay hệ thống thủy lợi hiện có, dự án được xem như một chiếc cần trợ lực tiếp sức cho xã nghèo nắm lấy cơ hội phát triển kinh tế, làm thay đổi diện mạo quê hương.

Dự án được triển khai tại 11 huyện, thành phố, thị xã với tổng số vốn 13,15 triệu USD, trong đó Quỹ OFID tài trợ 10,5 triệu USD và 2,65 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng. Điều đặc biệt, vượt qua tiêu chí 51 công trình thủy lợi nhỏ, 40 km chiều dài kênh và hơn 3.500 ha đất nông nghiệp hưởng lợi như ban đầu, con số thực hiện thực tế đạt ấn tượng với 64 công trình thủy lợi được xây dựng mới và nâng cấp; diện tích chủ động nước và khai hoang tăng gần 4.000 ha so với dự kiến, đạt 7.520 ha.

Ông Trần Việt Hà - Giám đốc dự án cho biết: “Những kết quả đó là nhờ sức mạnh tổng hợp từ sự quan tâm, giúp đỡ của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh và đồng hành của người hưởng lợi. Hơn hết thảy, những công trình được lựa chọn đều dựa trên nguyện vọng, đề xuất của người dân, do đó, khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả và mang tính bền vững cao. Việc đầu tư cho các xã nghèo cũng là cách giảm dần sự chênh lệch xã hội và kinh tế giữa các vùng, góp phần thực hiện nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast