Nỗi đau tiếng Việt hay là thói ích kỷ của chủ nhân?

(Baohatinh.vn) - Những ngày gần đây quả là những ngày đáng chú ý cho tất cả công dân có lương tri của Việt Nam...

Đầu tiên, đó là bức thư tự nhận là sinh viên người Nhật đang du học tại Việt Nam so sánh về niềm tự hào dân tộc Nhật và nỗi xấu hổ của người Việt Nam; tiếp đến, truyền thông Nhật đưa tin về vụ hối lộ của Công ty JTC cho lãnh đạo tập đoàn đường sắt; tiếp nữa là vụ tiếp viên hàng không tiếp tay cho hành vi ăn cắp...

Hình ảnh đáng xấu hổ vụ 'hôi bia' ở Biên Hòa vào ngày 4/12/2013. Ảnh từ internet
Hình ảnh đáng xấu hổ vụ 'hôi bia' ở Biên Hòa vào ngày 4/12/2013. Ảnh từ internet

Ừ, chúng ta có quyền nói chúng ta vô tội. Ừ, chúng ta có quyền cảnh báo với mọi người vì hành động vu oan, làm tổn thương lòng tự trọng!... Chúng ta đủ sức biện hộ, đủ sức khẳng định: “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng, hãy thật sự tĩnh tâm, hãy thật sự trung thực, bằng tâm thành ý tốt tiếp cận thông tin “nghịch nhĩ” để lấy cái “trung ngôn” rất đáng ở đằng sau, chúng ta hãy tự mình “xưng tội” và hỏi: có hay không những hành động như trên tại nước ta? Với tôi, tôi trả lời ngay: có.

Không phải đến bây giờ nỗi nhức nhối về thói xấu của người Việt mới được người bạn Nhật nói lên và ta thực sự “sốc”, mà đấy thực chất là một giọt nước trong sự tương tác với một chiếc ly đầy. Này nhé, Hàn Quốc từng làm rung dư luận về những hệ lụy mà người Việt gây ra ở nước họ bằng việc trốn việc, thay đổi nơi làm, định cư trái phép! Du khách Anh, Pháp đã viết lên Facebook về nỗi thất vọng Việt Nam khi họ bị “quấy nhiễu”, chặt chém tại các điểm du lịch mà họ nghĩ là thiên đường! Còn trong nước với nhau thì sao? Năm 2012, 2013, một số doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh ngầm ẩn tẩy chay lao động Nghệ Tĩnh vì nhiều lẽ, câu nói về người xứ Huế “Huế mộng Huế mơ/ Huế lơ ngơ thì mất dép” được công dân thời @ khuyên nhủ nhau. Những đền chùa từ trong Nam, ngoài Bắc chật kín người bưng lễ, nhét tiền “hối lộ” Phật, những công trình nay làm, mai xuống cấp...

Vì những nỗi niềm trên mà tại một số nơi ở ngoại quốc, người ta đã dán những biển cảnh báo mang dòng chữ Việt: “cấm ăn cắp vặt” tại Nhật Bản, “cấm vứt rác” tại Hàn Quốc, “cấm lấy đồ thừa” (ở tiệc) tại Thái Lan, Singapore... Mới đây, sau mấy vụ lùm xùm, cảnh sát Nhật đã mở lớp đào tạo tiếng Việt cho nhân viên của họ để ngăn ngừa, cảnh giác. Ôi! Hổ thẹn thay! Tiếng Việt ân tình của chúng ta lại được nước ngoài tổ chức đào tạo theo hình thứcđể phòng ngừa như vậy! Thiết tưởng, người Việt phải làm phiên dịch cho họ, lấy được đồng tiền của họ và làm vinh dự cho quốc gia...

Tại sao văn hóa của họ lại trở thành một nét đẹp, một bộ mặt cho lòng tự tôn? Tôi nghĩ, nước họ có chiến lược đầu tư lâu dài cho văn hóa, họ tạo được cái cơ chế lành mạnh để mỗi con người đều mang trong mình lòng tự hào, sự phấn đấu vì danh dự. Những yếu tố đó giúp họ sản sinh ra những công dân rất kiêu hãnh, luôn tự răn dạy mình, đặt mình vào trật tự, vào ý thức vì cộng đồng, rộng hơn là vì quốc gia. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận văn hóa nhiều hơn ở thái độ, cung cách ứng xử của con người với nhau, rồi hãy tính... làm giàu, sự phát đạt. Cứ giành giật nhau, cứ lo cho cái túi của mình đầy hơn, gian nhà của mình sạch hơn, mặc cho bên ngoài đầy rẫy những nỗi nhọc nhằn và rác rưởi thì ắt là chúng ta đến mức nguy cấp mất thôi!

Tôi nghĩ, muốn làm được tất cả điều đó thì phải làm cho mỗi công dân Việt Nam ý thức rõ danh phận, danh dự của mình (dù có thể không giàu lên). Tôi muốn làm sao, hễ làm một việc gì, người ta đều sợ hoen ố vì danh dự, chứ không phải lấp liếm, che đậy để danh dự ấy không có bằng chứng để lôi nó ra. Danh dự là cái không ra tiền, có khi chả cần danh dự để có tiền, nhưng đó là cốt cách, là cái căn bản của con người chứ không phải cái ăn ngon và nơi ngủ đẹp!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast