Cào sò đốt vôi - nghề phụ, thu nhập chính của nhiều hộ dân ven biển Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tận dụng nguồn vỏ sò theo sóng biển dạt vào bờ, lâu nay, nhiều hộ dân ở thôn Mỹ Hòa, xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) đã khai thác để đốt vôi bán cho các cơ sở vật tư nông nghiệp. Đây là một trong những nghề phụ nhưng cho thu nhập chính của người dân trên địa bàn.

Mùa khai thác sò đốt vôi của người dân Cẩm Hòa bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 2 (âm lịch). Cứ tầm 4h sáng, người dân lại lỉnh kỉnh đồ đạc, dụng cụ đi cào sò dọc bờ biển để về đốt thành vôi. Ông Luận (thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) cho biết: “Một buổi cào sò bắt đầu từ tờ mờ sáng đến trưa. Biển lặng thì sẽ cào được nhiều nhưng nếu sóng biển to thì chẳng được là bao. Nếu tính trung bình, một buổi sáng tôi cào được hơn 1 tạ sò; lựa những con ốc, con sò còn sống đưa ra chợ bán, số vỏ sò còn lại tôi đốt thành vôi. Tính ra thì thu nhập từ một buổi cào sò cũng được khoảng 150.000 – 200.000 đồng”.

Cào sò đốt vôi - nghề phụ, thu nhập chính của nhiều hộ dân ven biển Hà Tĩnh

Dụng cụ dùng để cào sò được người dân tự chế

Sò sau khi khai thác được người dân vệ sinh sạch sẽ ngay trên bờ biển rồi vận chuyển về nhà, tích trữ đến khi khối lượng đủ cho một lần đốt thì sẽ nhóm lò. Một lần đốt từ 1,2 – 1,5 tấn vỏ sò; khoảng 15 ngày khai thác, người dân lại đốt một lần.

Cào sò đốt vôi - nghề phụ, thu nhập chính của nhiều hộ dân ven biển Hà Tĩnh

Vỏ sò được trộn với than đá rồi chất vào lò đốt

Gắn bó với nghề khai thác sò đốt vôi đã gần 50 năm, ông Nguyễn Xuân Hoa (thôn Mỹ Hòa, xã Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) cho biết: “Đây là lộc mà biển cả ban tặng cho người dân nơi đây. Dù không phải là nghề chính nhưng thu nhập từ khai thác sò đốt vôi giúp nhiều gia đình trên địa bàn tăng thêm nguồn thu, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, nghề này khá vất vả vì phải suốt ngày phơi lưng trong cái nắng, ngâm mình dưới sông nước và sống chung với khói bụi từ đốt vôi”.

Cào sò đốt vôi - nghề phụ, thu nhập chính của nhiều hộ dân ven biển Hà Tĩnh

Ông Hoa vất vả xúc từng thúng vỏ sò cho vào lò đốt

Cũng theo ông Hoa, vôi được đốt từ vỏ sò biển nên có độ mặn, khử chua tốt. Bởi vậy, vôi sò sản xuất đến đâu là tiêu thụ đến đó. “Người dân mua vôi này về dùng trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, thau chua khử phèn vô cùng tốt. Không chỉ người dân trên địa bàn, chủ các cơ sở buôn bán vật tư nông nghiệp thường đặt hàng và đến tận nơi thu mua nên chúng tôi không lo về đầu ra sản phẩm” – ông Hoa cho biết thêm.

Cào sò đốt vôi - nghề phụ, thu nhập chính của nhiều hộ dân ven biển Hà Tĩnh

Vôi sò được đốt thành phẩm có độ mặn, khử chua tốt nên được ưa dùng

Trên địa bàn xã Cẩm Hòa hiện có hàng chục hộ khai thác sò đốt vôi, trong đó có 8 lò đốt lớn tập trung trên địa bàn thôn Mỹ Hòa. Riêng năm 2018, toàn xã khai thác sò đốt vôi đạt trên 200 tấn, qua đó người dân thu nhập trên 600 triệu đồng.

Với nhu cầu vôi sử dung trong nông nghiệp đang ngày một nhiều, cộng với nguồn vỏ sò dồi dào từ biển cả, hiện nay, nhiều chủ lò vôi trên địa bàn xã Cẩm Hòa đang muốn mở rộng quy mô lò đốt. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Cào sò đốt vôi - nghề phụ, thu nhập chính của nhiều hộ dân ven biển Hà Tĩnh

Khai thác vỏ sò đốt vôi mang lại nguồn nhập ổn định cho người dân trên địa bàn xã Cẩm Hòa

Ông Phạm Thế Dương - Chánh văn phòng UBND xã Cẩm Hòa chia sẻ: “Chúng tôi đang kết nối qua kênh Hội nông dân để hỗ trợ bà con vay vốn, từ đó góp phần phát triển kinh tế địa phương.”

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast