Cho rừng Hà Tĩnh càng thêm xanh

Khép lại năm 2010, Hà Tĩnh xảy ra 572 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 386 vụ so với năm 2009, đặc biệt là không có các điểm nổi cộm về chặt phá rừng trái phép. Những tín hiệu tích cực đó cho thấy đội ngũ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng mà chủ đạo là lực lượng kiểm lâm các cấp ngày càng hoàn thiện hơn, còn ý thức của người dân về vai trò của rừng đã có sự chuyển biến tích cực...

Xác định tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân có ý nghĩa quan trọng trong công tác BVR – PCCCR tại gốc, năm qua, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với ngành giáo dục đã tổ chức nói chuyện chuyên đề và ký cam kết trong 246 nhà trường với 96.304 học sinh tham gia; phổ biến trong cộng đồng dân cư của 451 thôn/xóm với 25.666 bản cam kết; tổ chức 19 cuộc tuyên truyền lưu động; tập huấn nghiệp vụ cơ sở cho 4.937 người/39 cuộc; họp triển khai và rút kinh nghiệm cấp huyện 17 cuộc với 1.572 lượt người tham gia, cấp cụm 16 cuộc với 1.395 lượt người tham gia, cấp xã 208 cuộc với 8.995 lượt người tham gia và cấp chủ rừng 63 cuộc với 2.337 lượt người tham gia.

Không chùn bước trước các hành vi xâm hại rừng, lực lượng kiểm lâm các cấp tập trung bảo vệ rừng tại gốc, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo tinh thần Chỉ thị 12/CT-TTg, Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 23/2009/CT-UBND của UBND tỉnh. Nhờ đó, số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý đã giảm mạnh (từ 958 vụ trong năm 2009 xuống còn 572 vụ), đặc biệt là không còn các điểm nổi cộm về chặt phá rừng trái phép.

Kiểm lâm Hương Sơn (Hà Tĩnh) tuần tra bảo vệ rừng đầu nguồn
Kiểm lâm Hương Sơn (Hà Tĩnh) tuần tra bảo vệ rừng đầu nguồn

Liên quan đến công tác kiểm soát lâm sản trái phép, lực lượng kiểm lâm đã tịch thu 1.032 m3 gỗ các loại, 1.400 lâm sản khác, 446 kg động vật hoang dã (thả vào rừng 131,5 kg), thu giữ 32 phương tiện, máy móc phục vụ hoạt động xâm hại rừng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách của ngành trong năm 2010 đạt gần 6,5 tỷ đồng.

Phát huy hiệu quả công tác bảo vệ rừng tại gốc, cơ quan kiểm lâm đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất – kinh doanh của các chủ rừng, trong đó chú trọng vào việc khai thác rừng tự nhiên, rừng trồng và chuyển đổi rừng sang trồng cao su, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ra ngoài mục đích lâm nghiệp. Tiêu điểm trong lĩnh vực này là Chi cục đã tiến hành đóng dấu búa 4.887 m3 gỗ các loại cho Công ty TNHH MVT Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn; kiểm tra việc khai thác tận thu lâm sản trên diện tích chuyển đổi làm đường giao thông Hương Vĩnh – Bản Giàng, diện tích chuyển rừng sang trồng cao su ở Hương Thọ (Vũ Quang), diện tích cải tạo rừng nghèo ở Kỳ Sơn và Kỳ Tây (Kỳ Anh)…

Đối với công tác giao rừng, cho thuê rừng, Chi cục đã phối hợp tốt với Sở TN&MT đã tham mưu để UBND tỉnh thu hồi một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả trên địa bàn các huyện: Kỳ Anh, Hương Khê chuyển về chính quyền địa phương để giao cho dân và các tổ chức thuê với diện tích 4.796 ha. Ngoài ra, đơn vị còn tham mưu giúp Sở NN&PTNT đôn đốc các huyện: Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc đẩy nhanh tiến độ giao rừng cho các hộ dân theo kế hoạch.

Thực hiện chủ trương phát triển rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/TTg, Chi cục chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu giúp UBND các xã thực hiện tốt công tác trồng rừng, hướng dẫn người dân các biện pháp trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng hiệu quả. Đến nay, các địa phương tham gia trồng rừng đúng tiến độ với diện tích 663,7/740 ha (đạt 86% kế hoạch), trong đó: Cẩm Xuyên trồng được 160/160 ha, Kỳ Anh 150/150 ha, Hương Khê 155,2/160 ha, Thạch Hà 95,5/110 ha, Nghi Xuân 50/50 ha, Hương Sơn 53/110 ha.

Kiên trì mục tiêu đưa rừng Hà Tĩnh ngày càng thêm xanh, năm 2011, ngành kiểm lâm tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức BVR-PCCCR trong cộng đồng dân cư; tăng cường hoạt động kiểm lâm địa bàn để giúp UBND xã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tập trung kiểm tra rừng tại gốc, giảm thiểu việc kiểm tra lưu thông trên đường; tiến hành rà soát, xác định ranh giới, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng một cách chính xác, đồng thời chỉ đạo đóng mốc giới cụ thể ngoài thực địa, xây dựng hồ sơ quản lý rừng nhằm làm cơ sở cho việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ; tập trung phát triển rừng, tăng chất lượng rừng để tạo việc làm, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân sống gần rừng nhằm giảm thiểu áp lực vào rừng…

Theo ông Nguyễn Huy Lợi - PGĐ Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đề nghị tỉnh sớm có phương án bổ sung 35 định biên còn thiếu (chủ yếu kiểm lâm địa bàn), tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm lâm trong việc BVR-PCCCR.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast