Dì ơi, mẹ ơi!

- A lô, Hân à, cuối tuần này về không cháu?

- Cháu không về đâu, còn học thêm nữa. Có sao không dì?

- Không. Tưởng về chơi, dì làm cho con gà mà ăn. Thế tuần sau về nha!

- Dạ…

Cúp máy và đôi mắt ướt nước nhèm nhẹp từ bao giờ. Dì lúc nào cũng thương nó, vậy mà…

Hân lười điện thoại. Mà đúng hơn là nó lười với gia đình thôi chứ với bạn bè thì tin nhắn, cuộc gọi cứ tí tách suốt ngày.

Từ ngày mẹ theo lời một người đàn ông lạ “qua bển” làm kinh tế để gửi tiền về cho Hân ăn học đàng hoàng, ba làm bạn thân với ông Dần “rượu” , cuộc sống của Hân bỗng “tự do” và “giàu sang” hẳn. Không cần liên lạc, cứ đầu tháng, mẹ gửi về một khoản tiền dư dả để Hân ăn tiêu, bay nhảy ở miền phố núi ấy. Ba vốn đã ít nói chuyện, nhắc nhở, giờ lại càng không bao giờ đả động gì đến cô con gái út. Ngôi nhà vốn đầy ắp tiếng cười ngày trước, giờ chẳng còn ai ngoài ông bố suốt ngày say khướt, vất vưởng như cái bóng vô hồn. Hai chị gái lấy chồng xa, lo phận mình chưa nổi nói gì việc để ý tới Hân. Một nhà 5 người, giờ chia ra thành 5 nhà. Trường cách nhà 10 cây số, nhưng Hân vẫn ở trọ. Chỉ duy nhất dì, người em gái kế mẹ là luôn yêu thương, quan tâm Hân hết mực.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Nói với dì cuối tuần học thêm nhưng thực ra lớp “học thêm” ấy là một cửa hàng thời trang mới mở. Chẳng có cái cửa hàng thời trang, đầu tóc nào ở thành phố này là xa lạ với Hân dù cô mới 17 tuổi. Sáng, trưa, chiều, tối, đầu tuần, giữa tuần, cuối tuần đều có thể tìm thấy Hân trong những cửa hàng, cửa hiệu làm tóc, thời trang… Hân thông thạo, sành sõi tất cả những thứ đó và cả những tụ điểm ăn chơi. Và dì luôn tin tưởng ở Hân. Mỗi lần Hân chớm về nhà, nhìn thấy cô cháu gái gầy đi, dì lại thương lắm!

Quê nghèo có gì đâu chứ, đàn gà cũng là một tài sản giá trị, chỉ những khách ở xa tới, khách quý của gia đình hay khi trong nhà có người đau ốm mới được thịt thì nay đã mặc định là của Hân, dành cho Hân. Hân chịu ăn bao nhiêu dì cũng dành cho Hân cả. Chẳng thế mà, mấy đứa nhỏ con dì cứ mong chị Hân nhanh về chơi. Rồi cả những khi nhà có quả ổi, miếng đu đủ chín, dì cũng gọi xem Hân có về chơi thì để dì dành phần. Chỉ thế thôi cũng đủ hiểu, dì thương Hân như thế nào.

Đang xúng xính ướm thử cái váy mới, Hân có điện thoại, là số máy của dì gọi… Hân tặc lưỡi, “chắc lại gọi hỏi mình bao giờ về đây mà, thôi không nghe”. Thêm ba lần điện thoại đổ chuông, Hân vẫn mặc. Thử được cái váy ưng ý, Hân kéo con bạn đi ăn tới tối mịt rồi lết về phòng với đôi chân rã rời và quăng xác lên giường nằm dài.

Chuông reo. Lại là dì gọi, sao thế chẳng biết?

- Dì ạ.

- Chị Hân ơi, mẹ em bị ngã nằm viện rồi, sao em gọi mãi chị chẳng nghe máy - Giọng con bé cả nhà dì thút thít

Tỉnh cả người, Hân bật dậy:

- Cái gì, ở đâu? Sao giờ mày mới nói?

- Thì chị có nghe máy em gọi đâu. Hu hu! Ở bệnh viện thành phố ấy, em với bố đang ở đây.

- Ừ.

Hân lao vào bệnh viện. Dì đang nằm đó. Bất động, đôi mắt khép hờ, lông mày cau lại, khuôn mặt hốc hác, chắc dì đang đau lắm. Thảng thốt, đây cũng là lần đầu tiên Hân nhìn kĩ khuôn mặt dì. Người duy nhất vẫn luôn yêu thương Hân từ khi là đứa bé đỏ hỏn cho tới khi trưởng thành, vậy mà, tới lúc này, Hân mới nhìn kỹ khuôn mặt. Lôi đứa em ra một góc, Hân hỏi:

- Mày ăn gì chưa? Mà mẹ sao lại ngã ra thế, bác sỹ bảo thế nào? Chắc mai mốt là được về hả?

- Em ăn rồi. Bác sỹ bảo mẹ bị vỡ xương chậu, còn nằm thế mấy tháng. Khoai sắp vào vụ rồi, mẹ nằm thế, năm nay nhà em chết đói mất. À, mẹ em bị ngã trên ghế xuống. Mẹ bê buồng chuối lên đặt trên chạn bếp cho nó nhanh chín, chạn bếp cao, phải đứng lên ghế rồi bị ngã ấy.

- Ôi giời, chuối chẳng ăn thì thôi, 10 nghìn mua được cả nải ngoài chợ ấy. Mẹ mày đứng lên ghế làm gì để giờ phải khổ thế. Đúng là…

- Chị còn dám nói thế. Không vì chị, mẹ em đã không ngã. Mẹ bảo, tuần sau chị về rồi nên phải đặt lên chạn bếp cho chuối nhanh chín để kịp chị về ăn.

Không vì chị, mẹ em đã không ngã… Câu nói ấy cứ vang lên dồn dập trong đầu. Khuôn mặt tái mét, Hân ngồi sụp xuống, bật khóc như vừa bị ai đánh. Dì vì mình, vì quả chuối chín để mình ăn mà ngã. Vỡ xương chậu, sẽ nằm bất động. Chính mình, mình là kẻ làm dì ra như thế. Dì ơi!... Cháu xin lỗi!... Hân chạy vào phòng bệnh ôm dì khóc nức nở.

Những ngày sau, Hân vào ra nấu nướng, mang đồ ăn đến cho dì và hai dì cháu lại thủ thỉ tâm sự. Bao nhiêu chuyện khó nói, giờ Hân mở lòng ra với dì. Dì dặn dò những chuyện mà đứa con gái đang lớn như Hân cần biết… Nghe lời dì, Hân trở về ở cùng ba, một buổi đi học, một buổi về nhà phụ ba việc đồng áng, lúc rảnh rỗi còn chạy qua giúp chú và các em thu hoạch khoai.

Từ ngày Hân trở về, bếp lửa được thắp lên đều đặn, ngôi nhà dần ấm cúng hơn. Từ bao giờ, ba bớt nhậu nhẹt, say xỉn mà về ăn cơm cùng Hân. Hai ba con vừa ăn, vừa nói chuyện rôm rả, tiếng cười ngày xưa đã quay về.

Hôm nay, dì xuất viện về nhà. Thấy bóng dì từ cổng, Hân chạy ùa ra ôm chầm lấy dì gọi to:

- Dì ơi! Mẹ ơi!

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast