Công bố sáu bộ luật mới với nhiều thay đổi đột phá

Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XIII, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Công bố sáu bộ luật mới với nhiều thay đổi đột phá ảnh 1

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Các Luật này bao gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam; Luật xây dựng; Luật hôn nhân và gia đình; Luật công chứng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bảo hiểm y tế - nhiều điểm mới đột phá

Điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bảo hiểm y tế là đã sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế” thành “bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc" nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế để thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Luật bổ sung khái niệm "hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế" và “gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả" để thực hiện hình thức tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình với một số nhóm đối tượng và quy định những dịch vụ y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Luật bổ sung quy định mức hưởng bảo hiểm y tế được xác định theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia bảo hiểm y tế.

Luật sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế và quy định lực lượng công an và quân đội cùng tham gia hệ thống bảo hiểm y tế và người đang tại ngũ trong quân đội; thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Luật quy định giảm dần mức đóng khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế; quy định trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế của quỹ bảo hiểm y tế đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con dưới 6 tháng tuổi, người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Các đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định trong Luật gồm: người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; người thuộc hộ gia đình nghèo; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Luật cũng bổ sung quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi; quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nâng mức hưởng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng và mở thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 1/1/2016.

Thị thực không được chuyển đổi mục đích

Giới thiệu về Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Luật gồm 9 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015.

Luật quy định rõ nguyên tắc người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, nhằm tránh phát sinh phức tạp trong quan hệ đối ngoại, hình sự, dân sự, đồng thời đảm bảo công tác thống kê nhà nước chính xác.

Theo Luật này, thị thực không được chuyển đổi mục đích nhằm đảm bảo công tác quản lý, khắc phục tình trạng người nước ngoài xin vào Việt Nam du lịch sau đó làm việc tại các công trình, dự án như thời gian qua. Thị thực cấp cho người nước ngoài vào lao động có thời hạn tối đa đến 2 năm; thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư và luật sư nước ngoài vào hành nghề tại Việt Nam có thời hạn tối đa đến 5 năm nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật.

Luật quy định điều kiện và thẩm quyền quyết định đơn phương miễn thị thực, đặc biệt quy định quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn không quá 5 năm và được xem xét gia hạn nhằm tránh tình trạng phát sinh những phức tạp về đối ngoại khi dừng đơn phương miễn thị thực. Luật đã bỏ quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực Việt Nam ở nước ngoài được cấp thị thực cho các trường hợp không có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh.

Luật Xây dựng 2014 khắc phục tình trạng đầu tư tự phát

Với 10 chương, 168 điều, tăng 1 chương, 45 điều so với Luật Xây dựng (2003), Luật Xây dựng 2014 quy định nguyên tắc cơ bản và cũng là nội dung cốt lõi là đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, nhằm khắc phục thất thoát và lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, đồng thời tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng.

Luật quy định nguyên tắc dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo cáo phương thức khác nhau; tăng cường sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và của cộng đồng đối với dự án; bổ sung quy định hình thức ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực.

Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, đảm bảo xây dựng theo quy hoạch và có kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, đầu tư theo phong trào dẫn đến thất thoát lãng phí các nguồn lực. Để tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch xây dựng tùy tiện, Luật đã được bổ sung nội dung quy định cơ quan, tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điểu chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp.

Luật đổi mới việc kiểm soát, quản lý chất lượng xây dụng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng. Luật cũng đổi mới cơ chế quản lý chi phí nhằm quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, bảo đảm sự bình đằng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thông qua hợp đồng xây dựng...

Luật hôn nhân và gia đình bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính

Gồm 9 chương, 133 điều, Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi quy định về tuổi kết hôn để có sự thống nhất trong cách tính tuổi của người kết hôn và bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự, các luật khác có liên quan. Theo đó, nam phải từ đủ 20 tuổi, nữ phải từ đủ 18 tuổi mới có quyền kết hôn.

Luật bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhằm tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên, thể hiện quan điểm hôn nhân phải là sự liên kết giữa hai người khác giới tính, khoản 2 Điều 8 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Luật sửa đổi, bổ sung quy định giải quyết quan hệ nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Điểm mới rất quan trọng của Luật hôn nhân và gia đình là bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Việc thừa nhận chế độ tài sản này nhằm tôn trọng quyền của vợ chồng trong việc tự thỏa thuận, định đoạt đối với tài sản của họ. Dù lựa chọn chế độ tài sản nào, vợ chồng đều phải bảo đảm lợi ích chung của gia đình, nhất là lợi ích của con. Một điểm mới nữa của Luật là bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ không thể mang thai và sinh con.

Bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người yêu cầu công chứng

Về Luật công chứng năm 2014, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết Luật mở rộng phạm vi công chứng hơn so với Luật công chứng năm 2006. Luật có 10 chương, 81 điều, quy định chặt hơn về tiêu chuẩn công chứng viên; thời gian đào tạo nghề công chứng được tăng lên thành 12 tháng; người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên, luật sư phải hành nghề từ 5 năm trở lên mới được miễn đào tạo nghề công chứng.

Luật tiếp tục ghi nhận hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng, song xác định rõ định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, ưu tiên phát triển các Văn phòng công chứng. Luật cũng quy định việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người yêu cầu công chứng, giảm bớt áp lực cho tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên trong quá trình hành nghề, Luật quy định rõ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc và giao Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với loại bảo hiểm này.

Trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm bồi hoàn của công chứng viên cũng được Luật quy định rõ nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, tránh tình trạng đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm bồi thường.

Cả 4 Luật nêu trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Không quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam không quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam như Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 và bổ sung quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.”

Để phù hợp với việc không quy định thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, Luật bãi bỏ quy định về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam nếu không thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch. Luật có 2 điều và có hiệu lực thi hành ngay từ ngày công bố (26/6/2014)./

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast