Huyền thoại Trường Sơn (Bài 1): Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao...

Nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Đồng Lộc, nhóm phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc hành trình đến thăm những địa danh lịch sử trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây, mỗi tên đất, tên làng, mỗi dòng sông, ngọn núi một thời phải gồng mình trong mưa bom, bão đạn của quân thù cho những đoàn quân ra trận, hôm nay đang vươn mình trỗi dậy sức sống mới...

Những cung đường thấm đẫm máu xương

Trời tháng bảy trong xanh vời vợi. Từ ngã ba Lạc Thiện, QL 15A năm xưa chi chít hố bom, nay phẳng phiu như một dải lụa mềm xuyên trong ánh nắng ban mai, uốn lượn quanh co giữa những miệt làng rồi chạy thẳng vào ngã ba Khe Giao đấu nối với cung đường 21 trước khi vươn mình lên dãy núi Trà Sơn. Đứng ở Ngã ba Đồng Lộc, phóng tầm mắt theo QL 15A về phía xa, các xã Đồng Lộc, Mỹ Lộc, Trung Lộc và Thượng Lộc, nơi đóng quân của các đại đội TNXP, các đơn vị ngành GTVT và trận địa pháo của bộ đội năm xưa đang trải mình dưới chân dãy Trà Sơn, tạo thành một dải đất bán sơn địa tốt tươi, màu mỡ.

Theo Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình - nguyên Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 4, đường mòn Hồ Chí Minh dài cả ngàn km bắt đầu từ huyện Tân Kỳ (Nghệ An) dọc theo sườn Đông của dãy Trường Sơn qua địa phận Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị kéo dài vào tỉnh Kiên Giang, sang tận hạ Lào và Campuchia. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) là đơn vị tiền phương trực tiếp chỉ huy các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống đường này.

Đường 15A đoạn qua Ngã ba Đồng Lộc
Đường 15A đoạn qua Ngã ba Đồng Lộc

Tại địa phận Hà Tĩnh, các cung đường 15A, đường 21 và 22 đều là huyết mạch giao thông quan trọng của đường Trường Sơn. Năm 1959, đường 15A hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn được khai thông cùng với đường 21, 22 làm nên một mạng lưới giao thông chiến lược chi viện cho miền Nam và trở thành tuyến lửa mang đầy những chứng tích bi tráng. Và cũng chính nơi đây, quân và dân Hà Tĩnh đã cùng với cả nước làm nên những chiến thắng thần kỳ để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, non sông.

Hoài niệm về quá khứ, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Võ Tá Lý - cựu TNXP một thời nếm mật, nằm gai trên cung đường Trường Sơn kể: đường 15A dài hơn 100 km, bắt đầu từ ngã ba Lạc Thiện đi qua Nga Lộc, Phú Lộc, Thượng Lộc, Đồng Lộc vào ngã ba Khe Giao, đi lên địa phận Hương Khê, vào đến tận Quảng Bình. Đường 15A được duy trì hoạt động thông suốt cho đến những năm 1967 thì bị phát hiện và địch tăng cường đánh phá ác liệt. Do đó, đường 21 và đường 22 trở thành tuyến đường tránh an toàn để chi viện cho tiền tuyến.

Đường 21 chỉ dài khoảng 20 km, bắt đầu từ ngã ba Khe Giao men dọc theo chân Trà Sơn vào Cẩm Xuyên và nối với đường 22 tại ngã ba Thình Thình. Từ Cẩm Sơn, đường 22 được phóng tuyến xuyên qua dãy núi Trà Sơn vượt vào Kỳ Thượng, sang Kỳ Lâm. Rồi từ ngã ba Kỳ Lâm, đường 22 tiếp tục rẽ phải theo hướng Tây nam qua Kỳ Lạc vào địa phận các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị để nối với đường 9 Nam Lào.

Giai đoạn những năm 1968-1969, số lượng bộ đội, thương bệnh binh, khí tài quân sự, thóc gạo, xăng dầu, quân trang quân dụng dừng chân tập kết ở các xã ven vùng Trà Sơn và hàng hóa được chuyển theo các cung đường 15A, 21, 22 vào chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng nhiều, do đó, máy bay địch càng điên cuồng lùng sục, bắn phá. Những địa chỉ như: cầu Tùng Cốc, Cổ Ngựa, ngã ba Đồng Lộc, Truông Kén, Khe Giao (Can Lộc); bến phà Địa Lợi, cầu Tân, cầu Đá Lậu (Hương Khê); ngã ba Thình Thình, cầu Rác (Cẩm Xuyên); Rào Trâm, Rào Ngôốc, ngã ba Kỳ Lâm, Kỳ Lạc (Kỳ Anh)… đều là mục tiêu bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ. Mặc bom đạn Mỹ cày xới, quân và dân Hà Tĩnh đã không tiếc máu xương, sẵn sàng dốc hết sức người, sức của với tinh thần “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc thừa cân, quân thừa người” cùng cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tất cả vì miền Nam ruột thịt thân yêu!

Đặc biệt, mặt trận Ngã ba Đồng Lộc được coi là túi bom, chảo lửa. Chính vì sự hiểm yếu, vị trí quan trọng nơi đây mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, máy bay địch đã trút xuống Ngã ba Đồng Lộc hơn 48.600 quả bom các loại. Nơi đây, Trung đoàn pháo 210, các đơn vị ngành GTVT, 7/8 đại đội TNXP N55 P18 và nhiều lực lượng khác đã đem tuổi xuân, xương máu của mình hiến dâng cho đất nước, kiên cường, anh dũng bám đường thông xe. Tiêu biểu là Tiểu đội TNXP Võ Thị Tần đã hóa thân vào khúc tráng ca bất tử cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Khúc ca ngày mới

Sau hơn 45 năm khói lửa chiến tranh, những tên đất, tên làng, những cung đường Trường Sơn huyền thoại một thời gồng mình lên giữa mưa bom, lửa đạn để nâng bước những đoàn quân ra trận chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc giờ đây đang trỗi dậy một màu xanh. Những con đường thấm máu đào của các anh hùng liệt sỹ trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng với nhiều cụm di tích lịch sử được xây cất khang trang.

Chúng tôi ghé Đồng Lộc, thắp nén hương tưởng niệm các nữ anh hùng liệt sĩ TNXP. Hương bồ kết phảng phất đâu đây thêm bồi hồi nhịp bước chân đi. Dạo quanh các miệt làng quê vùng thượng Can, được chứng kiến cảnh làm ăn sôi động của bà nông dân Thượng Lộc với những mô hình kinh tế mới thật đa dạng. Những hố bom giặc Mỹ dày xéo năm xưa đã được nhân dân san lấp cấy lúa, trồng khoai, mở mang trang trại, phát triển kinh tế hàng hóa theo hướng xây dựng NTM.

Vườn trại của gia đình chị Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc) sum suê cây trái.
Vườn trại của gia đình chị Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc) sum suê cây trái.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc - Nguyễn Viết Chuân cho biết: Thượng Lộc xưa nghèo kiệt quệ vì chiến tranh. Từ khi đất nước hòa bình đến nay, Đảng bộ và nhân dân xã Thượng Lộc luôn bám sát nghị quyết của Đảng, chủ động phát huy nội lực, tạo được nhiều bước đột phá mạnh mẽ. Điện, đường, trường, trạm cơ bản được địa phương đầu tư nâng cấp khang trang, phù hợp với các tiêu chí xây dựng NTM. Nhờ tích cực cơ cấu cây trồng mùa vụ nên mấy năm qua, bà con nông dân Thượng Lộc liên tục được mùa, sản lượng ngày càng tăng. Năm 2012, tổng thu nhập của Thượng Lộc đạt gần 77 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 14 triệu đồng/năm. Đặc biệt, sau 4 năm triển khai Nghị quyết tam nông của tỉnh, bộ mặt nông thôn của Thượng Lộc ngày càng thay da đổi thịt.

Đến thăm vườn hộ của gia đình chị Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng), chúng tôi lạc vào giữa màu xanh tươi tốt khoảng hơn 2 ha. Cách đường 15A khoảng 5 km, khu vườn nằm cheo leo trên một quả đồi xanh trù phú với đủ loại cây trồng như dó trầm, tràm, keo nguyên liệu, cam, bưởi đang thỏa sức cho mùa quả ngọt, trong đó cam là cây chủ lực chiếm gần 1/2 diện tích với hơn 800 gốc. Bình quân hàng năm, gia đình chị thu nhập gần cả tỷ bạc từ cây cam, cây bưởi và dó trầm. Riêng vụ mùa vừa qua, chị Hiền đã xuất bán ra thị trường hơn 12 tấn cam thương phẩm, thu về gần 400 triệu đồng. Một điển hình khác là gia đình anh Đặng Văn Hạnh (xóm Sơn Bình) nuôi lợn theo mô hình liên kết với Tập đoàn CP nhiều năm nay cũng cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Cùng với Thượng Lộc, những miệt làng quanh ngã ba Kỳ Lâm (Kỳ Anh) ngày xưa bị bom đạn giặc Mỹ cày xới tan hoang, giờ đây cũng đang vươn mình trỗi dậy, xây đắp đời sống mới. Kỳ Lâm năm xưa là nơi đóng quân của các tổng đội TNXP, các đơn vị xe máy mở đường và các binh trạm giao liên 22, 25 của Tổng cục Hậu cần. Đây cũng là nơi đơn vị pháo phòng không Nguyễn Viết Xuân đã từng lập nên những chiến công vang dội, khiến lũ giặc lái máy bay Mỹ phải khiếp vía, kinh hồn.

Chiến tranh đi qua, những người con anh hùng nơi vùng đất của cực Nam Hà Tĩnh lại say sưa tay cuốc, tay cày, cần mẫn lao động để xây đắp cuộc sống. Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lâm - Trương Quốc Việt phấn khởi chia sẻ: Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Kỳ Lâm luôn chủ động khắc phục khó khăn, tập trung hoàn thành đồ án quy hoạch tổng thể theo các tiêu chí xây dựng NTM, khai thác nội lực, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng; tập trung chăm lo phát triển sản xuất, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.

Các hộ sống ven trục đường 22 và đường 12 đã chủ động mở mang thêm nhiều ngành nghề dịch vụ để tạo việc làm, tăng thu nhập. Nhiều mô hình kinh tế hộ được chỉ đạo chuyển hướng đầu tư phát triển trang trại, trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung liên kết nhằm tạo sản phẩm chủ lực để XĐGN. Đến thăm vườn trại của gia đình chị Hoa (xóm Đông Hà), chúng tôi càng thán phục tư duy làm ăn lớn của bà con nông dân vùng thượng ngày nay. Khu vườn hộ gia đình chị Phạm Thị Hoa rộng gần 15 ha, được quy hoạch trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả, chăn nuôi lợn rừng, hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chị Hoa đang đầu tư 2000m2 chuồng trại để nuôi lợn liên kết với quy mô khoảng hơn 2.000 con.

Phía Tây mặt trời đang chầm chậm gối đầu trên đỉnh Trường Sơn. Văng vẳng đâu đây, tiếng chim rừng líu lo gọi bầy về tổ. Chia tay những gia đình ở miệt làng vùng thượng, chúng tôi như hòa vào cảnh sắc của cung đường Trường Sơn những năm đổi mới. Một huyền thoại mới của những con đường khói lửa năm xưa đang được viết tiếp…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast