Di tích thành phế tích: Trăm năm bia đá vẫn... mòn!

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, nhiều di tích, vì nhiều lý do, đã mai một và trở thành… phế tích. Bấy nhiêu phế tích cũng có nghĩa là bấy nhiêu tâm niệm, tình cảm của ông cha đã “hao mòn” theo năm tháng.

Xót xa trước cảnh hoang tàn

Tôi về xã Tượng Sơn (Thạch Hà) để tìm hiểu ngôi đền nằm hướng chính Tây ngoảnh ra sông Rào Cái. Từ xa đã thấy một đàn bò tranh nhau gặm cỏ trong thượng điện, chen lấn, chà xát vào các vách tường. Bước vào đền, mùi phân, nước tiểu của đám súc vật ám tỏa nồng nặc. Mục sở thị, ngôi đền dầu còn các kết cấu chính như cổng chính, từ đường, thượng điện, nhưng đều xuống cấp, tường bong tróc, toàn bộ ngói không còn, hệ thống hoa văn và mỹ thuật bị mất mát, hư hỏng.

Cụ Bùi Đức Ký (SN 1932) cho hay: “Đền lấy tên làng là Phú Sơn, thờ thần Tam Lang, xây dựng thời nhà Nguyễn. Thời đó, ông nội tôi cùng với trai làng từ 18 tuổi trở lên phải đào đất, làm lò nung gạch xây nên. Trước đây rất đường bệ, trên bộ, dưới thủy, tường chạy dài ra bờ sông, cổng chính có 2 con ngựa trên có tướng cưỡi, có 2 cây gội 2 người ôm không xuể, có rừng cây được trồng theo hình chim phượng bay ra bờ sông. Diện tích khuôn viên hồi ấy rộng lắm, không như giờ”.

Cụ Ký còn cho hay: Cạnh đền Phú Sơn có ngôi chùa được làm từ thời nào không rõ nhưng được tôn tạo, mở rộng từ thời ông thân sinh của cụ.

Qua lời cụ Ký có thể thấy, đây chính là một quần thể gắn với tín ngưỡng của người dân. Tiếc rằng, theo như lời cụ Ký, vào năm 1948, đền Phú Sơn hợp tự sang một ngôi đền ở xã Thạch Thắng nên toàn bộ sắc phong bị hư hỏng. Bản thân đền ở Thạch Thắng, một thời là nơi ẩn nấp máy bay địch, giờ cũng chỉ còn cồn đất, quần thể di tích và các loại cây cối sum suê ngày nào đã bị phá hết. Riêng đền Phú Sơn, vào năm 1958, người ta đã chặt phá cây cối, đập bỏ long chầu và các loại chạm trổ.

di tich thanh phe tich tram nam bia da van mon

Quần thể di tích đền Phú Sơn (Tượng Sơn - Thạch Hà) đang ngày một xuống cấp, hoang phế

“Ngày xưa, hàng năm, tại đền Phú Sơn, người dân trong vùng đến làm lễ ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng bảy và lễ kỳ phúc lục ngoạt. Ngoài ra, người dân còn làm lễ tế thần nông trước cửa đền. Gắn với các ngày lễ, người dân còn tổ chức hát nhà trò tại đền” - cụ Ký tiếc nuối.

Làng Đại Hải (Thạch Hải, Thạch Hà) hướng ra biển cả với sự tự tin. Ông Đậu Văn Thạch và Trần Đăng Thanh cho hay: Làng có 11 đền, miếu nhưng đã bị đập 5 cái để làm đường giao thông, chỉ còn 6 cái. Mới đây, làng đã huy động “đào” được đền Tam Lang, bị cát chôn vùi tận mái. Việc tu bổ, phục hồi đền này cũng mất gần 100 triệu đồng, do con em xa quê đóng góp, ủng hộ. Ông Thanh mô tả, trước đây, trên ngọn đồi đền Tam Lang có 3 di tích là miếu Tư Văn, đền Cao Các, đền Tam Lang. Giờ miếu Tư Văn không còn, đền Cao Các chỉ còn phần móng. Là nơi giáp biển nên dọc đường từ thôn Đại Hải ra đền Chiêu Trưng Lê Khôi có rất nhiều đền, miếu bỏ hoang, người đời nay không rõ thờ ai, cứ khuất lấp, hao mòn theo năm tháng.

Theo khảo sát của chúng tôi thì tình trạng nói trên diễn ra ở nhiều vùng. Tại xã Hòa Hải (Hương Khê), đền Cả chỉ còn nền nhà và khuôn viên, đền Nậy còn cột nanh, đền Cột Voi chỉ còn phần mộ thiên tạo; xã Hương Thủy (Hương Khê) có đền Khe Nác còn 4 cột gỗ lợp tranh, đền Trạng chỉ còn 2 cột nanh và một điện nhỏ…

Theo thống kê chưa đầy đủ của phòng văn hóa - thông tin một số địa phương, hiện tại, số di tích chưa được xếp hạng còn rất nhiều, phần lớn là phế tích. Cụ thể: huyện Can Lộc hơn 100, Thạch Hà gần 100, Hương Khê 47, Đức Thọ 56, Nghi Xuân 51…

Lãnh đạo các phòng văn hóa - thông tin cũng cho hay, trên thực tế còn nhiều di tích giờ không còn dấu vết gì; một số phế tích khả năng phục hồi rất khó. Nguyên nhân là do: chủ trương hợp tự một thời làm thất lạc phần tích, một thời đập phá để làm các công trình phúc lợi, do chiến tranh tàn phá… Tuy nhiên, nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước lâu nay lại chưa được đề cập.

Chính quyền sở tại thiếu quan tâm

Những câu chuyện kể trên phần nào cho thấy, chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc bảo vệ di tích. Người dân Đại Hải cho hay, khi dân làng cùng nhau bàn kế hoạch “đào” đền Tam Lang và tiến hành tu bổ từ tháng 8 đến tháng 12/2014 thì hoàn thành, lúc đó, xã mới ra làm lễ thắp hương.

di tich thanh phe tich tram nam bia da van mon

Đàn bò gặm cỏ trong cảnh hoang tàn của một ngôi chùa ở làng Phú Sơn (Tượng Sơn)

Còn tại đền Phú Sơn, người dân cũng thừa nhận, diện tích khuôn viên đền rộng lớn hơn nhưng do quá trình làm ruộng, nhiều người đã lấn dần đến sân tường đền. Chuyện các đền, miếu bị lấn đất xảy ra ở hầu hết các nơi, ngay cả tại đền Chợ Củi (Nghi Xuân). Thật buồn, lẽ ra chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc khoanh vùng, bảo vệ di sản của ông cha (dầu chưa được xếp hạng) thì việc này thường lại do người dân đứng ra thực hiện.

Khi chính quyền sở tại ít chú trọng đến việc bảo vệ những di tích chưa được xếp hạng đã tác động tiêu cực tới các phần còn lại của di tích. Từ đây giải thích tại sao, các phế tích thường trở nên hoang vu, bị vật nuôi phá hại hoặc người dân chiếm chỗ như tại điện thờ Trần Thị Ngọc Hào ở xã Đức Lạng (Đức Thọ). Ngoài ra, cũng vì sự thiếu quan tâm của chính quyền mà một số đồ tế khí, liên quan đến thờ tự vẫn bị một số người dân chiếm đoạt, như có người dân giữ chuông đồng hơn 1 tạ của chùa Xóm Mới (Xuân Lộc, Can Lộc) chưa chịu trả.

Mặt khác, từ góc độ kiểm kê, chính quyền nhiều địa phương do ít khi kiểm kê các di tích chưa được xếp hạng, nên đã dẫn tới thiếu giải pháp cũng như kiến nghị với cấp trên.

(Còn nữa)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast