Trao quyền khởi kiện nợ BHXH cho công đoàn: Còn nhiều thách thức!

(Baohatinh.vn) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 với nhiều điểm mới, trong đó có quy định tổ chức công đoàn là đại diện hợp pháp quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, có quyền khởi kiện hành vi vi phạm về pháp luật về BHXH ra tòa án nhân dân.

Đây là một thách thức không nhỏ đối với ngành BHXH và công đoàn trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến BHXH nói chung và bảo vệ quyền lợi người lao động nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Công đoàn được trao quyền

Lâu nay, khởi kiện được xem là biện pháp mạnh nhất và hữu hiệu nhất để xử lý các doanh nghiệp (DN) nợ BHXH. Năm 2015, BHXH Hà Tĩnh đã nộp hồ sơ khởi kiện 60 đơn vị và đã thu được số tiền nợ BHXH hơn 2,47 tỷ đồng.

trao quyen khoi kien no bhxh cho cong doan con nhieu thach thuc

Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh là một trong những doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Ông Phan Văn Anh - Trưởng phòng Thu BHXH tỉnh cho biết: “Từ ngày 1/6/2016, Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ sẽ có hiệu lực. Theo đó, BHXH không còn thực hiện việc khởi kiện các DN nợ BHXH. Cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm về đóng BHXH, BHYT, cơ quan BHXH sẽ kịp thời tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định."

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc khởi kiện các DN vi phạm về BHXH vẫn là biện pháp mạnh nhất và hiệu quả nhất. Còn việc thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính sẽ không đủ sức răn đe vì mức phạt tối đa cũng chỉ 75 triệu đồng - quá thấp so với khoản tiền nợ BHXH phải nộp. Do vậy, nếu không thực hiện khởi kiện thì dễ xảy ra tình trạng các DN chây ì nợ BHXH, thậm chí, kể cả khi đã xử phạt hành chính.

Nghị định số 21/2016/NĐ-CP đã giao cho tổ chức công đoàn được quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân đối với chủ DN sử dụng lao động về hành vi vi phạm pháp luật về chế độ BHXH. Có thể thấy đây là một quy định phù hợp với tình hình mới, khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định kinh tế đa phương, song phương; nâng cao hơn nữa vị thế của công đoàn trong các DN, giúp tổ chức công đoàn có thêm cơ sở để đảm bảo thực hiện tốt vai trò đại diện cho tiếng nói, quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Nhưng sẽ “khó” khởi kiện

Thực tế cho thấy, việc trao quyền khởi kiện DN nợ BHXH cho công đoàn đang đối mặt với nhiều thách thức. Thông thường, thời gian theo đuổi các vụ kiện dài và tốn kém, nếu dồn hết cho tổ chức công đoàn thì sẽ rất khó xoay xở. Một thách thức nữa là cơ quan BHXH kiện DN nợ BHXH chỉ cần dựa vào số nợ, thời gian nợ, còn khi tổ chức công đoàn kiện DN nợ BHXH, cần phải được người lao động ủy quyền. Nếu người lao động không biết về tình trạng nợ BHXH của DN, không ủy quyền, công đoàn cấp trên không nắm rõ về tình hình nợ BHXH của DN sẽ dẫn đến tình trạng các DN nợ BHXH với số tiền lớn nhưng không ai đứng ra khởi kiện, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.

Bên cạnh đó, một thực tế là hoạt động của tổ chức công đoàn trong một số DN hiện vẫn còn mang tính hình thức, ngại đụng chạm hoặc không dám lên tiếng khi DN vi phạm pháp luật về BHXH hoặc chậm đóng, cố tình nợ BHXH kéo dài, gây thiệt hại về quyền lợi của người lao động.

Đội ngũ cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm, bán chuyên trách hoặc chuyên trách trong các DN vẫn phải “phụ thuộc” vào người sử dụng lao động trong DN trong việc chi trả lương hàng tháng. Do vậy, việc tổ chức công đoàn chưa thật sự chủ động hoặc quyết liệt trong giám sát, can thiệp kịp thời hoặc khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động trong DN cũng là điều dễ hiểu.

Để tổ chức công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện cũng như vai trò giám sát, khởi kiện ra tòa án nhân dân hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của DN, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, thiết nghĩ, ngoài việc cần thiết phải xem xét, sửa đổi, bổ sung những quy định về chế độ hoạt động cũng như chế độ chi trả tiền lương của tổ chức công đoàn trong DN, cán bộ của tổ chức công đoàn, còn cần phải nâng cao hiểu biết về những quy định của luật pháp trong các công đoàn cơ sở và các đoàn viên.

Ông Lê Văn Chí - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Thực tế lâu nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp rất tốt với BHXH tỉnh và Sở LĐ-TB&XH trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhất là trong việc thu hồi nợ BHXH. Hiện nay, công đoàn đã nắm rõ danh sách các DN nợ BHXH đối với người lao động. Thời gian tới, Liên đoàn Lao động sẽ tiến hành làm việc với BHXH tỉnh về công tác phối hợp, đồng thời, triển khai hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ cho công đoàn cơ sở, cấp trên cơ sở triển khai Luật BHXH mới.

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, số nợ năm 2015 là 45,544 tỷ đồng, trong đó, nợ BHXH 38,845 tỷ đồng, bảo hiểm thất nghiệp 1,52 tỷ đồng, BHYT 5,179 tỷ đồng. Tổng dư nợ tính đến hết ngày 31/3/2016 là 66,295 tỷ đồng, trong đó, nợ BHXH 53,446 tỷ đồng, bảo hiểm thất nghiệp 2,242 tỷ đồng, BHYT 10,607 tỷ đồng.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast