Chuyên gia nông nghiệp cảnh báo dịch hại nguy hiểm trên lúa hè thu Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Theo Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, từ thời điểm này trở đi, các loại dịch hại nguy hiểm như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột sẽ “ra rộ” gây hại trên lúa hè thu.

Chuyên gia nông nghiệp cảnh báo dịch hại nguy hiểm trên lúa hè thu Hà Tĩnh

Thạc sĩ Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh trao đổi với phóng viên Báo Hà Tĩnh về tình hình sâu bệnh trên lúa hè thu 2021.

Thạc sĩ Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, lúa hè thu 2021 của Hà Tĩnh đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, cây lúa sẽ phát triển mạnh về bộ lá.

Thời điểm này, nhiều loại sâu bệnh có nguy cơ phát sinh gây hại trên lúa như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột…

“Thời tiết Hà Tĩnh đang dịu mát dần, nhiệt độ giảm hơn so với đợt trước và có các đợt mưa xen kẽ. Đây là điều kiện thời tiết thích hợp cho sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh. Các đối tượng này đều là những loại dịch hại “bám rễ” từ rất nhiều năm ở vụ sản xuất hè thu của Hà Tĩnh và có nguy cơ gây thiệt hại mùa màng lớn nếu dịch bùng phát diện rộng” - ông Nguyễn Tống Phong thông tin.

Chuyên gia nông nghiệp cảnh báo dịch hại nguy hiểm trên lúa hè thu Hà Tĩnh

Nhờ thời tiết thuận lợi, các trà lúa trên toàn tỉnh sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe.

Hiện nay, Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành kiểm tra đồng ruộng, điều tra tình hình sâu bệnh trên toàn tỉnh. Thời điểm này, rầy nâu, rầy lưng trắng bắt đầu phát sinh gây hại nhẹ, cục bộ ở các địa phương.

Trong khi đó, sâu cuốn lá nhỏ đã xuất hiện ở khá nhiều nơi như: Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Lộc Hà, Hương Sơn và bắt đầu bước vào giai đoạn “ra rộ” với mật độ trung bình của sâu là 1 - 3 con/m2, nơi cao 5 - 7 con/m2; sâu chủ yếu tuổi 1, tuổi 2, tuổi 3.

Dự báo, từ nay đến cuối vụ, rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ có thể sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại trên lúa hè thu. Lưu ý, thời điểm tích lũy số lượng cao nhất sẽ vào khoảng từ nay đến trung tuần tháng 7, trở thành nguồn gây hại nặng trên đồng ruộng vào thời kỳ lúa làm đòng đến trổ bông.

Chuyên gia nông nghiệp cảnh báo dịch hại nguy hiểm trên lúa hè thu Hà Tĩnh

Sâu cuốn lá nhỏ đã xuất hiện rải rác ở một diện tích lúa hè thu trên địa bàn.

Khi bị sâu cuốn lá nhỏ tấn công, lá lúa bị cuốn, sâu non ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá dọc theo gân lá tạo thành những vệt trắng dài. Các vệt này có thể nối liền với nhau thành từng mảng làm giảm diện tích quang hợp, đặc biệt là trên lá đòng hoặc lá công năng sẽ làm giảm năng suất rõ rệt của lúa cuối vụ.

Sâu có khả năng di chuyển ra để phá hại lá mới, thời gian di chuyển thường vào buổi chiều (từ 6 - 21 giờ trong ngày), mỗi con sâu non có thể phá hại từ 5 - 9 lá; ngày trời mưa hoặc râm mát thì có thể di chuyển bất cứ lúc nào trong ngày.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, so với một số năm cao điểm của dịch bệnh (năm 2010 và năm 2014), năm nay, tình hình phát sinh các đối tượng sâu bệnh chậm hơn. Tuy nhiên, đây là các loại dịch hại có thâm niên nhiều năm, từng gây hại lớn trên đồng ruộng hè thu Hà Tĩnh nên không thể lơ là, mất cảnh giác và cần có biện pháp kiểm soát sớm.

Chuyên gia nông nghiệp cảnh báo dịch hại nguy hiểm trên lúa hè thu Hà Tĩnh

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh điều tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên)

Về giải pháp phòng trừ, Thạc sĩ Nguyễn Tống Phong đề nghị các địa phương và bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu bệnh. Tổ chức điều tra, phát hiện sớm và phòng trừ phù hợp từng thời điểm theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Riêng đối với sâu cuốn lá nhỏ, cần thăm đồng thường xuyên, chú ý biện pháp kỹ thuật bón phân cân đối, không để thừa đạm; bảo vệ các loài thiên địch có lợi. Khi tỷ lệ gây hại cao thì cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Khi phun phòng trừ sâu hại thì nên phun ở những ruộng lúa cấy trước, nhanh tốt; ruộng lúa thừa đạm, lá xanh đen, những ruộng gần khu dân cư, gần đường quốc lộ; phun sau khi ngớt bướm 2 - 3 ngày để tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh.

Đối với bệnh lùn sọc đen phương Nam (do rầy lưng trắng là đối tượng môi giới lan truyền vi-rút) và bệnh vàng lụi, các địa phương cần thường xuyên thu mẫu rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen để giám định vi-rút gây bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Nguyễn Tống Phong cũng khuyến cáo thêm bà con nông dân cần theo dõi các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây ăn quả có múi, đặc biệt là nhóm nhện gây hại trên quả, nhằm bảo vệ an toàn năng suất cuối vụ.

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast